Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012


11:45

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang ở đâu?


Giá xăng dầu đã lại được điều chỉnh tăng, và đây là lần thứ 3 liên tiếp giá mặt hàng thiết yếu - đầu vào của tất cả các ngành kinh tế và đời sống, tiêu dùng - được điều chỉnh tăng. Sự kiện này càng được quan tâm hơn khi nền kinh tế chưa có gì sáng sủa hơn sau 2 tháng liên tiếp giảm phát; lượng tồn kho trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn ở mức cao và sức mua của người dân vẫn chưa có sự chuyển biến đến sản xuất và thị trường, trong khi xăng dầu được thiết lập quỹ bình ổn giá. Vậy, Quỹ bình ổn giá đang ở đâu và hoạt động theo cơ chế nào và hỗ trợ ra sao đối với người tiêu dùng - đối tượng đang trực tiếp là chủ nhân của khối quỹ khổng lồ này?
Mặc cho rất nhiều tranh luận rằng việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu là chưa ổn, và nếu trái với Pháp lệnh Giá thì cần phải được xem xét… nhưng quỹ này vẫn được thiết lập - kể từ khi Nghị định số 84 về kinh doanh xăng dầu được ban hành, ngày 15.10.2009. Và theo cơ chế, doanh nghiệp thu hộ người tiêu dùng trên mỗi lít xăng dầu một khoản tiền nhất định để nộp quỹ, để khi giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ xả quỹ để bình ổn thị trường thay vì phải tăng giá.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm tồn tại, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hoạt động không như mong đợi. Không biết đã có được bao nhiêu tiền xả ra bao nhiêu lần và bao nhiêu tiền để bình ổn giá cho thị trường trong thời gian qua? Số còn lại bao nhiêu, hoạt động theo cơ chế nào? Những câu hỏi đó không chỉ người tiêu dùng xăng dầu - đối tượng trực tiếp phải nộp tiền vào quỹ đòi hỏi được trả lời công khai và minh bạch.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thẳng thắn nhìn nhận, việc lập quỹ bình ổn từ tiền của người tiêu dùng trên mỗi lít xăng nhưng lại đặt ở các doanh nghiệp đầu mối khiến người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, theo kiểu cho vay không lãi. Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, cần xem lại cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu chứ không chỉ riêng quỹ này. Việc điều hành các công ty xăng dầu mà chỉ theo một chiều là cho phép họ tăng, điều chỉnh theo giá thế giới không thôi nhưng trong khi đó lập những quỹ bình ổn giá xăng dầu để làm gì/thu bao nhiêu tiền, lâu nay chỉ để cho các doanh nghiệp tự giữ và họ sử dụng như thế nào cũng không biết? Vừa qua, chính khi kiểm tra giám sát lại thì mới thấy, quỹ đó thực ra là không phục vụ được cho mỗi lần cần phải điều chỉnh tăng giá để kìm bớt đi tốc độ tăng giá của các doanh nghiệp nhà nước. Thế bây giờ cái quỹ đó sẽ được sử dụng như thế nào? Trích quỹ như vậy thì doanh nghiệp vẫn bảo là trích đi của họ, thế còn người tiêu dùng cũng không được lợi, doanh nghiệp cũng không thể dùng để bù đắp được cho mỗi lần giá xăng dầu trên thế giới tăng thì cái Quỹ đó nó sẽ mang lợi ích cho ai?
Kiểm toán Nhà nước sau khi kiểm tra đã khẳng định: quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều đầu mối chỉ là một quỹ ảo. Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho rằng, trong mọi trường hợp, doanh nghiệp khi bán bất kỳ một lít (kg) xăng dầu nào đều phải trích lập quỹ việc hạch toán quỹ bình ổn giá mà không phụ thuộc vào đơn vị kinh doanh đó lỗ hay lãi.
Một thực tế được Luật gia Vũ Xuân Tiền dẫn chứng trong việc sử dụng quỹ bình ổn không ổn, đó là kiểu vừa xả ra 300 đồng lại vừa trích nộp 300 đồng cho mỗi lít xăng mà Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa áp dụng cho đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu hôm 13.8 vừa qua là một kiểu điều hành “trẻ con và chẳng giống ai cả”, bởi người tiêu dùng đủ thông minh để vừa được trả 300 đồng rồi lại vẫn buộc phải nộp vào 300 đồng trên chính mỗi lít xăng dầu mà họ đang hoặc sẽ phải mua.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý không phải là không có lý khi vừa xả lại vừa trích nộp quỹ này. Lợi ích cuối cùng vẫn thuộc về các doanh nghiệp lớn, khi khối khổng lồ được trích vào quỹ, số vốn lưu động sẽ được tăng lên cho các doanh nghiệp. Âu cũng là việc “đỡ đần” một phần vốn không phải chịu lãi - bù cho những doanh nghiệp chịu thị phần chi phối thị trường, khi giá xăng dầu thế giới lên, các đầu mối nhỏ đã không hoặc nhập về không đủ khối lượng.
Trong khi Pháp lệnh Giá số 40 quy định việc bình ổn giá thuộc về “Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển” và xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá thì việc buộc người tiêu dùng phải trích nộp quỹ bình ổn giá xăng dầu cần phải được nghiên cứu cho phù hợp. Cũng cần nghiên cứu đến các nguồn lực cho quỹ này cũng như phương cách quản lý quỹ hiệu quả, không thể để một quỹ bình ổn Quốc gia ở tại 11 đầu mối xăng dầu.
(Theo Đại biểu Nhân Dân) Nguyên Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét