11:01
Kon Tum: Tận diệt cây kim cương vì thương
lái Trung Quốc
Gần đây, hàng
trăm người dân xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và các xã Măng Cành, Măng Bút,
Hiếu, huyện Kon Plông - Kon Tum đổ xô lên rừng tìm bứt cây kim cương về bán
cho các thương lái Trung Quốc
Cây kim cương
có tên khoa học là Anoectochilus spp, là loài thực vật quý hiếm thuộc nhóm
IA, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Thân cây bò ôm phủ
trên những phiến đá hoặc những nơi có lớp đất mùn dày trên các ngọn núi cao.
Lá cây óng ánh như kim cương nên người dân quen gọi là cây lá nhung, lan kim
tuyến, lan gấm…
Cạn kiệt
Chúng
tôi theo anh A Phong ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông vào núi Ngọc Linh để tìm
cây kim cương. Từ xã Ngọc Lây, mất gần nửa ngày vượt rừng, lội suối, vừa đi
vừa chạy vì sợ vắt đốt, chúng tôi cũng đã đến được lưng chừng núi Ngọc Linh
cao chót vót, nơi còn sót lại rất ít cây kim cương. Sau hơn nửa giờ chui rúc
dưới tán cây rừng, chúng tôi phát hiện 8 cây kim cương mọc bên gốc một cây cổ
thụ. Anh A Phong nhẹ nhàng nhổ các cây kim cương cho vào túi rồi tiếp tục mở
rộng khu vực tìm kiếm. Sau một ngày lục lọi khắp các khu rừng Ngọc Linh, anh
A Phong tìm được tổng cộng 38 cây kim cương.
Anh A Phong tìm kiếm cây kim cương trên lưng chừng núi Ngọc
Linh
Anh A Phong cho
biết: Không hiểu sao thời gian gần đây, thương lái tới tận làng hỏi mua cây
kim cương với giá rất cao. Nhiều người đã bỏ việc nương rẫy lên rừng tìm cây
kim cương. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày anh tìm được 1 kg cây tươi, bán cho
các thương lái được 500.000 đồng. Năm nay, giá 1 kg cây tươi lên đến 1 triệu
đồng nhưng rất khan hiếm. “Vừa rồi tôi và mấy người cùng xã phải lên tận đỉnh
núi Ngọc Linh tìm mất 3 ngày nhưng chỉ được hơn 2 kg” - anh A Phong cho biết.
Rời Tu Mơ Rông,
chúng tôi về xã Hiếu, huyện Kon Plông, nơi có rất nhiều người thường xuyên
vào rừng tìm cây kim cương. Ông Đinh Xuân Rường, trưởng thôn Vigơlơng, xã
Hiếu, cho biết: Chính quyền xã, huyện cũng nhắc nhở không cho người dân vào
rừng lấy cây kim cương nhưng loài cây này đã cho người dân nơi đây nguồn thu
nhập đáng kể, vì thế không ngăn được họ. Trong thôn hiện có 96 hộ dân, từ
tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, tất cả lại kéo nhau vào rừng tìm cây kim cương.
Có bao nhiêu mua bấy nhiêu
Khoảng 4 năm
lại đây, cứ vào dịp từ tháng 9 đến tháng 11, nhiều người dân ở huyện Tu Mơ
Rông và Kon Plông lại đổ xô lên rừng tìm cây kim cương. Dù chưa ai biết giá
trị thực sự của loại cây này nhưng với việc thương lái vào tận nhà, hỏi mua
giá cao đã khiến hàng trăm hộ gia đình không quản nguy hiểm vào tận rừng sâu
săn tìm, khiến cho loài thực vật quý hiếm này đứng trước nguy cơ bị tuyệt
diệt. Không chỉ vậy, loài cây này thường sống ở những khu vực rừng nguyên
sinh, rất nhiều rắn độc, thời điểm lấy cây kim cương lại thường xảy ra lũ quét
nên rất nguy hiểm. Năm 2010, hai chị em Y Linh và Y Liang, ở xã Măng Cành,
huyện Kon Plông, vào rừng tìm cây kim cương đã bị lũ cuốn trôi.
Chị Nguyễn Thị
Tâm, chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, cho biết: “Vài năm
gần đây, rất nhiều người ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam lên đây
hỏi mua cây kim cương. Tôi hỏi mua để làm gì, họ nói không biết vì họ mua về
bán lại cho các thương lái Trung Quốc. Nghe đâu bên Trung Quốc mua về làm
thuốc chữa bệnh ung thư. Không biết lá kim cương có công hiệu như thế nào
nhưng bán bao nhiêu người ta cũng mua”.
Bà
Nguyễn Thị Thu Diễm, ngụ xã Pờ Ê, Kon Plông, một người buôn bán cây kim cương
chuyên nghiệp nói: “Đối với loại kim cương mọc trên đất sẽ thu mua với giá từ
1 triệu - 1,2 triệu đồng/kg cây tươi; còn kim cương mọc trên đá, giá chỉ
250.000 đồng/kg.
Mỗi ngày mua được vài chục ký. Mình thu được bao nhiêu các thương lái người Trung Quốc và Đài Loan đến mua hết. Không chỉ bán cây kim cương tươi, tôi còn sấy khô để gửi đi Trung Quốc, Hàn Quốc bán với giá 100-120 triệu đồng/kg”.
CAO NGUYÊN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét