08:01
Cử tri muốn biết nhóm lợi ích là ai, ở
đâu?
Ngày 25.11, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu
Quốc hội đơn vị số 1 tiếp xúc cử tri Q.4, Q.3 (TPHCM) và báo cáo kết quả kỳ
họp thứ IV, Quốc hội khóa XIII.
Tại các buổi tiếp xúc, vấn đề minh bạch, công khai trong chống
tham nhũng, lấy phiếu, bỏ
phiếu tín nhiệm các
nhân sự cấp cao của Chính phủ, Quốc hội, sửa đổi Luật Đất đai... được cử tri
đặc biệt quan tâm.
Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu nơi tham nhũng Ông Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM - đã báo cáo kết quả kỳ họp lần thứ IV QH khóa XIII và khẳng định các vấn đề cử tri quan tâm đều nằm trên bàn QH như lạm phát, nợ xấu, những bất an ở các nhà máy thủy điện, an sinh xã hội. QH đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp. Đặc biệt, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện giải quyết tham nhũng. Đến năm 2013, giải quyết xong các vụ khiếu kiện về đất đai... Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng trong các vụ tham nhũng, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng vừa qua, trách nhiệm của những người liên đới không được đề cập. Cử tri Nguyễn Minh Giới (Q.4) bức xúc: Trước đây, trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, ông Bộ trưởng Lê Huy Ngọ phải chịu trách nhiệm, còn bây giờ những vụ án tham nhũng, thất thoát cả ngàn tỉ đồng chẳng có “người đứng đầu”, liên đới nào chịu trách nhiệm. Cử tri Nguyễn Văn Nhơn cho rằng: Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ năm 2012 thì cả nước có 62.000 vụ tham nhũng, nhưng cơ quan chức năng chỉ phát hiện và xử lý có 464 vụ. Việc xử lý các vụ tham nhũng hiện nay đang theo xu hướng hành chính hóa. Nghiêm trọng biến thành không nghiêm trọng, to biến thành nhỏ, nhỏ rồi không có gì. Có lẽ cấp trên đã không nghiêm nên cấp dưới cũng lấy đó mà noi theo, có chăng chỉ là khiển trách, rút kinh nghiệm nội bộ rồi xin lỗi là xong.
Trong công tác chống tham nhũng, yếu tố công khai, minh bạch chính là công cụ cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả việc Nghị quyết T.Ư 4 đã đề cập đến nhóm lợi ích, là hình thức tham nhũng tập thể nhưng cũng không có địa chỉ cụ thể, đó là những ai, nhóm lợi ích đó là đâu, lĩnh vực nào - cử tri Nguyễn Minh Giới phát biểu. Không “nên”, mà “buộc” từ chức lãnh đạo tín nhiệm thấp Về công tác lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các nhân sự cấp cao của Chính phủ và QH, các cử tri cho rằng: Không nên có 3 mức độ trong phiếu tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp mà chỉ cần 2 mức độ là tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. 2 mức độ như vậy tránh một bộ phận lưỡng lự, bỏ phiếu kiểu chiếu lệ, dĩ hòa vi quý. Cử tri Hoàng Hữu Huyền cho rằng: Một khi đại biểu bị tín nhiệm thấp thì cần phải “buộc” từ chức chứ không phải “nên” từ chức. QH cần kiên quyết hơn, quyết liệt hơn, có như vậy mới nâng cao được uy tín của QH. Cử tri Hồ Quang Chính (P.9, Q.3) cho rằng: Cần tăng cường các biện pháp kỷ luật đối với những cán bộ sai phạm, nếu làm không được thì cho nghỉ, đợi văn hóa từ chức thì e còn lâu lắm! Tại 2 buổi tiếp xúc, các cử tri còn trình bày các ý kiến về các nội dung liên quan đến việc bồi thường giá đất, vấn nạn “phong bao”, y đức, xây đập thủy điện ồ ạt dẫn đến nhiều hệ lụy... Thay mặt tổ ĐBQH đơn vị 1, ông Trần Du Lịch đã tiếp thu các ý kiến, trả lời thắc mắc của các cử tri: “Trả lời thắc mắc của cử tri về công khai, minh bạch, kê khai tài sản cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu thì trong Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã có đề cập. Chống tham nhũng cần kiên trì, phải làm từng bước, hy vọng đến Hội nghị T.Ư 6 sẽ có kết quả báo cáo với cử tri. Các vấn đề cử tri đề cập thuộc thẩm quyền của quận, TP, tổ ĐBQH đề nghị quận, TP trả lời trực tiếp hoặc có văn bản trả lời cho cử tri.
Lê Tuyết (Báo Lao Động)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét