08:35
Ngư
ông đắc lợi?
Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và
Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2012
của công ty mẹ với khoản phải thu khách hàng lên tới gần 2.000 tỉ đồng, gấp
2,5 lần so với khoản nợ ngân hàng 800 tỉ đồng của chính tổng công ty này.
Trong đó, cả hai “con nợ” lớn nhất của
Vinaconex đều thuộc quyền quản lý của Nhà nước là Sở Xây dựng Hà Nội (nợ hơn
1.000 tỉ đồng) và Ban Quản lý dự án Thủy điện 5 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt
Nam (hơn 300 tỉ đồng).
Việc khách hàng chây ì, chậm trả nợ cùng với lãi suất ngân hàng cao là nguyên nhân chính khiến Vinaconex lỗ tới 750 tỉ đồng trong hai quý đầu năm và có nguy cơ tiếp tục lỗ nghiêm trọng trong những quý tiếp theo nếu không thu hồi được khoản nợ hàng ngàn tỉ đồng kể trên để trả nợ ngân hàng. Thực tế, việc các DN nợ lẫn nhau là chuyện bình thường trong tất cả các nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi các DN, từ Nhà nước tới tư nhân đều gồng mình chống đỡ với kinh tế suy thoái thì hệ thống ngân hàng, công cụ của Nhà nước để điều tiết nền kinh tế, lại đang hành xử như “ngư ông đắc lợi”. Những ông lớn ngân hàng chẳng những không có biện pháp hỗ trợ để giải quyết tình trạng kể trên mà còn “cho vay với lãi suất cao đến mức khó chấp nhận, đẩy nhiều DN rơi vào tình trạng “làm không đủ trả lãi ngân hàng” chứ chưa nói để trả nợ lẫn nhau khiến tình trạng nợ nần chồng chéo diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhờ cho vay với lãi suất cao, biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng cao bất hợp lý nên nhóm các ngân hàng được coi là đang “miễn nhiễm” và đứng ngoài sự khó khăn chung của nền kinh tế cũng như sự kiệt quệ của người tiêu dùng. Bằng chứng là giới ngân hàng vẫn thay phiên nhau công bố những con số tăng trưởng vượt chỉ tiêu và báo lãi “khủng”, lên tới hàng ngàn tỉ đồng trong nửa đầu năm qua như Vietcombank lãi hơn 5.600 tỉ đồng, còn Techcombank cũng lãi tới 1.200 tỉ đồng... Như vậy có thể thấy là phần lớn lợi nhuận mà DN và nền kinh tế tạo ra đều đang chảy vào túi của ngân hàng, làm lợi cho một nhóm nhỏ trong khi số còn lại rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Bởi vậy, nhìn từ Vinaconex, suy rộng ra toàn nền kinh tế thì tình trạng nợ nần của các DN chắc chắn sẽ còn kéo dài nhưng sẽ được cải thiện đáng kể nếu công cụ lãi suất và các điều khoản cho vay của ngân hàng được Nhà nước can thiệp theo hướng có lợi cho người đi vay nhằm từng bước vực dậy nền kinh tế đang bên bờ suy thoái.
Theo PLTP HCM
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét