Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012


 15:01
Từ chuyện kẹt xe trong hẻm nhà ông viện trưởng!

SGTT.VN - PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nguyên giám đốc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, cho biết ông sẽ viết thư đến UBND thành phố phản ánh về tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại hẻm ông cư ngụ. Theo ông, dân ở đây khốn đốn khi xuất hiện thêm ba nhà trẻ, hai trường quốc tế…

Những con hẻm kẹt xe
Theo chỉ dẫn ông của Hoà, chúng tôi tìm đến hẻm 115 Trần Quốc Thảo (phường 7, quận 3, TP.HCM). 17 giờ ngày 23.5, vừa quẹo xe vào hẻm, chúng tôi đã phải thắng gấp bởi con hẻm nhỏ chừng 4m ngoằn ngoèo nhưng hàng loạt ôtô, taxi, xe máy từ trong chạy ra, tiếng còi xe kêu liên hồi. Một phụ huynh chở hai em bé cố gắng vượt lên để thoát cảnh hai xe hơi đang đấu đầu. Vừa lách qua khe hẹp, bà dừng xe, ôm ngực thở dốc. Bà tên Lan, có hai con học ở trường quốc tế trong hẻm, cho biết kẹt xe ở đây là chuyện cơm bữa.
Ông Tất, một người dân cư ngụ trong hẻm, giải thích, con hẻm nội bộ này dài khoảng 600m, phải gồng mình chịu cảnh kẹt xe bởi năm trường học và nhiều cơ sở giảng dạy kinh tế, trung tâm ngoại ngữ, trường mầm non… đóng tại đây.
Chuyện các con hẻm và đường nhỏ biến thành “chợ” (chợ thật hoặc bởi sự có mặt của các trường học, trung tâm giảng dạy...) không còn là chuyện mới ở TP.HCM. Trong cái nóng oi bức của chiều 22.5, chị Trần Hoài Thương, một người dân cho biết, trước đây từ chợ Phạm Văn Hai về nhà chị trên đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình chỉ mất khoảng 10 phút cho 4km. Tuy nhiên, sau khi hai trung tâm luyện toán Kumon mọc lên trên đường Lê Bình, cũng đoạn đường đó chị phải đi gần 20 phút vì thường xuyên bị kẹt xe.
Đường Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) trước đây vốn yên tĩnh và đẹp bởi nơi đây toạ lạc nhiều căn biệt thự có nét kiến trúc độc đáo, nhưng nay luôn kẹt xe mỗi ngày sau khi các trường mầm non quốc tế xuất hiện tại đây thu hút rất nhiều ôtô đưa đón con đi học.
Đã đến lúc thành phố nên tính toán giữa lợi ích kinh tế và bài toán giao thông. Nếu chúng ta chấp nhận cái lợi trước mắt để gánh những hậu quả lâu dài thì rất nguy hiểm.
Lợi ích kinh tế và bài toán giao thông
Trước tình trạng nhiều công trình nhà ở thay đổi công năng, đặc biệt là làm trường học, từ năm 2009, UBND TP.HCM đã giao cho viện Nghiên cứu phát triển phối hợp với các sở ngành, quận huyện đề xuất cơ chế phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 22.5.2012, ông Nguyễn Trọng Hoà, cho biết sau hai năm lập kế hoạch, khảo sát thực tế, đề tài trên đã được chuyển thành đề tài nghiên cứu khoa học nên chưa được công bố (?)
Ông Hoà giải thích, sở dĩ xảy ra tình trạng nêu trên là vì các cơ quan cung cấp thông tin quy hoạch, cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động độc lập, việc ai nấy làm, không phối hợp gì với nhau. Ví dụ như, sở Quy hoạch – kiến trúc thì cung cấp thông tin quy hoạch, sở Xây dựng thì cấp phép xây dựng nhưng việc cấp phép đăng ký kinh doanh lại thuộc sở Kế hoạch và đầu tư...
Lãnh đạo sở Quy hoạch – kiến trúc cho rằng, để giải qyết tình trạng trên cần phải có lộ trình. Trước mắt, sở kiến nghị các quận, huyện cần phối hợp với các sở giao thông, xây dựng, kiến trúc tiến hành rà soát lại toàn bộ các công trình nhà ở đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang các công trình khác. Công trình nào mà việc chuyển đổi đã ảnh hưởng xấu đến giao thông và môi trường thì phải tìm hướng khắc phục ngay, ví dụ như tổ chức lại giao thông, bớt một phần diện tích kinh doanh cho việc đậu xe, làm cho lòng lề đường thông thoáng hơn… Trường hợp không thể khắc phục có thể xem xét không cho hoạt động.
Ông Hoà cho biết, đã đến lúc thành phố nên tính toán giữa lợi ích kinh tế và bài toán giao thông. Nếu chúng ta chấp nhận cái lợi trước mắt để gánh những hậu quả lâu dài thì rất nguy hiểm. Theo ông Hoà, ngành giao thông đang kêu trời vì tình trạng kẹt xe do trường học, bệnh viện nằm trong hẻm, vì việc cấp phép nhà ở thành trường học… Do vậy, bằng mọi cách chúng ta phải rà soát, kiểm tra lại các khâu trong việc cấp phép của các sở ngành. Khâu nào yếu, bất hợp lý thì phải giải quyết triệt để.
Đào Lê – Vũ Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét