Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012


20:11
 Lạm phát hạ nhiệt:
Đi tìm điều bất thường

Lý do dẫn đến CPI giảm tốc trong tháng 11 (hiện tượng ít xảy ra trong nhiều năm gần đây) là chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tiếp tục giảm 0,21% nên nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08% so với tháng 10.

Minh họa: QUANG MINH

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11 đã giảm khá sâu khi chỉ tăng 0,47% so với tháng 10. Lạm phát 11 tháng qua đã chạm ngưỡng 6,5%. Tính trong nhiều năm trở lại đây, mức tăng của tháng này là không lớn. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế suy giảm, thì lại hàm chứa nhiều điều bất thường.

Thực phẩm gìm cương CPI

Nếu tính theo tháng thì mức tăng 0,47% thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 0,85% của tháng 10 và mức đỉnh 2,2% của tháng 9 trước đó. Như vậy CPI bình quân 11 tháng qua tăng 9,43% so với cùng kỳ 2011. So sánh với CPI chu kỳ tương ứng nhiều năm gần đây thậm chí còn là thấp. Ngay cả năm bất thường 2009, thì CPI tháng 11 cũng tăng 0,55%.

CPI tháng 11 hạ nhiệt khá sâu là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống-nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 40%) trong rổ hàng chung đã giảm 0,08%, giá thực phẩm giảm tới 0,21%, còn giá lương thực chỉ tăng nhẹ 0,05%. Điều này cho thấy áp lực lạm phát đang giảm. Nhưng khi đối chiếu với cung cầu hàng hóa mới thấy, áp lực giảm này mang tính "không mong muốn”.

Đối chiếu tương quan giữa cung và cầu hàng hóa: sức mua trên thị trường giảm, khiến cho hàng tồn kho lên tới trên 17%. Ngay như mặt hàng rau xanh, thịt lợn tại các chợ lớn đầu mối cũng đang giảm đến 10%. Doanh nghiệp sản xuất chế biến cũng chỉ sản xuất cầm chừng.

Các chỉ tiêu như chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 4,5% - thấp hơn 3% so với cùng kỳ, nhập khẩu trong tháng 11 cả nước ước 10,25 tỷ USD. Tổng cầu tiếp tục giảm mạnh vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến CPI hạ nhiệt sâu trong tháng.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng, rất nhiều mặt hàng khuyến mãi được quảng cáo rầm rộ nhưng vẫn vắng khách. Mức bán lẻ tại các siêu thị cũng đã giảm rõ. Dịch vụ tiêu dùng cũng đã dịu xuống. 

Cũng trong 11 tháng qua tốc độ tăng trưởng vốn huy động lên đến 11,34% song chỉ tiêu cho vay chỉ đạt xấp xỉ 4%. Bản thân các tổ chức tín dụng đã sẵn sàng nguồn vốn 220 ngàn tỷ đồng để cho vay phục vụ sản xuất hàng tết song đến nay số doanh nghiệp vay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong bản báo cáo tài chính của các ngân hàng phát đi trong quý 3 cho thấy phần đa ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, thậm chí có ngân hàng còn lỗ. Nghĩa là vòng quay đồng tiền đã chậm lại. Đáng lẽ CPI phải tăng mạnh nhưng bị cản trở.

Lý do là bởi nội tại nền kinh tế khó khăn cộng dồn lại từ đầu năm đến nay khiến cho cung lẫn cầu hàng hóa sụt giảm. Áp lực tăng giá vì vậy được hạn chế đi, còn ảnh hưởng từ chính sách điều hành chưa rõ nét. Cụ thể dù Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 nhưng nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế vẫn tăng trong tháng này (tăng 5,16%) trong đó, dịch vụ y tế tăng 6,66%. Đặc biệt 2 nhóm hàng này liên tiếp tăng  từ tháng 7 vừa qua đến nay. 
Vẫn đáng lo ngại

Với diễn biến CPI đạt như hiện nay thì kỳ vọng giữ lạm phát năm 2012 ở mức 7% có thể được. 

Nhưng với cách nhìn nhận lạm phát giảm dần do khó khăn đầu năm dồn tụ, sức mua của người dân không còn… dường như có nhiều lo ngại. 

Ông Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: do khó khăn của doanh nghiệp chưa được giải quyết nên CPI tháng 12 cũng ít có khả năng đột biến. Nhưng cũng theo ông Xuyên "chẳng ai chắc chắn lạm phát đã được chặn lại”. Dù đang có những tác động tích cực như giá cả hàng hóa  hạ nhiệt song tình hình kinh tế thế giới cuối năm vẫn trong bất ổn sẽ tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề, tốc độ tăng trưởng giảm (khoảng 5,2% cả năm) cùng với đó là đời sống ngày càng khó khăn của dân cư, nhất là nhóm người thu nhập thấp (công chức, công nhân và nông dân) do lạm phát cao kéo dài và việc làm bị thu hẹp.

Chuyên gia kinh tế kinh tế độc lập, TS Lê Đăng Doanh cho rằng chưa thể chủ quan và yên tâm với lạm phát cuối năm và đầu năm 2013. Đặc biệt, mục tiêu lạm phát năm 2013 là 8% vẫn đang đặt ra nhiều thách thức lớn.

Cũng theo các chuyên gia, để tăng cường kiểm soát giá cả những tháng cuối năm, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để kịp thời cung ứng nhằm bình ổn thị trường. 

(Theo Đại đoàn kết) Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét