Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012


09:21

Trung Quốc biến không thành có trên bản đồ cũ

 

Học giả Đức Nibelungen Schnecke Weinstock vừa chỉ ra quá trình bản đồ Trung Quốc ngang nhiên vẽ thêm quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam

Mới đây, học giả Weinstock đã tóm lược công trình nghiên cứu mang tên Xem lại quá trình quy thuộc biển Đông trong những tấm bản đồ từ cuối đời Thanh đến Trung Hoa Dân quốc (phần 2) trên trang cá nhân của ông tại địa chỉ dddnibelungen.wordpress.com. Công trình này chỉ ra việc Trung Quốc tìm cách hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi lý đối với biển Đông bằng cách vẽ thêm quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc tân hưng đồ (1917) - Ảnh: dddnibelungen.wordpress.com
Theo thứ tự những tấm bản đồ do ông Weinstock cung cấp, cho đến trước năm 1917 quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa hề xuất hiện trong bản đồ Trung Quốc. Mặc dù đô đốc nhà Thanh Lý Chuẩn năm 1909 tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa nhưng giới biên vẽ bản đồ nước này vẫn không xem quần đảo này thuộc Trung Quốc. Đây cũng là nhận thức chung của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.
Trung Hoa dân quốc tân khu vực đồ (1917) có thêm phụ đồ ở góc dưới bên phải gom cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Tiếp đến, Trung Quốc tân hưng đồ 1917 cũng thể hiện rằng cực nam Trung Quốc vẫn chỉ là đảo Hải Nam. Thế nhưng, bắt đầu từ thời điểm này, Trung Hoa Dân quốc manh nha âm mưu thâu tóm biển Đông. Cụ thể, một bản đồ khác là Trung Hoa Dân quốc tân khu vực đồ (1917) quy nạp quần đảo Hoàng Sa bằng cách vẽ thêm một khung vuông phụ trong bản đồ toàn quốc. Tuy nhiên, bản đồ trên không có quần đảo Trường Sa. Tiếp đến, quần đảo Hoàng Sa tiếp tục bị Trung Quốc ngang nhiên thể hiện là điểm cực nam của nước này trong Trung Quốc địa lý các duyên đồ (1922), Trung Quốc tân hình thế đồ (1922) và Trung Hoa triết loại phân tỉnh đồ (1931), Trung Hoa dân quốc tân địa đồ (1934). Chưa dừng lại ở đó, Trung Hoa Dân quốc tiếp tục hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam bằng cách vẽ ra đường 11 đoạn ôm trọn biển Đông. Điều này được thể hiện trong phụ đồ "Vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa dân quốc" (1948). Đến năm 1953, Bắc Kinh tạo ra một biến thể quái thai khác từ bản đồ trên để vẽ nên đường 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) rồi ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Sự thay đổi phi lý trong các bản đồ trên là bằng chứng chỉ ra quá trình Trung Quốc biến không thành có để thâu tóm các đảo trên biển Đông của Việt Nam.
(Theo Thanh Niên) Lucy Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét