14:20
Mịt mờ kho vàng
4.000 tấn
Dù đến ngày
1.7 sẽ kết thúc thời hạn cho phép thăm dò, tìm kiếm 4.000 tấn vàng ở núi Tàu
(Bình Thuận), nhưng đến nay đường vào cửa kho báu vẫn... kín mít.
Mới đây, PV Báo Thanh Niên trở lại khu vực núi Tàu (thuộc
xã Phước Thể, H.Tuy Phong, Bình Thuận) để tìm hiểu việc thăm dò, tìm kiếm kho
vàng. Anh Trần Phương Hồng (con trai của cụ Trần Văn Tiệp) cho biết, theo
khảo sát thì tính chất địa lý ở núi Tàu khá phức tạp, cộng với địa hình hiểm
trở càng gây khó khăn cho việc thăm dò.
Bộ xương người bí mật?
Theo chân anh Hồng lên núi Tàu, PV Thanh Niên
cũng không xác định được đâu là “cửa hang” và đâu là “dãy hẹp dị thường” (như
kết luận của 2 công ty mà cụ Tiệp đã thuê khảo sát công bố vào cuối năm 2011
- PV), vì trước mặt là hàng trăm khối đất đá được san bằng phẳng, rộng
mênh mông. Anh Hồng vừa lật bản đồ, huơ tay chỉ người lái máy múc đất, ngoạm
sâu từng tảng đá to trên núi và nói chỗ này là “cửa hang”, chỗ kia là “dãy
hẹp dị thường”. Dù chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi về "cửa hang" kho
vàng chứa 4.000 tấn, cũng như cụ Tiệp, anh Hồng ra vẻ bí mật: "Có nhiều
thông tin không thể cung cấp cho nhà báo được”.
Trở lại núi Tàu lần này, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về
"bộ xương người" được đồn thổi, phát hiện trong quá trình tiếp cận
"cửa hang". Trong một lần trao đổi với PV Thanh Niên tại
nhà riêng, cụ Trần Văn Tiệp (97 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể các cộng sự
của cụ mới đây phát hiện một cái hang có chứa một bộ xương người đã mục nát
ngay tại vị trí mà cụ nhiều năm nay theo dõi. Nơi đây cụ Tiệp cho rằng chính
là cửa hầm vào bên trong kho vàng, được chôn giấu từ trước năm 1945 mà người
Nhật để lại trên núi Tàu. Ngay sau khi nhận được tin của các cộng sự, cụ
Tiệp, dù đã rất cao tuổi nhưng vẫn theo chân con trai leo lên xe Jeep chạy
thẳng lên sườn đông của ngọn núi.
Cụ Tiệp khẳng định: "Đây chính là những người đã nằm
lại khi đến núi Tàu trinh thám kho vàng". Từ đây, cụ Tiệp càng “vững
tin” đã có người đến trước mình. Nhưng bộ xương này của người Việt hay người
Nhật thì vẫn còn là điều bí ẩn. Cũng như cụ Tiệp, anh Hồng cũng từ chối cung
cấp thông tin hay hình ảnh về “bộ xương lạ” phát hiện được tại khu vực tìm
kiếm kho vàng. Ngay cả Tổ giám sát quá trình đào kho vàng của cụ Tiệp, do Sở
VH-TT-DL Bình Thuận chủ trì, cũng khẳng định: "Chưa từng nghe thông tin
gì về bộ xương người này".
Một điều khó hiểu khác, đó là việc cụ Tiệp nhiều lần khẳng
định đã xác định vị trí kho vàng 4.000 tấn... Thế nhưng, thực tế đến nay,
việc tìm kiếm vẫn loay hoay suốt mấy tháng trời mà vẫn không vào được “cửa
hang”.
Dãy dị thường vẫn... bất thường
Năm 2010, cụ Trần Văn Tiệp đã hợp đồng với Công ty thiết
bị địa vật lý Hà Nội để thăm dò kho vàng 4.000 tấn. Công ty này cho rằng qua
phân tích bởi máy từ trường MP-21T thì phát hiện có một “dãy hẹp dị thường”
có bề ngang 5 m, dài 100 m. Dãy hẹp này có thể là khối quặng kim loại tự
nhiên, hay nhân tạo, thành từng khối rất lớn trong lòng đất. Với sự phát hiện
này, cụ Tiệp càng tin tưởng bên trong đang cất giấu kho vàng 4.000 tấn.
Để có thêm cơ sở, mới đây cụ Tiệp lại hợp đồng với Công ty
CP nghiên cứu môi trường - tia đất bảo vệ sức khỏe (có trụ sở ở Q.Cầu Giấy,
Hà Nội) nghiên cứu thăm dò khu vực “dãy dị hẹp” này. Kết quả của công ty này
đưa ra (do TS Vũ Văn Bằng ký) cho biết đây là kết quả dựa trên phương pháp
phân tích địa bức xạ. Có “dãy dị hẹp” nhưng chỉ rộng chừng 3 m, dài khoảng 36
m, chiều sâu từ 8-15 m có “khoáng sản có ích”. Dù phát hiện khoáng sản có ích
(tức chưa rõ khoáng sản gì) nhưng kết luận nói là “nguồn gốc của thân quặng
hoàn toàn do nhân tạo”. Điều này không có gì “lạ” với các phán đoán của cụ
Tiệp trước đó.
Theo phương án thăm dò kho vàng núi Tàu đã được cụ Tiệp và
các cộng sự trình UBND tỉnh Bình Thuận thì 2 công ty đứng ra ký kết hợp đồng
với cụ Tiệp là Công ty Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) và Công ty CP xây dựng thương
mại Thanh Sơn (TP.HCM) với kinh phí lên đến hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua 2
lần cùng anh Hồng lên núi Tàu khảo sát, chúng tôi chỉ thấy một chiếc máy và
một vài công nhân làm việc. Anh Hồng cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho
kế hoạch và cũng tránh gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường, nên người chỉ huy
(là ông Hoàng Văn Sáu) quyết định chủ yếu làm vào ban đêm".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc
Hạnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận (người được UBND tỉnh Bình Thuận
giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ giám sát việc thăm dò của cụ Tiệp ở núi Tàu) cho biết
mỗi tuần, tổ công tác đều ra núi Tàu kiểm tra tiến độ báo cáo UBND tỉnh. Tuy
nhiên, ông Hạnh cho biết “vẫn chưa thấy gì” dù một vạt núi Tàu đã bị đào xới
bung lên. “Theo công văn của tỉnh thì đến ngày 1.7.2012, mọi hoạt động thăm
dò của cụ Tiệp đều phải chấm dứt. Nhưng cụ Tiệp lại muốn gia hạn thêm. Chúng
tôi sẽ có báo cáo chi tiết gửi tỉnh và trong đó sẽ có kiến nghị là có nên
tiếp tục cho cụ Tiệp thăm dò nữa hay không” - ông Hạnh nói.
Bản cam kết viết tay
Vào ngày 18.2, giữa cụ Trần Văn Tiệp và ông Hoàng Văn Sáu
lập một biên bản làm việc và cam kết (thể hiện viết tại một trụ sở quân đội
đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Q.Tân Bình, TP.HCM). Trong biên bản có đoạn
rất tâm linh "đã báo cáo thần linh thổ địa gia tiên điền tổ và các vị
thần giữ của tại núi Tàu", cụ Tiệp đồng ý bàn giao mọi công việc cho ông
Sáu. Ông Sáu có trách nhiệm đề nghị Bộ Quốc phòng “ghi danh và tặng thưởng
cho cụ Trần Văn Tiệp”. Ngược lại, cụ Tiệp cung cấp hết các hồ sơ chứng cứ
liên quan cho ông Sáu để trình cơ quan chức năng xem xét. Cụ Tiệp hứa nếu tìm
được vàng sẽ lấy phần thưởng của mình sử dụng vào mục đích quốc phòng chứ
không sử dụng cho cá nhân.
Theo anh Hồng, người chỉ huy trực tiếp cuộc thăm dò lần
này chính là ông Sáu. Tuy nhiên suốt quá trình theo dõi, PV Thanh Niên
cũng chưa hề được gặp mặt ông Sáu. Ngày 25.5, trao đổi qua điện thoại với PV Thanh
Niên, ông Sáu chỉ nói: “Vẫn đang trong quá trình thăm dò. Không thể tiết
lộ thông tin cho nhà báo. Báo chí có hỏi gì cứ đến UBND tỉnh Bình Thuận”.
(TNO) Quế Hà
|
Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét