Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012


19:46

ĐB Dương Trung Quốc:

“Không khôn ngoan khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng"


(GDVN) - Đây là khẳng định của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội sáng 31/5.

- Phóng viên: Trả lời phỏng vấn về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Tôi bổ nhiệm ông Dũng là để cứu Vinalines”. Ông đánh giá về nào về phát biểu của Bộ trưởng? 
+ Dương Trung Quốc:  Tôi cho là cũng có lý do của nó khi việc này rơi vào hoàn cảnh cụ thể như vậy. Đây là vấn đề của quản lý nhà nước. 
Trong một số hoàn cảnh, chính cơ chế lại “làm hại” con người, ví như nếu bố mẹ dúi cho một đống tiền vào tay, dùng không khéo có khi mình “hỏng ngay”. Tôi sẽ có phát biểu góp ý về năng lực lắng nghe của Chính phủ vì những điều xảy ra ở Vinashin và Vinalines đều đã được cảnh báo hết rồi. 
Thậm chí từ nhiệm kỳ trước đã thấy các đại biểu đưa ra yêu cầu phải xây dựng luật bảo tồn vốn nhà nước. Vốn nhà nước bị thất thoát như thế là sự cảnh báo về cơ chế rủi ro. 
Trong trường hợp này, Quốc hội cũng phải có trách nhiệm. 
- Vậy có thể hiểu là, Bộ trưởng Đinh La Thăng “vô can” trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng?

+ Tôi không kết luận việc này vì để đi đến kết luận một vụ việc thì phải có cơ quan có trách nhiệm làm rõ. Không thể đơn giản quy kết nhau ngay được. 
- Nhưng thưa ông, dư luận đặt nhiều câu hỏi quanh việc, cán bộ lãnh đạo một tập đoàn đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra và nội bộ xảy ra mất đoàn kết như Vinalines, nói như bộ trưởng Thăng liệu có đúng không?

+ Tôi chưa bao giờ làm công tác tổ chức, tôi không phải Đảng viên cũng chưa bao giờ làm cán bộ nên trong việc này tôi không có kinh nghiệm. Nhưng tôi nghĩ trường hợp này để lại bài học không chỉ với giải quyết cán bộ cụ thể mà phải thay đổi quy trình tổ chức nếu thấy nó có thể tạo ra những rủi ro kiểu như này. 
- Vậy sẽ phải lý giải ra sao trước việc ông Dương Chí Dũng, người đứng đầu Vinalines nhưng lại để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nhưng cuối năm vẫn được khen thường vì hoàn thành nhiệm vụ? 
+ Theo tôi, hiện tượng mất đoàn kết là khá phổ biến ở các cơ quan đơn vị mà để giải quyết thì không hề đơn giản. Tôi thấy lúc nào có chuyện này, chuyện khác là y như rằng được quy cho mất đoàn kết, còn nếu không thì chi bộ nào cũng 4 tốt, 5 tốt. Việc này cho thấy chúng ta phải hết sức sâu sát và chính cơ chế đánh giá phải thực hiện thường trực chứ không phải khi vụ việc xảy ra mới thấy toàn cái xấu.
- Nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng trong quá trình Vinalines bị thanh tra nên tạm dừng việc luân chuyển, điều động cán bộ và đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bố trí cán bộ? 
+ Như tôi đã từng nói, nếu là người khôn ngoan thì không nên làm vậy. Nhưng đôi khi có những tình huống cụ thể. Có 2 vấn đề dư luận đặt ra ở tình huống này: đó là có quan hệ riêng tư nâng đỡ nhau hoặc có thể cả việc “chạy tội” cho nhau? Hoặc chỉ đơn thuần là do người có trách nhiệm nghĩ đó là một giải pháp tốt nhất vào lúc này. 
- Mất đoàn kết nội bộ như ông nói là tình trạng khá phổ biến. Vậy người đứng đầu cơ quan xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nhưng luôn được đánh giá tốt thì có phổ biến không, thưa ông? 
+ Việc mất đoàn kết nội bộ cũng rất khó phân tích nguyên nhân là do ai. Bộ trưởng có phân bua là muốn dùng biện pháp tách các cá nhân mâu thuẫn ra để tạo ra môi trường thuận hơn. Có lẽ khi mới về, Bộ trưởng Đinh La Thăng chưa nắm hết “môi trường” các đơn vị trực thuộc mình. Biện pháp này đúng hay sai thì có đánh giá đầy đủ. Không thể chủ quan đánh giá, suy xét thế này, thế kia. 
- Liên tiếp thời gian qua, Thanh tra Chính phủ có kết luận về sai phạm của Tập đoàn Dầu khí, Vinalines. Vậy theo ông, Bộ trưởng Đinh La Thăng có phải giải trình trước Quốc hội về trách nhiệm liên đới hoặc trực tiếp của mình không?
+ Đúng là Bộ trưởng Thăng đã từng giữ nhiều cương vị khác nhau ở các tập đoàn kinh tế. Nhưng như tôi nói, đánh giá vai trò, trách nhiệm thế nào thì phải chờ có kết luận cuối cùng thì mới có thể quy kết được. 

Minh Trí (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét