Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012


 

Tai nạn giao thông tăng do phân làn?


Tai nạn giao thông (TNGT) ở TP.HCM tháng 5 tăng đột biến, mà theo nhận định của thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, một trong những nguyên nhân chính là do phân làn không hợp lý.

Tai nạn tăng “chóng mặt”



“Cơ cấu xe gắn máy quá lớn nhưng lại dồn vào đi chung với xe buýt trên làn đường rất hẹp. Chúng ta xây dựng công trình giao thông đã không hợp lý mà còn o ép xe gắn máy không hợp lý nữa, thì nó là nguyên nhân gây ra tai nạn”


Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM

Trong quý 1/2012, tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) giảm 102 vụ (-39,69%), giảm 87 người chết (-39,73%), giảm 94 người bị thương (-56,97%). Thế nhưng, bước sang tháng 5.2012, TNGT lại tăng đột biến trong bối cảnh chủ trương thiết lập trật tự kỷ cương giao thông được TP thực hiện quyết liệt. Cụ thể, theo tài liệu thống kê của Công an TP.HCM, tháng 5 xảy ra 75 vụ TNGT đường bộ, tăng 14 vụ (+23%) so với cùng kỳ và tăng 19 vụ (+33,9%) so với tháng trước, làm chết 67 người, tăng 14 người (+26%) so với cùng kỳ và tăng 16 người (+31,4%) so với tháng trước; bị thương 33 người, tăng 9 người (+38%) so với cùng kỳ và tăng 12 người (+57,1%) so với tháng trước. Con số này đang gây lo lắng cho các cơ quan chức năng TP trước mục tiêu kéo giảm TNGT trong năm An toàn giao thông 2012, đặc biệt làm nảy sinh những ý kiến bức xúc về việc tổ chức điều hành, phân luồng giao thông.
Mổ xẻ nguyên nhân, thiếu tướng Phan Anh Minh “xin phép nói thật” rằng việc người dân di chuyển vào ra TP nhiều trong những ngày nghỉ liên thông nhau của tháng 5 chỉ góp phần tăng nhỏ, đồng thời nhấn mạnh TNGT trên địa bàn tăng đột biến do nguyên nhân chủ quan. “Trong vấn đề điều hành, tổ chức giao thông của chúng ta hiện nay, Công an TP thấy có mấy việc cần phải suy nghĩ. Quan điểm của Công an TP cho rằng vừa rồi chúng ta thực hiện phân làn giao thông ép xe gắn máy vào làn đường rất hẹp trên một số tuyến, đặc biệt tuyến đường chính, là chủ trương không đúng đắn. Chúng ta đã không xem xét kỹ, không khảo sát lưu lượng giao thông. Cơ cấu xe gắn máy quá lớn nhưng lại dồn vào đi chung với xe buýt trên làn đường rất hẹp. Chúng ta xây dựng công trình giao thông đã không hợp lý mà còn o ép xe gắn máy không hợp lý nữa, thì nó là nguyên nhân gây ra tai nạn”, thiếu tướng Phan Anh Minh nói.



“Phân làn giao thông không phải là nguyên nhân gây ra TNGT nhưng nó làm ùn ứ phương tiện ở một số khu vực, điển hình như tuyến Trường Chinh”


Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM

Ông Minh nói thêm: chính việc ép xe gắn máy và phân luồng không hợp lý đã dồn CSGT tập trung vào những điểm ùn tắc, kẹt xe; trong khi những đoạn đường mà người tham gia giao thông tăng tốc thì lại thiếu lực lượng điều tiết nên không ngăn ngừa được nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ngành giao thông không đồng tình
Chiều 30.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, khẳng định: “Phân làn giao thông không phải là nguyên nhân gây ra TNGT nhưng nó làm ùn ứ phương tiện ở một số khu vực, điển hình như tuyến Trường Chinh”. Xung quanh ý kiến phân làn giao thông ép xe gắn máy vào làn đường rất hẹp là chủ trương không đúng, ông Tường cho biết: “Chúng tôi đang cho tiến hành khảo sát, khi có số liệu cụ thể thì mới đánh giá, nhận xét được nguyên nhân tai nạn do việc tổ chức giao thông hay ý thức người điều khiển phương tiện? Trong cuộc họp giao ban an toàn giao thông sắp tới, UBND TP sẽ đề nghị Sở GTVT báo cáo về tính hiệu quả của việc phân làn; Công an TP báo cáo nội dung liên quan đến tình hình TNGT gia tăng, đặc biệt là xác định nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn nhiều”.
Xe máy bị ép vào 1 làn đường trên đường Trường Chinh, trong khi làn dành cho ô tô trống trơn - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, sáng 30.5, cuộc họp giao ban của Sở GTVT cũng bàn thảo ý kiến về nguyên nhân TNGT tăng đột biến của lãnh đạo Công an TP. Quan điểm của Sở GTVT là không đồng tình với nguyên nhân “ép xe gắn máy”. “Đối với đường Trường Chinh, Sở không phân luồng đoạn từ cầu Tham Lương đến Cộng Hòa mà vẫn giữ nguyên cách tổ chức giao thông từ ngày đưa tuyến đường này vào hoạt động. Đoạn đường này thời gian gần đây bị ùn tắc là do Công an TP thực hiện nghiêm việc yêu cầu phương tiện đi đúng làn đường như đã quy định từ trước đó. Song những người thực hiện hơi bị cứng nhắc. Bởi lẽ, theo luật quy định về trách nhiệm của CSGT, khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về đảm bảo an ninh, trật tự, thì CSGT được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe”, một cán bộ Sở GTVT nói.
Vị cán bộ này cho biết thêm, diện tích dành cho giao thông hiện chỉ đạt 4,8% so với chuẩn là phải từ 22-24%, đặc biệt là diện tích mặt đường tăng không đáng kể so với tốc độ gia tăng phương tiện. Tổng số phương tiện đang quản lý gần 6 triệu xe, trong đó hơn 5,1 triệu xe mô tô. Riêng quý 1/2012 có thêm 155.193 xe mô tô đăng ký mới.
Hạ tầng giao thông bất hợp lý
Việc phân làn giao thông trên đường Trường Chinh (từ giao lộ cầu Tham Lương đến giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa) đang có một bất hợp lý: hành khách đi xe buýt phải đi bộ băng qua làn đường dành cho xe gắn máy, đứng ngay trên con lươn (giữa làn xe gắn máy và ô tô) để đón xe buýt. Cảnh tượng hành khách băng qua làn đường dành cho xe gắn máy cực kỳ nguy hiểm bởi lưu lượng xe rất đông, dễ gây ra TNGT. Ngoài ra, một cán bộ của Công an Q.Tân Bình bức xúc: “Không thể ép xe gắn máy vào làn đường chật chội như vậy. Cơ quan chức năng quá máy móc. Nên điều chỉnh cho xe gắn máy chạy vào làn đường ô tô vào giờ cao điểm bởi thời điểm này xe tải chưa được phép lưu thông vào thành phố nên phần đường này trống”.
Ngoài ra, theo phản ánh của một số CSGT, hiện nay một số tuyến đường hẹp nhưng cơ quan quản lý lại lấy bớt phần đường dành cho xe gắn máy, cho xe ô tô chạy chung, khiến dễ gây tai nạn. Nghiêm trọng hơn, nhiều công trình giao thông được xây dựng nhưng không tính toán đến việc đảm bảo an toàn giao thông nên thường hay xảy ra ùn tắc và TNGT. Cụ thể như cầu vượt Cát Lái (Q.2), cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.8 - Q.1), cầu vượt Thủ Thiêm (Q.Bình Thạnh), đoạn đường vừa qua cầu Bà Chiêm dẫn vào vòng xoay Nguyễn Văn Tạo (H.Nhà Bè)... Nguy hiểm nhất là cầu vượt Cát Lái, kể từ khi đưa vào hoạt động, rất nhiều xe container đâm vào lan can cầu vượt, suýt rơi xuống xa lộ Hà Nội do độ dốc cầu vượt vừa cao vừa có cua quá gắt; tài xế phải tăng ga để lên dốc nhưng vừa leo lên dốc thì gặp một cua quẹo khá gắt khiến tài xế không làm chủ tốc độ đâm vào lan can...
Đàm Huy
 Đình Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét