08:31
Kinh tế VN:
Điều hành kiểu 'vặn
vòi nước'
Vef.vn- Thảo luận
về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2012 và những định hướng cho năm
2013, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về chính sách điều hành vẫn chưa cho
thấy một sự ổn định dài hạn mà vẫn sự vụ theo kiểu hết thắt rồi lại mở như
"vặn vòi nước”.
Nói về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng, cách điều hành thời gian vừa qua lúc thì mở ra, lúc thì đóng vào để kiềm chế lạm phát, chẳng khác gì việc vặn vòi nước. Mở ra thì nước chảy to và vặn vào thì nước chảy nhỏ. Ông Bảo nhấn mạnh, quan trọng là mở hay khóa nước thì chảy đi đâu, tác dụng như thế nào chứ không đơn giản chỉ có mở và đóng. Ta thắt chặt chính sách tiền tệ thì đương nhiên lạm phát sẽ phải giảm, cách làm này rất dễ, nhưng tác dụng như thế nào thì cần tính toán. Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng những hệ lụy của chính sách thắt chặt đã khiến nhiều người không yên tâm. Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Đại biểu quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tốc độ giảm lạm phát năm nay như vậy là chưa vững chắc và còn ở mức cao. Là một chuyên gia từ Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, ông Ngân phân tích, CPI 10 tháng đầu năm là 6,02%, nhưng so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 3%; Philippines 3, 5%; Malaysia 1,9%, thì lạm phát Việt Nam vẫn cao gấp 2-3 lần. “Chỉ số giá giảm không phải do chúng ta điều hành tốt mà chủ yếu do tổng cầu suy giảm mạnh”, ông Ngân nói. Ông Nguyễn Văn Hiến, đại biểu tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho rằng, tuy lạm phát năm nay giảm nhưng vẫn cao hơn tăng trưởng GDP thì chưa thể nói là thành công. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng chỉ ra rằng, do thắt chặt tiền tệ quá, đã khiến cho các DN khó khăn. Đã có khoảng 40.000 DN đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hay giải thể, phá sản, là con số đang lo ngại. Trên thực tế, các DN còn khó khăn hơn rất nhiều. Đại biểu Đoàn Thế Cường, tỉnh Hưng Yên, cho rằng, "van" tín dụng thắt đột ngột quá nên các DN và nền kinh tế thiếu vốn. Có cho "ăn cơm" mới làm được việc, chứ đợi yếu quá rồi nhỏ "sâm" thì làm sao làm việc được, ông Cường nói.
Cho đến nay hàng tồn kho của các DN đã
giảm nhưng các đại biểu cũng lưu ý rằng chỉ số hàng tồn kho giảm có nguyên
nhân quan trọng là do các DN đã phải ngừng, giãn, giảm sản xuất và trên thực
tế nhiều mặt hàng tồn kho vẫn rất cao.
Đáng lo ngại hơn, nhiều đại biểu cảnh báo tại Đồng bằng sông Cửu Long như cá tra chế biến không bán được, chất đầy kho lạnh. DN không còn vốn, không thể mua cá nguyên liệu trong dân, khiến cho nông dân bị thiệt hại nặng nề, giá cá giảm thảm hại. Các ngành hàng khác như ô tô xe máy cũng đang tồn đọng lớn. Đại biểu Lê Thị Nguyệt, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, tại Vĩnh Phúc hiện các DN còn tồn đọng tới 3.500 xe ô tô và 70.000 xe máy không bán được... Đặc biệt là Quảng Khi lực lượng DN khó khăn thì sẽ có tác động lớn đến đời sống xã hội. Cụ thể với số lượng gần 100.000 DN giải thể phá sản, tạm ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay đã khiến nhiều lao động bị mất việc làm, bị nợ, giảm lương làm cho đời sống rất khó khăn. Một số thống kê cho thấy, đã có khoảng 300.000 lao động mất việc làm phải trở về nông thôn lao động. Ông Hà Sơn Nhin, đại biểu tỉnh Gia Lai cho biết, tại Tây Nguyên, các DN bị ngừng trệ phá sản thời gian qua không ít đã khiến nhiều lao động bị mất việc làm. Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, tiếp xúc với cử tri, các cử trị đều bức xúc, đời sống ngày càng khó khăn hơn con em họ mất việc làm, tương lai bếp bênh. DN khó khăn thì thu ngân sách cũng giảm. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2012 kế hoạch thu ngân sách là 16.000 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 9, cố gắng lắm cũng mới chỉ đạt 8.500 tỷ. Có nhiều địa phương còn khó khăn hơn thế. Ngay cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm nay cũng sẽ không đạt kế hoạch thu ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách cả nước năm 2012 vẫn ước đạt 100% kế hoạch là do giá dầu thô tăng từ 80 USD /thùng lên trên 100 USD/ thùng và sản lượng khai thác tăng 0,6 triệu tấn. Nếu không có những khoản thu này chắc chắc ngân sách sẽ khó khăn, ông Đoàn Thế Cường cho biết. Khó khăn chưa qua nhưng nhiều đại biểu đang lo lắng, lạm phát có xu hướng quay trở lại. Khi chúng ta bắt đầu nới tín dụng, giảm thuế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thì lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại. Nếu tín dụng cuối năm mà bung ra mạnh, một lượng lớn tiền mặt cung ra thị trường là sẽ đẩy lạm phát lên cao là điều khó tránh khỏi, ông La Ngọc Thoáng nói. Nếu lạm phát lại tăng thì lãi suất VND sẽ bị đẩy lên mức cao. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến chi phí vốn, năng lực cạnh tranh của DN, khiến khó khăn thêm chồng chất. Chính phủ cần có lời giải cụ thể về phát triển đồng bộ nền kinh tế, tránh sa vào giải quyết sự vụ. Việc cần làm là điều hành tốt, tránh để lạm phát cao trở lại, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới DN, nền kinh tế cũng như đời sống người dân. (Theo VietNamnet) Trần Thủy |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét