Coca Cola:
Lỗ lớn vẫn mở rộng đầu tư
Thua lỗ kéo dài nhưng vẫn mở rộng hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất
- kinh doanh. Nghi án chuyển giá được đặt ra đối với Coca Coca Việt Nam.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca
Cola Mutar Kent trong buổi trao đổi với báo chí vào cuối tuần qua đã công bố,
Coca Cola sẽ tiếp tục rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới,
đưa tổng vốn đầu tư vào thị trường này lên nửa tỷ USD trong vòng 5 năm. Khoản
đầu tư này, theo ông Mutar Kent, chủ yếu được sử dụng để nâng cấp hiệu quả
sản xuất của các nhà máy Coca Cola tại Việt Nam (tại Hà Nội, Đà Nẵng và
TP.HCM).
Thông tin trên đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư
luận, bởi đây là cam kết đầu tư khoản vốn không nhỏ của một “đại gia”, mà chỉ
cách đây ít ngày, dư luận đã nhắc nhiều tới “nghi án” thua lỗ kéo dài, mà vẫn
mở rộng đầu tư kinh doanh.
Câu chuyện bắt đầu vào trung tuần tháng 10/2012, khi
UBND TP. Đà Nẵng, mặc dù ủng hộ việc Coca Cola Việt Nam muốn mở rộng đầu tư
tại Đà Nẵng, song lại từ chối cho công ty này thuê thêm đất. Lý do chính là
vì, khu đất bên cạnh kênh Đa Cô mà Cola Cola muốn thuê hiện đang triển khai
Dự án Khu dân cư Hạ lưu cầu Đa Cô. Nhưng một lý do khác, đó là vì hoạt động
kinh doanh của Cola Cola từ năm 2008 đến nay luôn trong tình trạng “báo lỗ”.
Bởi vậy, Thành phố sẽ phải xem xét tính hiệu quả của Dự án để quyết định cho
thuê khu đất mới, nếu Công ty muốn mở rộng quy mô sản xuất.
Lý do mà Coca Cola muốn mở rộng nhà máy ở Đà Nẵng, theo
bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Giám đốc phụ trách 3 nhà máy sản xuất tại Hà Nội,
TP.HCM và Đà Nẵng của Coca Cola Việt Nam, là để tăng công suất, nhằm đáp ứng
nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh tại miền Trung trong những năm tới.
Cũng theo bà này, tính đến thời điểm hiện nay, Coca Cola Việt Nam đã đạt mức
tăng trưởng trên 25% so với kế hoạch.
Trong khi đó, lý do mà ông Mutar Kent đưa ra là, Việt
Nam có tiềm năng rất lớn với ngành công nghiệp đồ uống không cồn. “Sức mua
tại đây hiện chỉ bằng 20% mặt bằng chung của thế giới”, ông Mutar Kent nói.
Điều đáng ngạc nhiên, dù tăng trưởng vượt mức so với kế
hoạch, song nhiều năm liền, Coca Cola luôn ở trong tình trạng kinh doanh thua
lỗ. Số liệu của Cục Thuế TP.HCM đưa ra cuối năm ngoái cho thấy, số lỗ của
Coca Cola luôn ở mức trên 100 tỷ đồng/năm trong vòng 10 năm qua, có năm gần
bằng 1/3 doanh thu. Chẳng hạn, năm 2006, doanh thu 800 tỷ đồng, lỗ 250 tỷ
đồng; năm 2007, số lỗ trên doanh thu là 202/857 tỷ đồng; năm 2008 là
127/1.132 tỷ đồng… Tình hình có vẻ đã khá hơn vào năm 2009, khi chỉ lỗ 72 tỷ
đồng, trong khi doanh thu là 1.580 tỷ đồng.
Báo lỗ lớn, nhưng vẫn muốn mở rộng hoạt động đầu tư,
sản xuất - kinh doanh. Đó là nghi án “lỗ giả, lời thật và chuyển giá” mà
ngành thuế đã nhiều năm liền đặt ra với không ít doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên,
vì công tác chống chuyển giá là vô cùng gian nan, vất vả, nên cho tới nay,
rất ít doanh nghiệp được xác định là thực sự đã chuyển giá.
Chỉ biết rằng, theo một cán bộ của Cục Thuế TP.HCM,
nguyên nhân thua lỗ của Coca Cola Việt Nam là vì tỷ lệ nguyên phụ liệu trên
giá bán rất cao. “Mà nguyên vật liệu này lại do công ty ‘mẹ’ ở nước ngoài độc
quyền cung cấp, do đó giá hương liệu Coca Cola Việt Nam hạch toán vào giá
thành chiếm tỷ trọng rất cao (67 - 85% giá bán sản phẩm)”, vị này cho biết.
Có lẽ, cũng cần phải nhắc lại rằng, Coca Cola ban đầu
vào Việt Nam với hình thức liên doanh, tuy nhiên, sau nhiều năm thua lỗ kéo
dài, “không chịu nổi”, đối tác trong nước đã lần lượt rút khỏi liên doanh. Và
từ đó, Coca Cola trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Vào thời điểm
các liên doanh của Coca Cola ở Việt Nam chuyển đổi hình thức sở hữu, dư luận
cũng đã từng đặt câu hỏi về việc liên doanh lỗ, nhưng Coca Cola vẫn có lãi và
cho rằng, đó thực tế chỉ là “bài” kinh doanh của các “đại gia” mà thôi.
Mọi chuyện cho tới thời điểm này vẫn chỉ là phỏng đoán,
là nghi án, bởi chưa có bất cứ kết luận nào từ phía cơ quan chức năng liên
quan đến vấn đề đó. Song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia
lâu năm trong lĩnh vực FDI đã bày tỏ sự bất ngờ khi biết Coca Cola vẫn lỗ
triền miên. “Không thể tin được”, vị này nói.
Không
chỉ Coca Cola, nhiều đại gia FDI khác cũng đã từng dính nghi án lỗ giả, lời
thật, mà vẫn mở rộng sản xuất - kinh doanh. Metro Cash & Carry, BAT… là
những ví dụ điển hình. Một báo cáo của Tổng cục Thuế cho hay, Metro Cash
& Carry khai lỗ từ năm 2001 đến 2009 là 1.157 tỷ đồng, nhưng hệ thống
siêu thị Metro Cash & Carry tại Việt Nam không ngừng được mở rộng.
Theo Nguyên Đức
Báo đầu tư
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét