11:01
Giá xăng vẫn theo quy luật:
“Tăng thì như lũ sông Đà
Giảm thì nhỏ giọt như cà phê phin”
Bắt đầu từ 13 giờ
ngày 1-8, giá bán lẻ xăng dầu đã đồng loạt tăng 400 - 900 đồng/lít. Đây là
lần tăng giá xăng dầu thứ ba kể từ đầu năm đến nay và cũng là mức tăng khá cao
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 9 lần điều chỉnh.
Trong đó có 5 lần giảm giá liên tiếp và chỉ có 4 lần tăng giá. Thế nhưng tính
chung lại thì tăng vẫn nhiều hơn giảm.
Tăng nhiều hơn giảm
Giá xăng được điều chỉnh giảm 2 lần
trong tháng 5 với mức lần lượt là 500 đồng và 600 đồng/lít trong các ngày 9
và 23-5. Sang tháng 6, giá xăng tiếp tục có 2 đợt giảm 800 đồng và 700
đồng/lít trong các ngày 7 và 21-6. Gần đây nhất, giá xăng giảm thêm 600
đồng/lít vào ngày 2-7. Tổng cộng trong 5 đợt giảm giá, mặt hàng xăng đã giảm
3.200 đồng/lít nhưng đã tăng tổng cộng 4.300 đồng/lít chỉ trong 4 đợt tăng
giá. Bên cạnh đó, giá xăng chỉ giảm nhỏ giọt 500 - 800 đồng/lít nhưng khi
tăng giá lại tăng rất mạnh với mức tăng từ 900 đến 2.100 đồng/lít.
Người tiêu dùng mua xăng với giá
tăng thêm 900 đồng/lít kể từ 13 giờ ngày 1-8. Ảnh: HỒNG THÚY
Bình luận về diễn biến giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế
Ngô Trí Long cho rằng không đủ cơ sở để kết luận giá xăng tăng 900 đồng/lít
là cao hay thấp, hợp lý hay không vì từ giữa năm ngoái, Tập đoàn Xăng dầu
Việt Nam (Petrolimex) không còn công bố giá cơ sở trên website. Ngay cả khi doanh
nghiệp này tiếp tục công bố thì cũng không đáng tin cậy vì các thông tin đó
công khai nhưng không minh bạch.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, muốn biết giá bán lẻ xăng
dầu có hợp lý hay không, doanh nghiệp phải được kiểm toán hoạt động tại từng
thời điểm. Nếu chỉ kiểm toán tài chính thì một năm chỉ kiểm toán một lần và không
“ngắt” được chi phí từng giai đoạn để tính toán tăng, giảm có phù hợp diễn
biến giá thế giới tại thời điểm đó hay không.
Chỉ có lợi cho doanh nghiệp
Đáng chú ý là từ ngày 21-6, Bộ Tài chính đã quyết
định trao quyền định giá bán lẻ cho doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu kinh doanh
xăng dầu. Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính tại cuộc họp tổ điều hành
trong nước cuối tháng 7 đã trấn an rằng việc định giá của doanh nghiệp chỉ
thực hiện trong biên độ cho phép, tức là khi chi phí đầu vào biến động 7%.
Theo nguyên tắc này, Nhà nước trao quyền nhưng không “buông” giá xăng dầu và
doanh nghiệp tự quyết định giá thì tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất
kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết năm đầu tiên thực
hiện cơ chế doanh nghiệp định giá (năm 2009), doanh nghiệp liên tục kêu lỗ và
có 11 lần điều chỉnh giá, trong đó có 9 lần tăng 2 lần giảm. Nhận thấy sự bất
cập trong Nghị định 84, Bộ Tài chính đã “thu” lại quyền định giá nhưng nay
lại “thả” ra cho thấy sự lúng túng trong cơ chế điều hành giá xăng dầu.
Nguyên nhân gốc của vấn đề là cơ chế này không vận hành đúng quy luật.
“Tôi từng tham gia soạn thảo Pháp lệnh
Giá năm 2002, trong pháp lệnh đã nêu rõ nguyên tắc quản lý giá là Nhà nước
định giá đối với sản phẩm độc quyền. Trong Luật Giá có hiệu lực từ ngày
1-1-2013, nguyên tắc này vẫn được tuân thủ. Thế nhưng thị trường xăng dầu
chưa hết độc quyền đã trao quyền định giá cho doanh nghiệp là sai và việc
trao quyền định giá sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp”- ông Long nhận xét.
(Theo Người Lao
Động, tựa đề do Thương Giang) PHƯƠNG ANH
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét