Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012


21:02
Sửa gốc hay chỉnh ngọn?

TP - Hai thế kỷ trước, trong “Thái bình thập sách” (10 kế sách để giữ nước thái bình) danh thần Nguyễn Công Trứ đã đề cập vấn đề phát triển nông nghiệp, phục hưng nền kinh tế.

Trong mười kế sách thì kế sách hàng đầu theo ông là: “Muốn an định xã hội, đưa đời sống nhân dân lên một hoàn cảnh tốt đẹp hơn thì phải phát triển nghề nông, lấy nông nghiệp làm căn bản. Tuy nhiên, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Nhu cầu đất phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị là tất yếu.
Nền kinh tế “canh nông bản vị” (nông nghiệp, nông dân chiếm 80% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, dân số) sẽ chuyển đổi mạnh sang nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Đất đai - một tư liệu sản xuất quan trọng trở thành công cụ hữu hiệu để cấu trúc nền kinh tế. Mâu thuẫn liên quan lợi ích gắn với quyền sử dụng đất đai trong quá trình phát triển đã nảy sinh mà biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai chiếm 70% tổng số vụ. Trong đó nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển thừa nhận rằng việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn còn những diễn biến phức tạp, vụ khiếu nại vượt cấp, đông người ở địa phương có chiều hướng tăng lên, nhất là ở các địa phương có nhiều dự án thu hồi đất như Khu đô thị thương mại Văn Giang (Hưng Yên), Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang), khiếu nại các hộ dân phường Dương Nội (Hà Đông - Hà Nội)…
Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai chiếm tỷ lệ lớn và phức tạp là chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập (giá bồi thường thấp, hay thay đổi, thiếu nhất quán…); có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá thị trường hoặc giá nhà đầu tư bán…
Hay nói cách khác là luật pháp về đất đai còn có nhiều khoảng trống để có thể mang lại lợi ích quá lớn cho một nhóm đối tượng này mà lại vô tình làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích nhóm đối tượng khác mà ở đây cụ thể là người nông dân. Như vậy đất đai khi trong tay nông dân nó là tư liệu sản xuất phi thị trường nhưng khi về tay doanh nghiệp trở thành hàng hóa thị trường dù pháp luật chưa thừa nhận.
Chênh lệch địa tô từ quá trình đổi chủ và đổi chức năng sử dụng tạo ra siêu lợi nhuận hấp dẫn các doanh nghiệp đua nhau lập dự án để được giao đất. Bên cạnh những dự án thực sự phục vụ cộng đồng, lợi ích xã hội thì cũng không ít dự án thu hồi đất đơn thuần cũng chỉ là phục vụ lợi ích cục bộ của một tổ chức, một tập thể thậm chí là một cá nhân. Bên cạnh những doanh nghiệp thực sự đầu tư sinh lợi trên mảnh đất được giao thì không ít doanh nghiệp lại trở thành những nhà buôn… đất kiếm bộn tiền ngay trên mảnh đất vừa được nhận từ tay người nông dân…
Đôi khi việc khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đất đai chưa hẳn vì cái đúng, sự sai mà chỉ bởi bản năng tự vệ. Tự vệ trước sự bất an, tự vệ trước sự xâm hại về lợi ích kinh tế và có khi tự vệ trước việc bị làm tổn thương về danh dự, lòng tự trọng và những điều phi lý. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT đã từng cảm nhận sự cô đơn, thậm chí là bơ vơ của những người dân bị thu hồi đất. Xét dưới góc độ pháp lý có thể việc thu hồi đất, giao đất là không sai với quy định của luật pháp.
Thế nhưng suy cho cùng luật pháp cũng là để quản lý xã hội sao cho hợp lý và hợp lòng dân nhất. Khi mà có đến 70% số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai thì rõ ràng câu chuyện luật pháp của lĩnh vực này có vấn đề. Để giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai chúng ta không chỉ soi chiếu dưới góc độ của luật để xử lý đúng-sai mà cần mở rộng đến những yếu tố bất hợp lý của luật để điều chỉnh cho hợp lý. Đó mới là sửa tận gốc chứ không phải loay hoay chỉnh ngọn.
Phùng Sưởng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét