10:36
“Đổi” vài
trăm tỉ lấy… mươi năm tù!
(Dân trí) - Khi
xảy ra tham nhũng, sẽ tịch biên toàn bộ tài sản sung công quỹ. Điều quan
trọng là phải thu hồi bằng được tài sản của nước, của dân, không để xảy ra
tình trạng “đổi” vài trăm tỉ lấy mươi năm tù
(Minh họa: Vũ Toản)
Công cuộc phòng
chống tham nhũng không đạt hiệu quả. Lý do thì nhiều nhưng có một nguyên nhân
gây bức xúc nhất, đó là tài sản thu hồi từ tham ô, tham nhũng rất khó
khăn và gần như không đáng kể. Theo một báo cáo gần đây của Tổng TTCP Huỳnh
Phong Tranh trước Thường vụ Quốc hội, chỉ tính trong năm 2011, hậu quả do
hành vi tham nhũng gây ra có tổng giá trị lên đến trên 11 nghìn tỷ đồng. Thế
nhưng con số thu hồi được chỉ vẻn vẹn có 300 tỉ đồng, bằng 2,6%.
Việc không thu
hồi được tiền tham nhũng không chỉ tổn hại ghê gớm về kinh tế mà nghiêm trọng
hơn, nó là mảnh đất màu mỡ cho tư tưởng “hi sinh đời bố, củng cố đời con”.
Đặt một giả
thiết một người khoảng 50 – 55 tuổi tham nhũng cỡ vài trăm tỉ ra tòa, nhận
mức án 20 năm. Sau khoảng ½ thời gian thi hành án, nhờ cải tạo tốt và một số
yếu tố khác được khoan hồng, đặc xá. Ra tù khi mới 60 – 65 tuổi, có trong tay
cả chục triệu USD, tha hồ mà sung sướng cả đời mình, đời con, đời cháu, đời
chắt, đời chít…
Điển hình gần
đây nhất là trường hợp ông Phạm Thanh Bình của Vinashin. Theo kết luận của
tòa án, ông Bình phải bồi thường cho Nhà nước 500 tỉ đồng. Thế nhưng kết luận
để kết luận thôi chứ ông Bình đến án phí 650 triệu đồng còn kêu không có thì
làm gì có chuyện bồi thường 500 tỉ. Tất nhiên, ông Bình phải chịu mức án 20 năm
tù. Nhưng 20 năm tù cho 500 tỉ tức là mỗi năm 25 tỉ đồng và cũng tức là hơn 2
tỉ đồng/tháng. Số tiền một tháng này mua được 1-2 căn hộ sang trọng ở một
thành phố lớn hoặc tương đương với lương của khoảng 800 người lao động/tháng
ở các khu công nghiệp. Tiền “khủng” như thế, tất nhiên có ông Bình cũng không
trả. Thôi thì tù cũng tù rồi. Mà tù như Bình, nói thật là thiên hạ đầy người…
muốn được đi tù.
Để giám sát tài
sản của cán bộ đồng thời thu hồi lại phần nào số tiền thất thoát, trong cuộc
họp bàn về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, các đại biểu Quốc hội đề xuất
biện pháp chặt chẽ hơn nữa trong việc kê khai tài sản. Nhiều ý kiến yêu cầu
không chỉ cá nhân các cán bộ có chức, có quyền phải kê khai tài sản mà cả
những người thân như cha mẹ, vợ (chồng), con cái, thậm chí anh chị em ruột
cũng phải kê khai.
Mạnh mẽ hơn,
Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa còn đề nghị nếu kê khai không
trung thực, cơ quan chức năng có quyền tịch thu những tài sản che giấu, cố
tình không kê khai.
Cách đây không
lâu, trong một hội nghị bàn về chống tham nhũng, Phó Cục trưởng Cục chống
tham nhũng của TTCP Ngô Mạnh Hùng cho rằng sẽ tiến đến hình sự hóa tài sản tăng thêm không
hợp pháp như nhiều nước hiện nay đang áp dụng.
Công cuộc phòng
chống tham nhũng hiện nay, nói như Đại biểu Dương Trung Quốc là giống như…
đánh trận giả. “Kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng ra quân rất
hùng hậu, vậy mà khi lâm trận súng nổ rất to mà không sát thương được ai...”.
Có một nguyên nhân rất quan trọng là do chúng ta chưa kiểm soát được tài sản
của cán bộ có chức, có quyền.
Việc không kiểm
soát được tài sản khiến việc phát hiện tham nhũng kém hiệu quả đồng thời khi
xảy ra tham nhũng, số tài sản thất thoát không thu hồi được. Từ đó, tạo mảnh
đất màu mỡ cho tham nhũng ngày càng phát sinh.
Vì vậy muốn
chống tham nhũng hiệu quả, một trong số các việc cần làm là phải công khai và
kiểm soát bằng được tài sản của các cán bộ có chức, có quyền để một mặt, ngăn
chặn tham nhũng và mặt khác, khi tham nhũng xảy ra, sẽ tịch biên tài sản hoàn
trả công quỹ.
Điều người dân
chúng ta cần là phải thu hồi lại bằng được tiền của đất nước, không để xảy ra
tình trạng đổi vài trăm tỉ lấy mươi năm tù!
(Theo Dân trí) Bùi
Hoàng Tám
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét