08:01
Lỗ hổng tập đoàn,
tổng công ty
Với vai trò
đầu tàu nền kinh tế, chiếm 700.000 -800.000 tỉ đồng vốn sở hữu nhà nước,
nhưng từ năm 2006 đến nay, cơ chế giám sát tài chính lỏng lẻo, không chế tài,
không phân rõ trách nhiệm chủ sở hữu vốn... khiến nhiều tập đoàn (TĐ) rơi vào
nợ nần, thua lỗ.
"Lớn" nhưng không "mạnh"
Các TĐ - tổng công ty (TCT) nhận được rất nhiều ưu ái về
đất đai, tài nguyên, thị trường, vốn, thuế... Kể cả độc quyền hàng hóa, dịch
vụ, được nhà nước giao cho quyền chiếm hữu, định đoạt tài sản nhằm kinh doanh,
phát triển và bảo toàn vốn. Nhờ sự ưu đãi này, vốn chủ sở hữu tại các TĐ -
TCT tăng từ 317.647 tỉ đồng năm 2006 lên 653.166 tỉ đồng năm 2011. Nguồn để
tăng cường vốn sở hữu lên tới hơn 200% còn do lợi nhuận sau thuế bổ sung,
nhưng một phần cũng nhờ quá trình cổ phần hóa, định giá lại tài sản từ đất
đai, thặng dư vốn sau cổ phần. Quá trình tích lũy tổng tài sản của tất cả các
TĐ - TCT ở thời điểm hiện tại lên tới gần 1,8 triệu tỉ đồng, tăng gấp 238% so
với năm 2006.
"Lớn" là vậy nhưng rất nhiều TĐ - TCT lại không
hề "mạnh" tương xứng. Ngoài những khoản thu ít ỏi so với nguồn lực
vào ngân sách hằng năm, không ít TĐ - TCT thua lỗ hàng chục nghìn tỉ
đồng, kèm theo hàng loạt vi phạm trong đầu tư vốn, sai phạm, tham nhũng, thất
thoát. Ngay cả nhiệm vụ điều tiết thị trường, bình ổn giá cũng hết sức mờ
nhạt. Nổi cộm là thị trường xăng dầu, điện... luôn xáo trộn, giá luôn rơi vào
cảnh biến động bất thường.
Sức mạnh thực sự của TĐ - TCT được đặt dấu hỏi từ lâu,
nhưng phải đến khi "con tàu đắm" Vinashin bị phanh phui, mổ xẻ thì
tảng băng chìm bắt đầu lộ diện. Vinashin được bảo lãnh vay vốn quốc tế, trong
nước, chiếm hữu những vị trí đắc địa nhất. Với kỳ vọng đưa ngành đóng tàu
vươn ra biển lớn, đứng tốp đầu thế giới, nhưng rốt cuộc Vinashin để lại số nợ
lên tới 86.000 tỉ đồng, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc (TGĐ) đi tù, ngành
đóng tàu rơi vào bĩ cực. Chưa hết, con tàu đắm này còn kéo theo hàng chục
ngân hàng suýt chết chìm theo khi các cơ quan quản lý xác định, đã có hàng
chục nghìn tỉ đồng nợ xấu Vinashin nằm trong hệ thống.
Đống nợ của Vinashin chưa giải quyết hết, "quả
bom" Vinalines lại phát nổ sau khi thanh tra công bố hàng loạt sai phạm.
Cụ thể, tổng số lỗ trong 2 năm 2009 - 2010 lên tới hơn 1.686 tỉ đồng, các chỉ
số tài chính khác đều đáng quan ngại. Năm 2009 Vinalines lỗ 412,325 tỉ đồng;
năm 2010 lỗ 1.273,892 tỉ đồng (không bao gồm 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang).
Điều đáng nói, nếu năm 2007 nợ phải trả là 17.071 tỉ đồng chiếm 65,8%, thì
năm 2010 là 36.599,7 tỉ đồng chiếm 91,4% tổng nguồn vốn. Hiệu quả sử dụng vốn
giảm mạnh, tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu từ 14,15% năm 2007 xuống còn
âm 14,8% năm 2010. Cùng với sai phạm trong việc mua ụ nổi, nguyên Chủ tịch
HĐQT của Vinalines đang bỏ trốn và bị truy nã, một loạt cá nhân khác cũng bị
khởi tố, tạm giam chờ ngày xét xử.
Trước đó, trong quý 1/2012, Thanh tra Chính phủ tiến hành
25 cuộc thanh tra tại một số TĐ - TCT lớn, như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam
(Petro Vietnam), Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel),
Tập đoàn hóa chất... Qua đó, phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số
tiền 30.720 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỉ đồng; kiến
nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 27.000 tỉ đồng.
Trong đó Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên sai phạm hơn 10.000 tỉ
đồng; Tập đoàn hóa chất VN và các đơn vị thành viên là trên 700 tỉ đồng...
“Cha chung không ai khóc”
Kinh doanh yếu kém, lãnh đạo tham nhũng, vi phạm dẫn tới
TĐ - TCT làm ăn thua lỗ đã đành, nhưng điều lạ, suốt thời gian dài hết
Vinashin đến Vinalines thua lỗ mà không có một cơ quan chủ quản nào phát hiện
ra. Chỉ đến khi Ủy ban kiểm tra T.Ư vào cuộc, Thanh tra Chính phủ kết luận
mọi việc mới được công khai. Để xảy ra sai phạm, kinh doanh thiếu hiệu quả, thất
thoát vốn nhà nước, trách nhiệm đầu tiên của người đại diện vốn chủ sở hữu
gồm: chủ tịch công ty hay chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, ban
kiểm soát nội bộ... Tuy nhiên, cũng không thể thiếu trách nhiệm của chủ
sở hữu trong giám sát và đánh giá hiệu quả kinh doanh. Luật không thiếu, quy
chế cũng không thiếu, nhưng điều đáng buồn là những chính sách lạc hậu, không
theo kịp hoạt động sản xuất - kinh doanh; sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các
bộ, ngành, chủ quản để tiền ngân sách nhà nước - tiền thuế của dân đổ sông,
đổ biển.
Thực tế, để quản lý các TĐ - TCT, Thủ tướng có Quyết định
số 224/2006/QĐ-TTg, kèm theo quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả, thế nhưng
phải đến năm 2009 Bộ Tài chính mới có hướng dẫn. Tuy nhiên, cả 2 văn bản trên
đều không hề có quy định cụ thể Chính phủ giao cho bộ nào giám sát TĐ; chủ
tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm giám sát TCT nào… dẫn tới cảnh
“cha chung không ai khóc”. Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đùn đẩy giám
sát cho nhau, không ai đánh giá, không ai báo cáo các TĐ - TCT làm ăn ra sao.
Lẽ đương nhiên, đến khi đổ vỡ thì không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng có
lẽ điều trớ trêu nhất là không có bất cứ chế tài nào dành cho chủ sở hữu -
tức cơ quan quản lý các TĐ - TCT này.
Đó là lý do mà sai phạm, tham nhũng, thua lỗ cứ nối tiếp
nhau và chưa biết bao giờ dừng lại.
(TNO) Anh Vũ
|
Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét