Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012


07:14

Cơ hội cải cách


Dư luận đang nóng chuyện chứng minh nhân dân (CMND) theo mẫu mới có dữ liệu về cha, mẹ, đồng tình thì ít mà phản đối thì nhiều. Trong khi đó các cơ quan chức năng tỏ ra thiếu thống nhất trong chuyện này.

  
Quy định nội dung CMND có thông tin về cha mẹ, thực chất đã có từ năm 1999, tại Nghị định 05/1999/NĐ-CP, được nhắc lại trong Nghị định 170/2007/NĐ-CP (năm 2007), nhưng dư luận chỉ biết khi nó được triển khai thí điểm ở Hà Nội. Báo chí đã có công phát hiện những bất hợp lý như đã biết. Nhưng có điều lạ là, về nguyên tắc khi xây dựng Nghị định Chính phủ, dù là cơ quan nào soạn thảo, bao giờ cũng phải trải qua thủ tục lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi thông qua, thế mà một số bộ, trong đó có Bộ Tư pháp chỉ lên tiếng phản đối nội dung CMND mẫu mới khi được báo chí hỏi đến, thậm chí còn phản đối rất gay gắt, rằng nó vi hiến. Còn Bộ chịu trách nhiệm về quản lý trật tự hành chính thì cũng lúc thông tin thế này, lúc thế kia, khiến dư luận hoang mang. Cho đến chiều qua, thông tin chính thức từ Bộ Công an là sẽ tạm dừng thí điểm để tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chắc chắn, các cơ quan chức năng cũng sẽ có tham mưu để giải quyết ổn thỏa việc này, vì sự việc đã quá rõ ràng.
Với trình độ phát triển công nghệ như ở VN hiện nay thì việc đổi mới công tác quản lý con người cho hiện đại, bảo đảm tính chính xác cao là cần thiết. Nhưng có điều người viết bài này còn băn khoăn ở chỗ, có nên chi một khoản tiền lớn (theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, trả lời Báo Thanh Niên thì triển khai giai đoạn 1, trong vòng 5 năm sẽ cấp đổi 24 triệu CMND với khoản chi phí ước hơn 600 tỉ đồng. Nếu làm hết 60 triệu CMND cho những người đến tuổi thì con số này sẽ lên hàng ngàn tỉ đồng), chỉ để đổi CMND theo mẫu mới với một số nội dung và chất liệu mới. Trong khi hiện tại, Chính phủ đang giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ TT-TT và các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phát hành Thẻ công dân điện tử theo hướng thống nhất mã số công dân duy nhất. Sao không kết hợp được các chương trình này, sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nguồn lực mà lại đỡ gây phiền hà cho công dân.
Hiện tại, mỗi công dân VN đều sở hữu nhiều mã số khác nhau, gây khó khăn cho việc quản lý và phát sinh tình trạng giả mạo giấy tờ. Hằng năm nhà nước phải bỏ ra khoản kinh phí khổng lồ và huy động một lượng lớn nhân lực phục vụ cho công tác thống kê dân số, số lượng cử tri, mà sai số vẫn lớn, thiếu rất nhiều dữ liệu cần thiết cho các chính sách xã hội, quản lý công dân và quy hoạch nguồn nhân lực.
Nếu thay đổi thì hãy tham khảo mô hình CMND của các nước. Họ chỉ sử dụng 1 ID (mã số) để quản lý một người từ lúc sinh ra tới lúc chết đi. Số ID này sẽ được sử dụng để làm CMND, bằng lái xe, hộ khẩu, sổ đỏ và các giấy tờ liên quan. Về công nghệ thì có thể dùng thẻ từ, in một số nội dung cơ bản và hình ảnh, có thể dùng máy quét để kiểm tra thật hay giả và các thông tin liên quan. Việc này vừa đỡ rườm rà cho công dân, lại tăng tính tương tác với cơ quan công quyền.
Duy Kiên
Tôi nghĩ Bộ Công an muốn thuận tiện cho quản lý nên mới đề xuất mẫu CMT mới này, chỉ nhìn vào là họ đọc được ngay sơ yếu lý lịch của công dân. Tuy nhiên cũng cần nhớ, lý lịch cá nhân không phải ai và bất kỳ khi nào cũng được tiếp cận, dò xét.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét