Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012


16:14

Xu hướng lãi suất năm 2013



Mặt bằng lãi suất cao sẽ gây khó khăn cho công cuộc tái cơ cấu các kênh dẫn vốn và ách tắc sự lưu thông của các dòng chảy vốn trong nền kinh tế. Hạ thấp dần mặt bằng lãi suất nên được hoạch định phù hợp với lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Việc NHNN kéo giảm khá mạnh các loại lãi suất điều hành trong năm 2012 được cho là sự khởi đầu đúng hướng của quá trình đó. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thị trường hiện vẫn đang ở mức cao. Và năm 2013 NHNN nên tiếp tục điều hành lãi suất thị trường ổn định theo hướng giảm.
Lãi suất cao cản trở tái cơ cấu
Từ nhiều thế kỷ nay, vốn đã và sẽ tiếp tục là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế cho dù hiệu quả sử dụng ở mỗi nước có thể cao thấp khác nhau. Ở các nền kinh tế thị trường phát triển, lãi suất – giá cả của quyền sử dụng vốn – được sử dụng như một công cụ quan trọng hàng đầu để điều tiết nền kinh tế.
Thị trường tài chính – tiền tệ, huyết mạch của nền kinh tế với một mạng lưới các kênh dẫn vốn khác nhau, đảm nhiệm chức năng huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính cho các hoạt động kinh tế. Diễn biến trên thị trường này luôn tác động tới mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Do vậy thị trường tài chính – tiền tệ là đối tượng chịu sự quản lý sát sao của các NHTW và Chính phủ.
Trong nền kinh tế thị trường, sự biến động của lãi suất thị trường là nhân tố cơ bản điều tiết quá trình phân bổ vốn tới các kênh dẫn vốn cũng như sự lưu thông của dòng chảy vốn trong từng kênh. Những nền kinh tế mà lãi suất thị trường neo giữ ở mức cao trong thời gian dài thường dẫn đến khuynh hướng tập trung vốn qua các NHTM. Và hệ quả tất yếu là kênh tín dụng ngân hàng thường đóng vai trò chủ đạo cấp vốn (cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) cho các doanh nghiệp trong khi những kênh dẫn vốn khác như TTCK sẽ khó có cơ hội phát triển. Đây chính là căn nguyên của những bất cập trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay mà rõ nét nhất là sự bất cân đối giữa kỳ hạn huy động và cho vay dẫn tới tình trạng thường gặp căng thẳng về thanh khoản.
Tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng theo hướng trả lại thị trường tiền tệ vai trò kênh dẫn vốn ngắn hạn, thúc đẩy và phát triển bền vững TTCK là kênh dẫn vốn trung - dài hạn. Trong định hướng đó, tín dụng ngân hàng (đặc biệt ở các kỳ hạn trung và dài hạn) tất yếu sẽ giảm dần tỷ trọng, vốn huy động qua TTCK (thị trường trái phiếu và thị trường vốn cổ phần) sẽ dần tăng tỷ trọng.
Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được triển khai quyết liệt. Được biết, Đề án tái cơ cấu TTCK và thị trường bảo hiểm cũng đang được trình lên các cấp có thẩm quyền để phê duyệt và sẽ được triển khai với mục tiêu hoàn thành vào năm 2014-2015. Như vậy có thể kỳ vọng trong vài năm tới, nền kinh tế sẽ thiết lập và hoàn thiện một mạng lưới các kênh dẫn vốn khác nhau cạnh tranh khai thác hiệu quả nguồn lực tiềm năng trong dân cho phát triển kinh tế, đồng thời giảm “gánh nặng” và “áp lực” cho các NHTM mà thời gian qua gần như “độc quyền” cấp vốn cho doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng các năm tới có lẽ vì thế mà sẽ giảm dần so với các năm trước.
Tuy nhiên, mục tiêu trên có thể đạt được khi và chỉ khi mặt bằng lãi suất thị trường phải từng bước được hạ thấp. Nếu mặt bằng lãi suất thị trường vẫn cao như hiện nay (lãi suất cho vay hiện vẫn phổ biến từ 12-15% trong khi lạm phát năm 2012 và lạm phát kỳ vọng năm 2013 giảm về 7-8%), việc thiết lập được mạng lưới các kênh dẫn vốn khác nhau có lẽ không đem lại nhiều ý nghĩa. Bởi như nói trên, lãi suất thị trường được neo giữ ở mức cao trong thời gian dài sẽ không khuyến khích dòng vốn chảy vào các kênh khác ngoài NHTM. Trong trường hợp đó, tín dụng ngân hàng sẽ tiếp tục là kênh cấp vốn chủ đạo cho doanh nghiệp, “chiếc bánh” của các ngân hàng vì thế sẽ liên tục được “phình” ra trong khi thị trường tài chính - tiền tệ tiếp tục tình trạng bất cân đối đặc biệt là bất cân đối kỳ hạn, doanh nghiệp khó có điều kiện tái cơ cấu nguồn vốn theo hướng an toàn, lành mạnh. Và nếu có tồn tại cái gọi là “lợi ích nhóm” thì đây chính là một biểu hiện cụ thể.
Xu hướng lãi suất năm 2013
Hiện tại, không riêng tín dụng ngân hàng mà hầu hết các kênh dẫn vốn đều đang gặp khó khăn. Bằng chứng là tình hình huy động vốn của các doanh nghiệp trên TTCK trong mấy năm qua sụt giảm mạnh nếu không muốn nói là bế tắc hoàn toàn. Lý do của sự bế tắc hiện nay trong kênh tín dụng ngân hàng được cho là tỷ lệ nợ xấu cao. Tuy nhiên, căn nguyên khiến tổng thể hệ thống các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế tắc nghẽn chính là vấn đề mặt bằng lãi suất thị trường neo giữ cao ngay cả khi lạm phát đã giảm mạnh. Vì vậy, trong các năm tới mặt bằng lãi suất thị trường nên tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng giảm dần. Và cũng có cơ sở để kỳ vọng vào điều đó.
Nhất quán triển khai tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững. Giai đoạn đầu của tái cơ cấu đặt mục tiêu thiết lập nền tảng vĩ mô ổn định, vững chắc không chạy đua tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá (theo kế hoạch, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 là 5.5%). Vì thế áp lực lên vấn đề vốn đầu tư xã hội theo đó cũng giảm xuống. Xét tổng thể, khi giảm được áp lực lên phía cầu về vốn sẽ tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Việc chống Đô la hóa nền kinh tế đang cho triển vọng khả quan cùng những nỗ lực quản lý phát triển lành mạnh thị trường vàng sẽ góp phần ổn định giá trị tiền Đồng. Khi lượng vốn lớn tiềm năng được “đánh thức” và đưa vào khai thác sử dụng, cung về vốn tăng cũng góp phần giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Năm 2013 nền kinh tế thế giới được dự báo vẫn tăng trưởng chậm, chưa có sự bứt phá mạnh. Một vài nền kinh tế trong G20 có thể có sự tăng tốc mạnh hơn tình hình chung. Vì thế áp lực từ sự tăng giá hàng hóa thế giới lên lạm phát trong nước có lẽ sẽ không lớn.
Quyết liệt tái cơ cấu đầu tư công và DNNN để tăng hiệu quả sử dụng vốn, giảm hệ số ICOR của nền kinh tế. Ngoài ra cần khắc phục tình trạng bất cân đối cơ cấu ngành hàng, đồng thời cải tiến việc quản lý và điều hành thị trường các hàng hóa cơ bản thiết yếu sẽ góp phần kiểm soát lạm phát. Lạm phát kỳ vọng giảm sẽ tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Tái cấu trúc các NHTM đang được triển khai quyết liệt. Nếu quá trình này có được kết quả tốt, năng lực quản trị và tài chính của các ngân hàng được nâng lên, áp lực thanh khoản giảm thiểu. Bên cạnh đó, tái cấu trúc thúc đẩy phát triển bền vững TTCK là kênh dẫn vốn trung – dài hạn sẽ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Các NHTM vì thế sẽ có điều kiện để chủ động giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, thời gian đầu có lẽ vẫn phải cần tới một số biện pháp hành chính ví dụ như hạn mức tăng trưởng tín dụng để điều tiết quá trình này.
Tóm lại, hoạch định và điều hành tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững vừa tạo bối cảnh thuận lợi nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với việc giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường để thiết lập và phát triển một thị trường tài chính – tiền tệ với các kênh dẫn vốn ngắn – trung – dài hạn cạnh tranh khai thác hiệu quả nguồn lực tiềm năng chưa được “đánh thức” trong dân. Trong định hướng chung đó, có thể nhận định, tiếp nối những kết quả năm 2012, mặt bằng lãi suất thị trường năm 2013 sẽ tiếp tục được điều hành ổn định trong xu hướng giảm.
Theo Vietstock

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét