Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

14:50

 Công lý và đạo đức


TuanVietnamnet- Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ một người!

Loạt bài giảng của GS Michael Sandle, Đại học Harvard, vừa được dịch phụ đề trọn vẹn ra tiếng Việt, đang trở thành một cơn sốt không hề thấp của cư dân mạng quan tâm đến giáo dục đại học.
Có thể nói không quá lời rằng, nghe - xem - thấy bài giảng này, dù đã từng biết, từng nghe không ít bài giảng ở các giảng đường đại học (và kể cả kinh nghiệm bản thân), người viết bài này thấy rất nên trao đổi một vài ghi nhận, như là những bài học cần thiết.
Từ những ví dụ bất ngờ
Sandle đã từng giảng cho hàng vạn sinh viên Harvard nghe suốt nhiều năm qua. Con số thống kê ấy nói lên rằng tính hấp dẫn và kỳ thú là khỏi phải bàn. Vậy mà, GS Sandle vẫn làm cho người nghe bị choáng khi ông đưa ra những ví dụ vừa giả thiết, vừa thật, gây sốc đến không ngờ.
Đầu tiên là chuyện về một con tàu không thể kiểm soát, đang chạy với vận tốc 60 dặm/h. Phía trước có năm công nhân đang sửa đường. Người lái tàu biết chắc ngay trước mặt có nhánh ray phụ, nhưng trên đó cũng có một công nhân đang làm việc. Có nên rẽ vào nhánh phụ để làm chết một người hay cho tàu đi tiếp theo lộ trình, và làm chết năm người?
Một ví dụ khác có thật, là chuyện một con thuyền cứu sinh sau vụ đắm tàu. Trên thuyền có bốn người, gồm thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ và một cậu bé 17 tuổi tên là Parker. Parker đang chết từ từ và là một đứa trẻ mồ côi không người thân thuộc.
Thuyền trưởng và thuyền phó đã quyết định giết Parker ở ngày thứ 20 của đói và khát. Nhờ ăn thịt và uống máu Parker, bốn ngày sau họ được cứu sống. Tòa án Anh đã đem vụ việc ra xét xử.
Không ít ý kiến biện hộ (kể cả dư luận từ báo chí) cho rằng dùng thịt và máu của Parker để cứu ba người có gia đình, có nhiều trách nhiệm, có ích cho xã hội nhiều hơn thì cái chết của Parker là điều... có thể chấp nhận được(!)?
Trong những phần tiếp theo, GS Sandle đã đưa ra các ví dụ khác liên quan đến vấn đề đạo đức - trên thực tế có dính dáng rất nhiều đến chính trị. Chẳng hạn, liệu Bill Clinton có dối trá hay không khi ông làm cho người khác hiểu nhầm sự thật khi nói trước truyền hình rằng: "Tôi không hề có quan hệ tình dục với cô Monica Lewinsky. Tôi không bao giờ nói dối. Đó là một luận điệu sai lầm".
GS Michael Sandle, Đại học Harvard
Một trường hợp khác là việc người chủ quán trả đủ tiền thừa cho khách sau khi cân nhắc rằng nếu trả thiếu, sẽ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh và sau đó sẽ mất khách. Vậy, có thể coi hành động của chủ quán là chưa đủ yếu tố cấu thành đạo đức?
GS Sandle còn đưa ra rất nhiều ví dụ khác khi nêu vấn đề cho sinh viên thảo luận như tính đạo đức của việc tuyển quân bắt buộc và chế độ tình nguyện khác nhau như thế nào? Cái nào nên hơn? Việc ưu tiên điểm số đầu vào đại học cho sinh viên Texas (bang có 40% dân số là người Mexico và da đen), khiến cho nhiều sinh viên da trắng có điểm số tương tự bị trượt đại học là nên hay không nên?
Có phải việc ưu tiên ấy dựa trên cơ sở thế hệ hôm nay phải đền bù cho quá khứ sai lầm (nguyên văn: past wrong) của cha ông hay không? Một trong những bất ngờ lớn nhất của GS Sandle là ông đã đưa ra một dẫn chứng thật giản dị (vì ai cũng biết). Đó là, trong một cuộc thi đấu thể thao - môn chạy chẳng hạn, việc hàng chục người xuất phát cùng một điểm xuất phát có thật sự là công bằng không khi ta biết rằng số phận, sức khỏe, những yếu tố tự nhiên mang tính ngẫu nhiên mà con người bất khả chuyển nhượng, đã làm cho các vận động viên không thể như nhau, như cách hiểu thông thường...
Triết học và đạo đức
Trong loạt bài giảng của mình, GS Sandle đã phân tích, phản biện các quan điểm triết lý về đạo đức của nhiều nhà triết học nổi tiếng như quan điểm về chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham, về khẩu hiệu nổi tiếng của John Locke "Lợi ích tốt nhất cho nhiều người nhất" chính là công lý.
Đặc biệt, GS Sandle đã dành khá nhiều thời gian cho việc trình bày quan điểm của một trong những nhà triết học lỗi lạc nhất của thế kỷ khai sáng là Immanuel Kant (22.4.1724-12.2.1804).
Kant cho rằng, chúa tể của cuôc sống không phải là Niềm vui và Nỗi buồn như Bentham nhìn nhận mà chính là đạo đức tối thượng. Đạo đức tối thượng là tính TRÁCH NHIỆM (có lý trí xác đáng dẫn dắt, phù hợp với quy luật đạo đức) của động cơ trong hành động.
Có thể thấy rằng một khi 30 phút có thể tạo nên chất lượng cao về nhận thức thì chắc hẳn những bài giảng đạo đức kéo dài lê thê sẽ phản tác dụng đến mức nào. Nên chăng, về giờ giấc học tập ở các trường đại học hiện nay cũng cần được điều chỉnh?
Yếu tố này đặc biệt quan trọng với những người lãnh đạo vì họ nắm trong tay sinh mạng và số phận, hạnh phúc hay khổ đau của người dân. Bởi, đa số con người chỉ hành động theo ý muốn chủ quan, cái ham thích nhất thời, vị kỷ hoặc vì tư lợi tàn nhẫn nên bất kể đạo đức và, thường là, nhân danh đạo đức để che đậy các động cơ ích kỷ, xấu xa.
Tính tối thượng đạo đức yêu cầu con người không được dùng người khác làm công cụ để thỏa mãn ý đồ riêng, không được lạm dụng cái gọi là đa số để làm phương hại hay tước đoạt nhân phẩm của con người - dẫu chỉ một người.
Theo quan điểm khắt khe của Kant, nói dối cũng là cách chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Nếu Kant đúng, thì xã hội ta bây giờ, nhiều người đều vi phạm đạo đức vì đa số họ nói dối là... phẩm chất tự nhiên!
Quyền trình bầy ý kiến và quyền... im lặng
Nhìn - nghe GS Sandle giảng bài, thấy sinh viên Harvard thảo luận, có lẽ, ai cũng ước ao được ngồi ở giảng đường Sandle ấy một lần. Ngay cái tên đã kích thích suy tư: "Người một hạt cát" - Sandle. Có thể là một, hoặc một số nhưng chắc chắn đó là một phần làm nên bãi biển rực nắng mênh mông. Để trở thành cát, phải có hàng triệu lần "vật lộn" với sóng lừng, sóng dữ; phải trải biết bao gian khó, dập vùi. Xem ra, muốn làm nên sự lấp lánh và tinh khiết, không thể đo bằng vài năm tháng bọt bèo...
Ấn tượng đầu tiên từ các bài giảng của GS Sandle đó là sự lôi cuốn không chỉ nhờ chất giọng rõ ràng, hấp dẫn mà trước hết, người thầy phải có một cái nền kiến thức vững chắc, một "kho" ngôn từ dường như vô tận thì mới không lặp đi lặp lại, không có chuyện thì, là, mà, à, ờ... như không ít giảng viên của ta hiện nay.
Phần hài hước của ông (cái không thể thiếu của bất kỳ người thầy nào khi giảng về những vấn đề khô khan, khó khăn) chỉ chiếm chưa đến 2% thời gian - vừa đủ để tạo nên sự thư giãn cần thiết mà lại không làm loãng phần nội dung.
Chẳng hề có bất kỳ một câu chửi thề nào và tuyệt đối chẳng cần đến sự dung tục tầm thường tuy trong bài giảng có cả chuyện tình dục của Tổng thống Hoa Kỳ cũng như có cả chuyện công lý trong việc mang thai thuê!
Lượng thời gian dành cho sinh viên thảo luận của GS Sandle chiếm khoảng 30%. Điều đặc biệt là tất cả sinh viên khi phát biểu đều rất tự tin, trình bày lưu loát (cũng chẳng có sinh viên nào à, thì, là, mà).
Cái đáng ghi nhận nữa là mặc dù có những lúc chỉ có một, hai cánh tay giơ lên nhưng họ không hề ngần ngại, dẫu có hàng ngàn sinh viên khác im lặng (tức là không đồng ý). Quyền được trình bày ý kiến của mình bất kể người khác không tán thành là một trong những điểm tích cực vượt trội của tính tự chủ trong giảng đường Sandle.
Không có sự phân biệt về trình độ do màu da, chủng tộc. Ta hãy nghe một chút phần tranh luận giữa hai sinh viên gốc Á: "Nếu bạn phản đối hôn nhân đồng tính thì tôi hỏi bạn, bạn đã bao giờ thủ dâm chưa"?
Tính sâu sắc của câu hỏi- trả lời, thực sự làm chúng ta bị hấp dẫn. Nếu ai đã nghe- xem qua toàn bộ bài giảng này thì sẽ  phải "ngạc nhiên" vì một điều nữa: Hàng ngàn người nghe, không hề điểm danh, không hề thiếu hụt bất ngờ và cũng chẳng hề có ai nói chuyện riêng(!)
Dường như việc nói chuyện riêng trong một lớp học của sinh viên Mỹ bị coi là thiếu văn hóa thì phải?
Một điều đáng xem xét nữa là trong khi ở nước ta hiện nay, sử dụng bài giảng có máy chiếu- màn hình được coi là thời thượng, phản ánh trình độ cao (?) của giảng viên, thì GS Sandle sử dụng rất ít, hầu như chỉ chiếu cho sinh vên xem những trích dẫn cần độ chính xác cao, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề đang nêu ra.
Đây là chuyện cần phải cân nhắc bởi chúng ta biết rằng nếu lạm dụng máy chiếu, tức là vừa làm hư cho thầy (lười giảng), vừa không đảm bảo tính liên tục của lập luận.
Điều cuối cùng cần đặc biệt nhấn mạnh là mỗi buổi giảng chỉ gói gọn trong 30 phút (ít nhất là các video clip cho biết như thế), nhưng vẫn đủ tất cả những nội dung cần thiết trong cái nguyên tắc tương tác hợp lý giữa thầy và trò.
Từ đây có thể thấy rằng một khi 30 phút có thể tạo nên chất lượng cao về nhận thức thì chắc hẳn những bài giảng đạo đức kéo dài lê thê sẽ phản tác dụng đến mức nào. Nên chăng, về giờ giấc học tập ở các trường đại học hiện nay cũng cần được điều chỉnh?
Loạt bài giảng Công lý, việc đúng nên làm với sự mở đầu thật khó - đúng như GS Sandle đã nói. Cái khó của ông là trình bày điều mà ai cũng biết (dẫu nhiều hay không nhiều lắm) như công lý, đạo đức.
Khó hơn nữa là những dẫn chứng ông đưa ra hầu hết đều cũ, nhưng ông phải làm cho khác lạ. Rồi, cái nguy hiểm của điều mới lạ ấy là nó làm cho bản chất hay cái vỏ của vấn đề không còn như cũ nữa...
Nói chung là có rất nhiều sự thách thức đối với một người thầy phải "trình diễn" trước cử tọa khắt khe, thông minh, dũng cảm - những người luôn coi thách thức là cơ hội - điều kiện để sống, để vươn tới.
Sandle không trả lời thẳng các câu hỏi mà ông đã đưa ra. Theo ông, lời khuyên của Kant luôn đúng: Phải sống trong sự bất an của lý trí, tức là sống trong câu trả lời chứ không phải là sống bằng sự thỏa mãn từ các câu trả lời.
Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ một người!
Hà Văn Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét