Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012


 08:25

 Vạch trần mưu đồ “nuốt” biển Đông


TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, khẳng định việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò trên biển Đông là có chủ ý trong chiến lược bành trướng


Phóng viên: Thưa ông, có phải Trung Quốc in bản đồ đường lưỡi bò trong hộ chiếu là một bước leo thang đầy toan tính trong tham vọng hiện thực hóa đường lưỡi bò?

- TS Trần Công Trục: Đúng vậy. Chiến lược của Trung Quốc đã bộc lộ rất rõ và khá lâu là muốn thoát ra khỏi sự gò bó trong Trung Hoa lục địa và muốn trở thành nước mạnh về biển. Để vươn ra đại dương, họ chỉ có 2 con đường là qua biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, để qua con đường biển Hoa Đông, họ vướng phải các nước lớn như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc…, vì thế họ phải chọn biển Đông. Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tư tưởng bành trướng biên giới, lãnh thổ và ý đồ muốn làm chủ biển Đông một cách bất hợp pháp, phi lý và bất chấp quan hệ bang giao cũng như sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Thực tế, hơn 50 năm qua, họ đã liên tục có những hành động, bước đi thể hiện rõ ràng mục đích này, từ việc xâm chiếm các hòn đảo, quần đảo của các nước trong khu vực, trong đó có cả Việt Nam, đồng thời liên tục đưa ra các tuyên bố, tuyên truyền trên mọi hình thức, tổ chức “chiến tranh” bản đồ… Và việc in bản đồ đường lưỡi bò hoang tưởng trên hộ chiếu của công dân nước họ là bước tiến mới trong chiến lược của Trung Quốc trong tham vọng khống chế biển Đông và đây là hành động cực kỳ thâm hiểm và vô cùng nguy hiểm cho các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế có chung quyền lợi trên biển Đông.
Ông có thể phân tích rõ hơn hành động thâm hiểm này?
- Theo luật pháp quốc tế, hộ chiếu là tài liệu pháp lý chính thức của nhà nước và được sử dụng rộng rãi. Sau này, có thể Trung Quốc sẽ sử dụng những tấm hộ chiếu có in hình lưỡi bò này cùng tất cả các loại bản đồ, công hàm, các tài liệu hay việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... làm chứng cứ để đưa ra yêu sách khi đàm phán theo quy ước quốc tế với cách làm “biến không thành có, biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp”. Đó là một hành động tiếp theo một chuỗi các hành động rất có tính hệ thống để hợp thức hóa đường lưỡi bò vô căn cứ.
In đường lưỡi bò lên hộ chiếu chỉ là một trong những việc làm đã được toan tính nhằm hiện thực hóa tham vọng bành trướng. Vậy bước đi tiếp theo có thể là gì?
- Trung Quốc sẽ còn có bước đi nguy hiểm hơn. Thực tế đã chứng minh là sau hội thảo quốc tế lần thứ 4 về biển Đông vừa qua, ông Tô Hạo, một nhà ngoại giao của Trung Quốc, nói rằng: “Trung Quốc hết sức chia sẻ với sự quan tâm lo ngại của thế giới đối với con đường hình lưỡi bò nhưng chúng tôi cho rằng vùng nước trong đường lưỡi bò không thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Nhưng xem kỹ lại phát biểu này thì thấy rõ có sự lắt léo, vô cùng thâm hiểm bởi con đường lưỡi bò sẽ là cơ sở để Trung Quốc đem ra đàm phán với các nước có liên quan khác. Nếu trong quá trình đàm phán đó chưa đi đến thống nhất thì sẽ áp dụng nguyên tắc “gác tranh chấp cùng khai thác biển Đông”. Đây là mưu đồ tiếp theo để thực hiện cái đích của tham vọng “nuốt trọn” biển Đông.
Chúng ta đối phó hành động này của Trung Quốc bằng cách nào?
- Điều phải làm và không thể bỏ qua là có công hàm phản đối chính thức đến phía Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn là cần có văn bản phản đối chính thức gửi Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế liên quan để ghi nhận và lưu trữ là cơ sở pháp lý sau này. Phải nói rõ cơ sở pháp lý với lý lẽ sắc bén để thế giới hiểu rõ bản chất sự việc. Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và của chính người dân Trung Quốc phản đối sự bành trướng của Trung Quốc. Trong thời đại hiện nay, ý đồ bành trướng, bá quyền là hết sức lạc lõng, là quay lưng lại xu thế chung của thế giới, xem thường cả nhân loại.
Đồng thời, các nước bị xâm phạm bởi đường lưỡi bò như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei… cùng có phản đối chính thức một cách mạnh mẽ là rất cần thiết và cho rằng đây là hành động vi phạm quyền và chủ quyền của các quốc gia trên biển Đông.
Không bình thường!
Trong cuộc họp báo ngày 26-11, khi được hỏi nếu hải quan Mỹ đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu mới có in bản đồ gây tranh cãi của Trung Quốc thì đó có phải là sự công nhận của Mỹ với bản đồ đó không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định: “Đó không phải là một sự công nhận. Quan điểm của chúng tôi về biển Đông vẫn là cần tổ chức đàm phán giữa các bên liên quan, bao gồm ASEAN và Trung Quốc. Một tấm bản đồ in trên hộ chiếu không thể thay đổi điều này”.
Tuy nhiên, bà Nuland nói bản đồ trên không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của hộ chiếu khi xem xét cấp thị thực vào Mỹ.
Cùng ngày 26-11, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng chính sách hộ chiếu của Trung Quốc “không bình thường và gây tranh chấp”. Hãng tin Antara của Indonesia dẫn lời ông Natalegawa nêu rõ: “Các nỗ lực tìm kiếm gián tiếp sự công nhận đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp thông qua bản đồ trên hộ chiếu của Trung Quốc là không bình thường và sẽ không đạt được mục đích, thậm chí còn gây tranh chấp”.

Mỹ Nhung

GS CARL THAYER (HỌC VIỆN QUỐC PHÒNG ÚC), CHUYÊN GIA VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ VIỆT NAM:
Một bước đi láu lỉnh!
Trung Quốc dùng mọi cách để đòi quyền tài phán trên biển Đông. Việc cấp hộ chiếu có bản đồ hình lưỡi bò là một bước đi láu lỉnh, bởi nếu Việt Nam, Philippines hay các nước có tranh chấp chấp nhận hộ chiếu này thì Trung Quốc sẽ vin vào đó để đòi quyền tài phán cho mình. Thực ra, ở phạm vi quốc tế, “hộ chiếu lưỡi bò” cơ bản không có giá trị pháp lý trong việc xác lập chủ quyền.
Cũng trong đường lưỡi bò (trên bản đồ) đó, Trung Quốc có thể hiện các chỉ dấu tranh chấp lãnh thổ với cả Ấn Độ nhưng không “đụng” đến đảo Senkaku của Nhật Bản. Hành động này của Trung Quốc rõ ràng là một toan tính chính trị.

D.Quang ghi
(Người Lao động) THẾ DŨNG thực hiện
Việt Nam, Philipin, Ấn Độ hay Hàn Quốc… cũng có thể in thêm những phần lãnh thổ của Trung Quốc lên bản đồ hoặc hộ chiếu nước họ. Chỉ có điều, việc làm đó chẳng có ai hay tổ chức quốc tế nào công nhận phần bản đồ ngộ nhận là lãnh thổ nước đã in tấm bản đồ đó.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét