Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012


14:32
Ồ ạt hạ lãi suất

TP - Bước sang ngày thứ ba (30-5) quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống 11% của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, không giục mà cùng, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất vay.
Ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất.  Ảnh: Hồng Vĩnh.
LienVietPostBank ra thông báo khẳng định mức lãi suất cho vay tối thiểu 13,5%/năm áp dụng ngay đối với khách hàng DN nhỏ và vừa và có quan hệ tín dụng lần đầu tiên với NH.
Tổng gói hạn mức cho vay ưu đãi là 500 tỷ đồng. Với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay với mục đích tiêu dùng như mua nhà, mua xe… có nguồn trả nợ ổn định đều đặn từ lương và các thu nhập khác sẽ được hưởng lãi suất cho vay tối thiểu là 14%/năm trong 06 tháng đầu.
Ngân hàng Á Châu (ACB) công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay vốn để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, mua bất động sản với lãi suất cho vay thấp nhất là 15,5%/năm (tùy theo thời hạn, số tiền vay và sản phẩm tín dụng).
Tổng gói hạn mức tín dụng ACB dành cho đợt này lên đến 7.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và hộ gia đình. Đây là lần thứ 4 trong năm ACB giảm lãi suất cho vay.
Cùng ngày, Tổng giám đốc một ngân hàng phía Nam cho Tiền Phong hay ông vừa ký quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng mức 14%/năm trước đó xuống còn ở mức 13,5%/năm.
Phân tích của vị CEO: lý do sớm hạ lần này là bởi cầu ít, cung nhiều. “Mấy ngày nay, huy động tiền gửi dân cư tăng đều. Với lãi suất trần 11%/năm vẫn rất nhiều người mang tiền đến gửi kỳ hạn dài từ 3-6 tháng.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh. Một kênh để các ngân hàng đầu tư tiền là thị trường trái phiếu thì quá đông các ngân hàng “xúm” vào”.
Chính vì thế, chúng tôi xác định cách tốt nhất là phải hạ xuống thấp để doanh nghiệp hấp thụ được. Có khả năng sang tháng nếu lãi suất điều hành tiếp tục giảm, chúng tôi sẽ hạ tiếp”- Vị này khẳng định.
Trước đó, các ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần chi phối như: Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank đã tiến hành điều chỉnh giảm. Tuần gần đây nhất, theo thống kê của NHNN: lãi suất liên ngân hàng thấp hơn dưới mức trần cho vay 14% một năm.
Kỳ hạn ngắn, lãi suất có xu hướng lùi dần về mốc 1%. Mức công bố của Ngân hàng Nhà nước trong báo cáo hoạt động tuần thấp nhất là 3,4% (1 tuần), cao nhất 13% (12 tháng)...
Giảm để tự cứu mình
Trong những lần trước đây, lần nào lý giải thay cho thực tế “giảm đầu vào nhanh, đầu ra nhỏ giọt”, đại diện các ngân hàng cũng than cần độ trễ để hấp thụ hết luồng vốn giá cao đã trót huy động trước đó.
Vậy vì sao có lần giảm nhanh này. Chẳng lẽ các ngân hàng chấp nhận thiệt? Chia sẻ, Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho hay: đúng là tại thời điểm này, ngân hàng không có cách nào khác nếu muốn tự cứu mình.
Theo ông, bấy lâu nay người ta chỉ quen nghe và nhìn thấy hình ảnh “hàng tồn kho” của DN mà không hình dung “tồn kho tiền” của ngân hàng cũng nguy hại thế nào.
Ông than: “Tiền huy động về hàng ngày vẫn phải trả lãi trong khi cứ để đấy thì lấy đâu bù đắp chi phí lãi, chưa kể hàng “đống” chi phí khác như trả lương nhân viên, thuê địa điểm...”.
Hạ lãi suất 1% các ngân hàng sẽ ảnh hưởng thế nào, lãnh đạo một ngân hàng tính toán: “Chỉ cần giảm 1% lãi suất cho vay, tiếp tục chia cho tổng dư nợ, nhân với 12 tháng dù chỉ là những món vay mới thôi thì đã mất đi một khoản kha khá rồi”.
Theo ông này với phần chênh hơn 2% lần này (huy động 11%, cho vay 13,5% ) nói chung “dư địa” để ngân hàng trang trải cho tổng chi phí sẽ eo hẹp đi rất nhiều, chứ đừng nói là lợi nhuận.
Thực tế cho thấy: DN gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân khách quan là do không vay được vốn, nhưng chủ quan là sức cạnh tranh của DN còn yếu, nợ nần rất lớn.
Đề xuất từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là tiếp tục xử lý nợ xấu, trong cả hệ thống DN và ngân hàng. Tại diễn đàn VBF 2012 ngày 29-5, đại diện NHNN khẳng định cơ quan này đang đẩy nhanh thực hiện công tác xử lý lại nợ giữa các ngân hàng, giãn đảo nợ cho những DN có tiềm năng kinh doanh tốt.

Nên tính lãi suất theo lạm phát cơ bản
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ nhận xét: tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay suy giảm kinh tế đã rõ nét.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến DN phá sản hàng loạt từ đầu năm đến nay chính là do họ phải trả chi phí cho lãi suất cao suốt một thời gian dài. Tuy nhiên về bản chất thực ra đó là phản ứng phụ khi điều trị căn bệnh bất ổn của nền kinh tế vỹ mô kéo dài.
TS Ngân phân tích: Bấy lâu nay lãi suất điều hành cứ đi theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là không đúng. Đáng lẽ, phải điều hành theo lạm phát cơ bản thì mới đảm bảo được tính ổn định của lãi suất, giúp ngân hàng và doanh nghiệp hơn.
Ông cũng thừa nhận, với chính sách tiền tệ thắt chặt, NHNN đang làm khá tốt điều hành. Vấn đề thanh khoản được giải quyết, tỷ giá ổn định, kiểm soát nhập siêu, cán cân thặng dư thanh toán quốc tế ổn định. Việc ngân hàng tới đây giảm tiếp lãi suất theo TS Ngân là hoàn toàn có thể.
  
(TPO) Khánh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét