20:30
Tư dinh con Bí thư Hải Dương:
"Chuyển 500m2
sang đất ở là trái luật"
(GDVN) - "Vì đây là đất vườn, đất ở, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông
nghiệp đã chuyển về một chủ sở hữu thì theo qui định của pháp luật diện tích
đất ở vùng nông thôn không được vượt quá 200m2. Do đó việc nhập tất cả các
thửa đất này vào thành một chủ sở hữu mà lại cho phép chuyển mục đích 500m2
sang đất ở là sai qui định của pháp luật", Luật sư Trần Đình Triển khẳng
định.
Việc chuyển
nhượng đất là không trái pháp luật.
Xung quanh câu chuyện về khu nhà vườn với diện tích 4.152m2 cùng khối tài sản lớn trên đất của gia đình ông Bùi Thanh Quyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương đang gây xôn xao dư luận. Theo như ông Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Xuân Thuấn cho biết thì mảnh đất đó được xác định là tài sản của ông Bùi Thanh Tùng (32 tuổi - con trai ông Bùi Thanh Quyến) hiện đang nắm giữ chức Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động tại Sở Lao động TB&XH tỉnh Hải Dương. Liên quan đến việc chuyển nhượng giữa 5 hộ dân với ông Bùi Thanh Tùng, cũng như việc UBND huyện Ninh Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Bùi Thanh Tùng (GCNQSDĐ số 495738 ngày 19/7/2011) với diện tích đất là 4.152m2 và hợp thành 1 thửa (thửa số 45).
Quyết
định số 4316/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương về việc ban hành Quy
định hạn mức giao đất ở, công nhận đất ở đối với các hộ gia đình, cá nhân
trên địa bàn tỉnh.
(Tại điều 4: Hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn: 1. Đối với hộ sản xuất nông nghiệp: a) Không quá 200 m2/hộ (Hai trăm mét vuông trên một hộ) đối với các vị trí đất thuộc khu dân cư không nằm ven đường quốc lộ, tỉnh lộ. b) Không quá 120 m2/hộ (Một trăm hai mươi mét vuông trên một hộ) đối với các vị trí còn lại. 2. Đối với hộ phi nông nghiệp không quá 120 m2/hộ (Một trăm hai mươi mét vuông trên một hộ); 3. Trường hợp áp dụng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất ở tại các khu dân cư mới thì diện tích đất ở một thửa đất (lô đất) căn cứ vào quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.)
Trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam,
Tiến sĩ, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội),
cho rằng, các thủ tục chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
như trên là hoàn toàn đúng với các qui định của pháp luật hiện hành.
"Đối với các hộ gia đình có đất vườn, nuôi trồng thủy sản (ao) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì theo qui định của Luật đất đai họ có quyền mua bán, quyền chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, thừa kế... Và khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì họ có quyền chuyển nhượng cho bất cứ ai, kể cả một cá nhân hay một doanh nghiệp có đủ năng lực, hành vi, khả năng tài chính, trên 18 tuổi... Do đó việc chuyển nhượng giữa họ và ông Bùi Thanh Tùng là không trái pháp luật. Và khi họ đã mua bán với nhau theo đầy đủ thủ tục, đúng các qui định của pháp luật thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyển chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên mua. Để tránh trường hợp tranh chấp, cũng như để rõ về mặt pháp luật, nếu các thửa đất liền kề với nhau, để cho gọn lại, họ có thể đo đạc lại và cấp thành một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ mua mới", Luật sư Triển cho hay. Chuyển đổi xong 500m2 đất thành đất ở trong thời gian ngắn. Trên báo điện tử Dân trí dẫn lại công văn của UBND huyện Ninh Giang cho biết: Trong công văn số 49/BC-UBND ngày 24/5/2012 của UBND huyện Ninh Giang gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Hải Dương… đã nêu rõ: Trên cơ sở hồ sơ chuyển nhượng đúng pháp luật giữa ông Bùi Thanh Tùng và 05 hộ dân, được UBND xã xác nhận; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Giang thẩm định. Căn cứ các quy định pháp luật về đất đai, Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương; trên cơ sở quá trình sử dụng đất và hiện trạng đất; xét đề nghị của ông Bùi Thanh Tùng về chuyển mục đích sử dụng đất, UBND huyện Ninh Giang cấp GCNQSDĐ cho ông Bùi Thanh Tùng (GCNQSDĐ số 495738, ngày 19/7/2011) với diện tích đất là 4.152m2 và hợp thành 1 thửa (thửa số 45). Trong 4.152m2 có 500m2 được chuyển mục đích sang đất ở (được phê duyệt tại Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 29/7/2011) và ông Bùi Thanh Tùng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn (nếu tính theo thời gian trong công văn số 49/BC-UBND ngày 24/5/2012 của UBND huyện Ninh Giang) thì chỉ trong vòng 10 ngày, ông Bùi Thanh Tùng đã thực hiện xong việc chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất 500m2 của mình từ đất nông nghiệp sang đất ở. "UBND huyện Ninh Giang đã chuyển đổi 500m2 sang đất ở sai với các quy định của pháp luật" Tuy nhiên, liên quan đến việc UBND huyện Ninh Giang cho phép ông Bùi Thanh Tùng chuyển 500m2 trong số 4.152m2 đất sang đất ở (được phê duyệt tại quyết định 933/QĐ-UBND ngày 29/7/2011), Luật sư Triển cho rằng, việc chuyển đó là sai với các qui định của pháp luật. "Theo qui định của pháp luật về đất đai, vì đây là đất vườn, đất ở, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp đã chuyển về một chủ sở hữu thì theo qui định của pháp luật diện tích đất ở vùng nông thôn không được vượt quá 200m2. Có nghĩa là nếu ở 5 GCNQSDĐ thì mỗi sổ được 200m2 đất ở, cộng vào là được 1.000m2 đất ở còn khi đã đưa về một GCNQSDĐ thì chủ mới phải chấp nhận một hạn chế là diện tích đất ở vùng nông thôn không được vượt quá 200m2. Do đó việc hợp tất cả các thửa đất này vào thành một chủ sở hữu mà lại cho phép chuyển mục đích 500m2 sang đất ở là sai với qui định của Luật đất đai", Luật sư Triển khẳng định. Ngoài 500m2 đã được UBND huyện Ninh Giang cho phép chuyển đổi sang đất ở, với diện tích đất còn lại của ông Bùi Thanh Tùng đã được cấp GCNQSDĐ, Luật sư Trần Đình Triển cũng đặt ra vấn đề: "Ở đây chúng ta cũng cần xem lại, với diện tích đất còn lại có bị chuyển mục đích không? và có sử dụng đúng mục đích không?. Tức là, nếu trước khi chuyển đổi đây là đất nông nghiệp thì phải giữ nguyên là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản phải là đất nuôi trồng thủy sản chứ không thể chuyển sang sử dụng với mục đích khác được".
Từ thực
tế tham gia trợ giúp nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, Luật sư
Triển cũng cho rằng: "Thực tế, trong rất nhiều trường hợp, việc những
người dân mua bán, chấp hành đúng các qui định của pháp luật nhưng việc
chuyển đổi mục đích trong đất nông nghiệp thì lại không dễ dàng gì được thực
hiện nhanh như thế.
Thậm chí có những gia đình là đất 5%, đất vườn mà bố mẹ chia cho, họ đang ở nhưng muốn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lại không đơn giản chút nào. Và ở đây, dư luận đặt câu hỏi rằng tại sao ông Tùng lại có thể chuyển đổi mảnh đất đó nhanh đến như vậy?". Từ các qui định của TW Đảng và các qui định của Chính phủ đối với cán bộ công chức hiện nay, Luật sư Triển cũng bày tỏ: "Theo các qui định của TW Đảng và qui định của Chính phủ đối với cán bộ, công chức đương nhiệm phải kê khai tài sản của mình. Như trường hợp ông Tùng ở đây là Đảng viên, là cán bộ có kê khai với tổ chức về khối lượng bất động sản, tài sản đó không? Và với mức lương công chức của ông Tùng hiện nay có đủ thu nhập để mua một khối lượng bất động sản (đất đai) lớn như vậy không?...".
Danh sách số tiền chuyển đổi của
5 hộ gia đình chuyển đổi cho ông Bùi Thanh Tùng như sau: Hộ ông Trần Văn Hiệu,
diện tích 1560m2 (số tiền chuyển đổi là 304.200.000đ); hộ bà Nguyễn Thị Thúy,
diện tích 768m2 (số tiền chuyển đổi là 160.003.000đ); hộ ông Bùi Văn Nuôi,
diện tích 552m2 (số tiền chuyển đổi là 115.012.800đ); hộ bà Trần Thị Ngát,
diện tích 840m2 (số tiền chuyển đổi là 175.008.000đ); hộ bà Bùi Thị Điệp,
diện tích 432m2 (số tiền chuyển đổi là 90.000.000đ). Tổng cộng số tiền các hộ
dân trên chuyển đổi cho ông Bùi Thanh Tùng là: 844.228.600đ.
(Giáo dục VN) Thành
Chung
|
Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét