Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012


09:01

Nộp thuế bằng... xi măng


UBND tỉnh Bình Phước đã làm việc với Nhà máy xi măng Bình Phước (thuộc Công ty CP Vicem Hà Tiên) và đưa ra giải pháp nhà máy sẽ nộp thuế bằng xi măng.

Hỗ trợ doanh nghiệp
Lý giải việc chấp thuận cho doanh nghiệp (DN) được nộp thuế bằng xi măng, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng việc này sẽ có lợi cho cả hai phía, nhà máy giải quyết được hàng tồn kho, còn nhà nước mua được xi măng chất lượng tốt với giá rẻ (tỉnh đề nghị DN bán với giá bằng giá vốn). Số xi măng này được dùng vào việc thi công đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015.



“Nếu DN nào khó khăn cũng lấy hàng ra nộp thì không ổn, sau xi măng sẽ là sắt thép, phân bón, gạch ngói... Nó sẽ tạo thành tiền lệ xấu và đặc biệt không đúng quy luật thị trường”


ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc)

Ông Trần Việt Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Vicem Hà Tiên - cho biết việc các DN bán xi măng để thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn đã được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Đây là hoạt động bình thường, chủ yếu được thực hiện theo hình thức bán hàng trả chậm từ 3 - 6 tháng. Còn đối với phương án mới của Bình Phước, hằng năm Vicem Hà Tiên sẽ cấn trừ vào tiền thuế phải nộp (gồm thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp...) một số lượng xi măng đã thống nhất theo ngân sách hằng năm của tỉnh (dự kiến khoảng 20 - 25 tỉ đồng/năm).
Sau khi cấn trừ, Hà Tiên vẫn phải đóng số thuế còn lại bằng tiền như bình thường. “Tuy nhiên, giải pháp này mới chỉ là đề nghị của tỉnh Bình Phước và cả hai bên còn phải xem xét nhiều điều kiện. Bởi bản thân DN như chúng tôi cũng ngần ngại giữa việc thực hiện luật Thuế, luật Doanh nghiệp có khác nhau. Chẳng hạn như khi Vicem Hà Tiên đã xuất bán xi măng cho tỉnh mà cơ quan thuế vẫn yêu cầu DN nộp thuế đầy đủ thì lúc đó chúng tôi sẽ bị kẹt”, ông Trần Việt Thắng nói. Đó là chưa kể theo DN này, việc tỉnh đề nghị công ty bán xi măng cấn trừ thuế bằng giá vốn nên nếu thực hiện cũng phải kiểm soát rất kỹ để lượng xi măng này không bị đưa ngược ra tiêu thụ trên thị trường. Nếu chuyện này xảy ra thì sẽ ảnh hưởng xấu đến việc tiêu thụ vài chục triệu tấn xi măng của công ty.
Do thị trường bất động sản quá trầm lắng nên ngành xi măng nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung cũng ảm đạm. 9 tháng đầu năm nay, lượng tiêu thụ của toàn ngành xi măng đạt 34,6 triệu tấn, bằng 62,9% kế hoạch cả năm và giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều băn khoăn  


Cần đổi cách làm
ĐBQH Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) nói: “Nguyên tắc ngân sách nhà nước thu bằng tiền chứ không phải hiện vật. Nếu làm như vậy, chưa nói đến việc đi ngược lại với nguyên tắc, với luật Ngân sách, cũng sẽ để lại sự thiếu bình đẳng trong các DN. Chẳng lẽ, ai tồn cái gì thì mang nộp cho ngân sách cái đó, DN tồn kho sắt thép, gạch ngói cũng mang lên nộp thì nhà nước dùng những cái đó làm gì. Có lẽ là tỉnh cũng bí quá nên suy nghĩ như vậy, nhưng theo tôi không làm theo kiểu đó được. Chỉ có cách DN vay một khoản tiền của ngân hàng rồi nộp cho ngân sách, nhưng có thể thống nhất với tỉnh, DN nộp 10 tỉ đồng, ngân sách đồng ý chi lại 8 tỉ đồng để mua xi măng làm đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương...” 
Anh Vũ (ghi)

Giải pháp nói trên chỉ mới là câu chuyện trên bàn, vì để có thể thực hiện được, tỉnh Bình Phước cần phải xin ý kiến của các bộ, ngành. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, có thể ủng hộ những giải pháp giúp DN giảm được lượng hàng tồn kho, tăng sản lượng để ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, hiện các tỉnh thành trên cả nước đang nợ tiền xây dựng khoảng 91.000 tỉ đồng của các DN nên cần phải có giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, công trình thủy lợi, giao thông nông thôn để góp phần kích cầu cho các ngành vật liệu xây dựng.
Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang - cho rằng không cần phải băn khoăn về phương pháp thực hiện. Vì thực tế luôn có những trường hợp ngoại lệ, DN hay UBND tỉnh có thể chủ động nghĩ cách xử lý, sau đó trình xin cấp có thẩm quyền chấp thuận để thực hiện.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng không nên đưa ra các giải pháp đi ngược với những nguyên tắc hoạt động bình thường của nền kinh tế. Bởi đã qua rồi thời kỳ thực hiện hàng đổi hàng giữa các đơn vị. Hơn nữa theo quy định, các cơ quan nhà nước khi mua hàng hóa đều phải thông qua phương thức đấu thầu công khai. Vì vậy, nếu như không qua đấu thầu, và chỉ cho một DN cụ thể được nộp thuế bằng sản phẩm như vậy thì sẽ không đúng quy định và cũng không công bằng đối với những DN khác. Thậm chí có thể sinh ra nhiều hệ lụy sau này. Vì vậy, vẫn cứ nên để DN thực hiện như hiện nay là bán hàng nhận tiền và sau đó nộp thuế.
Trao đổi với Thanh Niên, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) phân tích: “Nếu DN nào khó khăn cũng lấy hàng ra nộp thì không ổn, sau xi măng sẽ là sắt thép, phân bón, gạch ngói... Nó sẽ tạo thành tiền lệ xấu và đặc biệt không đúng quy luật thị trường. Ở đây hàng là hàng, tiền là tiền, không thể lấy hàng ra gán thay tiền để nộp thuế được. Xét trên yếu tố thị trường, không nên làm như thế mà phải tìm giải pháp căn cơ hơn để hàng hóa lưu thông, DN phát triển, tiêu thụ được hàng hóa, cân đối đầu vào - đầu ra. Còn giải quyết vấn đề trước mắt như thế, lợi thì có thể nhưng chỉ là cục bộ, thiếu bình đẳng.
Theo tôi, đó là suy nghĩ không sai nhưng giải pháp không đúng. Bình Phước muốn xây dựng đường nông thôn, chấp nhận lấy xi măng của Vicem Hà Tiên, thì có thể đứng sau các dự án, ứng vốn để mua xi măng thanh toán thì hay hơn. Đó là chưa kể làm như thế không đúng với quy định của luật Ngân sách nhà nước”.
(Theo Thanh niên) Mai Phương
Tổng cục Thuế chắc phải chuẩn bị hệ thống kho tàng để trữ “thuế”. Rồi thế nào chẳng có các DN khác cũng nộp thuế kiểu này, chẳng hạn các DN sản xuất phân bón. Đây là hệ quả của kiểu sản xuất theo ý muốn chủ quan, không vì thị trường, không tính toán hiệu quả. Mong rằng đừng ai trả lương bằng những sản phẩm trên.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét