15:42
Tự thích lên mặt mình:
“Chúng tôi tham lam”
Trong
Ngũ hình của chế độ phong kiến Trung Quốc, kình (thích lên mặt) được áp dụng
cho nhiều loại tội phạm, từ trốn lính, trộm cắp đến gian dâm. Trong hình phạt
này, tội nhân bị thích lên mặt dòng chữ hoặc biểu tượng tố cáo tội lỗi mà họ
đã phạm phải. Sau khi thụ hình, tội nhân đi đâu cũng phơi bày tội lỗi của
mình. Thiên hạ nhìn vào đó sẽ biết kẻ ấy là xấu xa để mà phòng tránh.
Trong lịch sử Trung
Hoa, kình còn được một số người dùng để trừng trị đối thủ chính trị hoặc tình
địch, như Bàng Quyên thích lên trán Tôn Tẫn bốn chữ “tư thông ngoại quốc” để
vu oan giá họa.
Nói chung, thích chữ
hay dấu hiệu lên mặt dưới hình thức nào thì đều có mục đích là phơi bày cái
xấu xa của kẻ bị hình. Tự cổ chí kim đều thế, kình nếu không áp dụng cho tội
nhân thì cho kẻ thù, chưa bao giờ thấy ai tự kình lên mặt mình, hay lên mặt
người thân yêu. Ấy thế mà, điều cổ lai hy này đang được nhà chức trách Trung
Quốc thực thi, đối với quan chức và người dân nước họ.
Hành động in bản đồ có
yêu sách đường lưỡi bò ôm trọn biển Đông vào hộ chiếu điện tử mới đây làm
người ta liên tưởng tới hình phạt thích chữ, dấu hiệu lên trán trong Ngũ
hình. Kể từ khi Trung Quốc triển khai hộ chiếu điện tử mới, mỗi một người dân
nước họ khi xuất ngoại, khi chìa hộ chiếu ra ở cửa khẩu, ở quầy tiếp tân
khách sạn, phòng vé máy bay..., đều giống như đang chìa ra cho thế giới lời
thú nhận “chúng tôi tham lam”, dưới hình thức là tấm bản đồ xâm phạm chủ
quyền của nhiều nước. Tại những nơi phải trình hộ chiếu, họ sẽ đối mặt với sự
nghi kỵ hoặc giận dữ, bên cạnh những thủ tục rườm rà hơn. Tấm hộ chiếu vốn là
niềm tự hào của mỗi một người về quê hương, đất nước mình, giờ đây lại bị
chính quyền Trung Quốc biến thành chiếc kim thích vào mặt nhân dân mình lời
thú nhận “chúng tôi tham lam”.
Ở Trung Quốc, chắc hẳn
có nhiều người đã thấy được điều đó, nên trên một số trang mạng, người ta bắt
đầu gặp những lời ta thán việc chính quyền phát hành hộ chiếu có bản đồ kia.
Người dân ta thán về những phiền toái mà họ đối mặt, nhưng bên cạnh phiền
toái còn là nỗi xấu hổ.
Cũng như dân thường,
các quan chức Trung Quốc khi xuất ngoại đều mang theo lời tự thú “chúng tôi
tham lam”. Thời gian gần đây, cùng với sự cường thịnh của đất nước, giới cầm
quyền Trung Quốc ngày càng tự tin thái quá và bất chấp đạo lý. Họ bộc lộ
những cuồng vọng của mình bằng mọi cách, từ chính sách tuyên truyền đến hành
động thực tiễn, cụ thể là các động thái đơn phương gây căng thẳng trên biển
Đông. Nhưng điều họ không ngờ tới, đó là cách tiếp cận hung hăng ấy càng
khiến hình ảnh họ trở nên xấu đi. Và giờ đây, với tấm hộ chiếu tự tố cáo lòng
tham của mình, họ sẽ càng bị thế giới bên ngoài xa lánh, chẳng khác gì thiên
hạ thuở xưa đã xa lánh những tội nhân bị kình.
(Theo
TNO) Châu Minh Linh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét