Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012


10:31

 Nợ xấu cao do ngân hàng rót tiền vào lĩnh vực nhiều rủi ro

 

(Dân trí) - “Năng lực giám sát của NHNN một thời gian dài còn hạn chế trong việc ngăn chặn việc đầu tư quá mức của các ngân hàng thương mại vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo UB Thường vụ trước phiên trả lời chất vấn.
 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khái quát, từ năm 2008 đến nay, nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng nhanh. Theo báo cáo, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là gần 120.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 54.600 tỷ đồng (chiếm 3,96% dư nợ của nhóm này), nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 41.000 tỷ đồng (chiếm 4,54% dư nợ của nhóm này).
Tại thời điểm 2 tháng trước đó, nợ xấu của các ngân hàng là hơn 200.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Chỉ số nợ xấu của các nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần tương ứng 125.000 tỷ đồng và 61.000 tỷ đồng.

 Thống đốc NHNN chỉ ra một số nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua. Từ cuối năm 2008, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên môi trường kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng . Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút... làm cho tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 chậm lại đáng kể và trong 7 tháng đầu năm 2012 (chỉ tăng 1,02% nhưng nợ xấu tăng tới 45,5%).
Ông Bình cũng thừa nhận, công tác quản trị, điều hành hoạt động tín dụng của một số ngân hàng còn bất cập như công tác thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng chưa tuân thủ đúng quy định; Công tác phân tích, đánh giá, phân loại khách hàng, lĩnh vực kinh doanh chưa sát với thị trường để có biện pháp ứng xử kịp thời; Việc đánh giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực tế, nhận tài sản đảm bảo không đầy đủ tính pháp lý, có tranh chấp dẫn tới tình trạng khó xử lý, phát mại hoặc phát mại được thì giá trị thu hồi thấp.
“Một số tổ chức tín dụng áp dụng chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện. Đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị dẫn đến nợ xấu tăng nhanh hơn dư nợ tín dụng...” – Thống đốc Bình phân tích.
Ngoài ra, thực tế, những năm gần đây, các ngân hàng, nhất là ngân hàng cổ phần liên tục tăng vốn điều lệ dẫn đến sức ép tăng trưởng tín dụng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm quá cao (trên 50%), trong khi khả năng về quản trị rủi ro, giám sát vốn vay còn bất cập.
Vể trách nhiệm trực tiếp của đơn vị, Thống đốc cho rằng, năng lực thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và rủi ro trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng, nhất là các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và việc đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
“Gạt” những lo lắng về vấn đề nợ xấu, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết đã có một chiếc lược giải quyết, mua – bán nợ xấu, giải cứu thị trường tiền tệ.
Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện đúng quy định về hoạt động cho vay, tỷ lệ an toàn vốn và giới hạn cấp tín dụng, không cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ cũ. Các ngân hàng cũng buộc phải tiến hành cơ cấu lại nợ để giảm khó khăn tài chính tạm thời cho doanh nghiệp, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, thực hiện việc mua bán nợ theo quy định. Trường hợp ngân hàng có nhu cầu chào mua, bán các khoản nợ nhưng chưa tìm được bên bán nợ/bên mua nợ, NHNN cũng yêu cầu các đơn vị này tổng hợp, báo cáo để thông tin, khuyến nghị các tổ chức tín dụng khác tham gia mua/bán.
Các ngân hàng sẽ thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp. Đối với khách hàng là doanh nghiệp được đánh giá có triển vọng phát triển, ngân hàng có thể sử dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp theo quy định.
Về giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, nhờ triển khai đồng bộ việc giảm lãi suất điều hành, chỉ đạo chuyển dịch, cơ cấu nợ… sau 5 tháng tăng trưởng âm, tính đến ngày 30/7/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng 1,02% so với 31/12/2011. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh với mức giảm từ 3-6%/năm so với cuối năm 2011. Tính đến ngày 2/8/2012, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 65% (trước ngày 15/7/2012) xuống còn 29,1%, trong đó, tỷ trọng giảm mạnh nhất là ở nhóm 5 ngân hàng thương mại nhà nước với mức giảm từ 61% xuống 6,9%.
Về việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, đến nay, 3 Ngân hàng Sài gòn, Đệ Nhất, Tín Nghĩa đã được hợp nhất. Ngân hàng Tiên Phong đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng tự củng cố, chấn chỉnh. Ngân hàng Nhà Hà Nội đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội. Phương án cơ cấu lại Ngân hàng Dầu khí đang được trình Thủ tướng cho ý kiến. 3 ngân hàng yếu kém còn lại đang được khẩn trương xem xét phương án cơ cấu lại.
(Dân Trí) P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét