Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012


08:01

Sự bất lực của phụ huynh


Ở Việt Nam, cho con đi học thật vất vả và căng thẳng. Bất kỳ phụ huynh nào ít nhiều cũng đều có suy nghĩ như thế. Trầy trật, khổ sở từ nhà trẻ - mầm non và kéo dài mãi đến cả đại học.

Tìm chỗ học là bước thử thách đầu tiên ngay khi con đến tuổi đi nhà trẻ. Do phụ huynh không yên tâm với trường ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình nên trường mầm non công lập luôn quá tải.
Chính vì thế mới có thực trạng thời điểm nửa năm học, nhiều phụ huynh đã vội vàng liên hệ các nơi xin một suất cho con vào mầm non công lập… Sau đó là một cuộc “chạy đua” khác vào lớp 1, cứ thế lần lượt các lớp đầu cấp như lớp 6, 10…
Điều này không thấm vào đâu so với những muộn phiền, bực dọc, lo lắng, xót xa trong suốt những năm tháng sau này khi chứng kiến việc học hành của con cái. Suy cho cùng những bức xúc của phụ huynh đối với giáo dục chỉ vì không có sự thống nhất giữa quy định và thực tiễn; nói một cách khác là “nói một đàng, làm một nẻo”.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT luôn khẳng định trẻ vào lớp 1 không phải học chữ trước. Đây là điều hết sức bình thường và khoa học. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát nhỏ của tiến sĩ xã hội học Huỳnh Văn Sơn trên 182 phụ huynh tại TP.HCM thì có 91% phụ huynh hoàn toàn đồng ý cho trẻ học trước, 9% lưỡng lự và chỉ có 3% không đồng ý. Chính thực tế trong những ngày đầu trẻ đến trường tiểu học, sự phân biệt đối xử của giáo viên giữa trẻ đã học chữ trước với trẻ chưa biết gì đã khiến phụ huynh buộc phải cho con học chữ, nhiều khi ngay từ 4 tuổi.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhiều lần khẳng định học sinh tiểu học 2 buổi/ngày giải quyết hết bài vở ngay tại lớp nhưng trên thực tế học sinh vẫn thường xuyên có bài tập về nhà. Bộ cũng dứt khoát không dạy thêm học sinh tiểu học 2 buổi/ngày nhưng hiện tại có rất nhiều học sinh diện này buổi tối hay cuối tuần lại đến nhà giáo viên học thêm! Bộ chủ trương dạy học theo hướng chủ động, phát huy sự sáng tạo của học sinh. Thế nhưng, biết bao phụ huynh đành bất lực chấp nhận nhìn con học thuộc lòng hàng loạt bài tập làm văn trước mỗi kỳ thi học kỳ vì cô giáo buộc phải làm thế!
Con trúng tuyển ĐH-CĐ, niềm vui chưa qua đã lo lắng không biết trường con vào học có thuộc dạng trường thuê, lớp tạm, giảng viên mượn như thực trạng nhiều ĐH-CĐ ngoài công lập hiện nay hay không? Cứ nghĩ các trung tâm giáo dục nước ngoài có mặt tại Việt Nam là mặc nhiên đã được các cơ quan chức năng cấp phép, phụ huynh yên tâm cho con em vào học. Đùng một cái, sau nhiều năm theo học, Bộ
GD-ĐT công bố nhiều chương trình của không ít trung tâm không hợp pháp vì chưa được phép nên không thừa nhận bằng cấp này. Tiền thì còn có thể lấy lại được nhưng khoảng thời gian đầu tư vào việc học giờ lại trở về số 0. Phụ huynh và học sinh liệu có đáng để chịu hậu quả này?
Phụ huynh chỉ có một mong muốn giản dị là có sự công bằng và đảm bảo chất lượng trong giáo dục. Trẻ con đến tuổi sẽ có đủ trường để học. Đừng có sự chênh lệch quá lớn về chất lượng và cơ sở vật chất giữa các trường… Những điều này biết bao giờ mới thành hiện thực để không còn những hình ảnh phản giáo dục, phản văn hóa cứ diễn ra mỗi khi năm học mới còn ở tận đâu?
(TNO) Thuỳ Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét