Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012


 09:00

 Các diễn viên Diệu Hương, Thu Hà và Kiều Thanh (từ trái qua) đóng một số phim trong thời kỳ đổi mới. Ảnh: V.V

Thế giới ít biết điện ảnh Việt Nam thời đổi mới

 

Nằm trong khuôn khổ Haniff, hội thảo “Điện ảnh VN thời kỳ đổi mới” đã diễn ra chiều 26.11 tại Hà Nội.

Ba vấn đề đặt ra trong hội thảo là “Khái quát về điện ảnh VN thời kỳ đổi mới”, “Điện ảnh VN mở rộng xã hội hóa và hội nhập quốc tế” và “Kinh nghiệm phát triển điện ảnh một số nước”. Haniff tập trung vào điện ảnh VN đổi mới, vì thế giới ít biết đến phim VN thời kỳ này.

TS Aruna Vasudev - Chủ tịch mạng lưới phát triển điện ảnh Châu Á - hồi nhớ: “Những phim VN về chiến tranh như “Cánh đồng hoang”, tôi xem cách đây 20 năm vẫn còn nguyên xúc động, nhất là hình ảnh người phụ nữ trẻ quá đau khổ tuyệt vọng khi chồng bị máy bay bắn chết...”. Bà cho biết đã có nhiều hoạt động khuyến khích đưa phim VN ra thế giới, như trên tờ tạp chí điện ảnh Châu Á ở New Delhi thường giới thiệu điện ảnh VN. Những bộ phim của Lê Hoàng nói về sự thay đổi của VN như “Gái nhảy”, “Ai xuôi vạn lý”, giúp công chúng hiểu về đất nước và con người VN. Bà cũng nhắc đến hai phim “Thương nhớ đồng quê” và “Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh - những phim kể về nhiều điều trong quá khứ, về sự phát triển vượt lên của VN. 

Bà Heneriko Jeannette Paulson - Chủ tịch diễn đàn điện ảnh Châu Á - Thái Bình Dương, nguyên GĐ LHPQT Hawaii - nêu lên hành trình phim VN đến với nước Mỹ từ năm 1985, khi lần đầu tiên LHP Hawaii giới thiệu phim VN “Bao giờ cho đến tháng mười” đoạt giải danh dự của BGK. Tiếp đó là “Mê thảo thời vang bóng” (1986). Năm 1987, LHP Hawaii cũng đã đưa ra chủ đề “Điện ảnh VN sức mạnh từ quá khứ” để tìm kiếm những bộ phim chất lượng cao. Năm 1988 LHP Hawaii chọn 5 phim VN đề tài chiến tranh “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng mười”..., mời một số đạo diễn VN như Đặng Nhật Minh, Bùi Đình Hạc... sang Mỹ. 

Theo bà Paulson, “những bộ phim dung dị, không gian ít cảnh, thoại ít, nhưng tập trung thể hiện nội tâm sẽ làm xúc động người xem”. Bà kể lại chuyện 1 rạp chiếu phim VN về chiến tranh, 1 rạp chiếu phim Mỹ - đều có đề tài chiến tranh. Xem xong, khán giả đổi rạp, xem phim của nhau và cuối cùng hai nhà làm phim Mỹ - Việt đã ôm nhau khóc. Đó là hình ảnh bà không thể quên. 

Một đại biểu của Quỹ UniFrance nhấn mạnh: Để xuất khẩu phim VN ra nước ngoài, cùng với việc mời các đạo diễn nổi tiếng thế giới, các khách hàng đến VN để chọn phim dự LHP quốc tế, thì đồng sản xuất, hợp tác với nước ngoài làm phim mà thành công hai phim “Chơi vơi” và “Bi đừng sợ” là minh chứng.

Nhiều đại biểu VN phát biểu không mới so với các hội thảo trước đó, vì thế không gây được chú ý. Đạo diễn Lê Hoàng ca ngợi nhiều sự lớn mạnh của điện ảnh tư nhân và cho rằng vấn đề nổi trội của phim VN đổi mới vẫn là tranh luận 2 phe phim thương mại và phim nghệ thuật. Ngoài lề, một số đạo diễn cho biết đến hội thảo chủ yếu là để nghe bạn bè quốc tế chia sẻ.
- Diễn viên Hàn Quốc có lẽ là “chảnh” nhất LH khi phóng viên truyền hình VN cho biết không thể phỏng vấn riêng ai được, mà tất cả đều đề nghị phỏng vấn cả đoàn. Và đoàn Hàn Quốc khi dự buổi họp báo sáng 26.11 cũng đề nghị đúng giờ, không nhân nhượng chút nào! 

- Hai gương mặt bị “ném đá” nhiều nhất là diễn viên Quỳnh Hoa và người mẫu Hồng Quế vì mặc áo ren xuyên thấu, khác hẳn với sự lịch lãm của nhiều ngôi sao đến dự khai mạc Haniff. Trong đó, Hồng Quế không phải là diễn viên, nên theo một số tờ báo là “khách không mời mà đến”.

- 150 tình nguyện viên cho Haniff đều là sinh viên rất nhiệt tình, trẻ trung, tiếc là vốn hiểu biết về điện ảnh lại không tốt lắm nên nhiều khi họ dịch không chuẩn.
Việt Văn (Báo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét