13:55
Bỏ phiếu tín nhiệm
phải xuất phát từ uy tín chính trị của chính khách
SGTT.VN - Trong phiên thảo luận tổ ngày 28.5, Quốc hội đã
thảo luận về đề án đổi mới hoạt động Quốc hội. Điểm đáng chú ý nhất trong đề
án này là yêu cầu hoàn thiện cơ chế để các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thể đề
xuất bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm một cách thuận lợi hơn.
Hiện nay, mặc dù Quốc hội có thẩm quyền phê duyệt, bổ nhiệm nhiều
chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, nhưng nói như ĐBQH Trương Trọng
Nghĩa (TP.HCM): “Thực tế hiện nay, Quốc hội không có toàn quyền quyết định về
nhân sự cao cấp, còn việc bỏ phiếu tín nhiệm thì chưa có cơ chế cụ thể”. Ngày
29.5, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi và ghi nhận ý kiến của một
số đại biểu và nguyên đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Nhiều ĐBQH và chuyên gia cho rằng, nếu bỏ phiếu tín nhiệm, thì
phải xuất phát từ uy tín chính trị của chính khách; chọn những người đang
chịu trách nhiệm với những vấn đề đời sống đang bức xúc nhất, chứ không nên
lấy phiếu tín nhiệm định kỳ như là một thủ tục hành chính.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Chọn người chịu trách nhiệm vấn đề đời
sống đang bức xúc nhất
Bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề cũ nhưng chưa được thực hiện ở ta
nên rất mới, nếu làm thì phải làm từ thấp đến cao. Về tiêu chí lựa chọn đại
biểu để lấy phiếu tín nhiệm, phải là những đại biểu nào có vấn đề do thực
tiễn đời sống đặt ra, như giao thông ùn tắc quá, giá cả lên quá thì mình đưa
ra thảo luận, trên cơ sở thảo luận của Quốc hội thì biểu quyết xem nên lấy
phiếu tín nhiệm của những ai chứ không thể nào lấy phiếu với tất cả.
Trên thế giới tôi chưa thấy nước nào đi lấy phiếu tín nhiệm một
cách đại trà. Phải đi từng bước, bắt đầu bỏ phiếu với những người cá biệt,
những người chịu trách nhiệm các vấn đề đời sống đang bức xúc nhất. Chọn ra
được một người đã khó, truất đi mà dễ quá thì không nên. Mặt khác, anh phải
xem xét ở cả hai chiều, tức cả mặt hạn chế của đối tượng ấy lẫn “chất lượng”
của ĐBQH (người bỏ phiếu tín nhiệm) xem có trung thực không, có dám thể hiện
mình không.
Nếu lấy phiếu, tôi nghĩ trước tiên chưa công khai mà coi đó như
dự lệnh cảnh báo với người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ có ý thức làm
tốt hơn chứ lấy phiếu không phải chỉ vì mục đích “chặt chém”; rồi năm sau nữa
mới công khai nếu anh tiếp tục làm không tốt. Trong quá trình đó cũng cần để
cho người bị lấy phiếu tín nhiệm giải trình, vì các ĐBQH, như cá nhân tôi,
đôi khi cũng cảm tính, chưa kể còn nể nang, thiên vị và có cả… thù vặt cá
nhân nên chưa đảm bảo sự chính xác 100% cho lá phiếu của mình.
Nguyên bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: Phải xuất phát từ uy
tín chính trị của chính khách
Bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động có tính chất chính trị vì nói lên
độ tín nhiệm đối với một con người – chính khách hoặc người được cử ra của
một tổ chức. Người đưa vào diện ấy không chỉ có tính thủ tục pháp lý mà còn
được tin cậy về mặt chính trị.
Người được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm không đơn thuần là nội bộ
đoàn đại biểu nào đó có thông tin mà đã có thông tin rộng rãi trong dư luận,
trên cơ sở đó từng đoàn, Quốc hội phán xét độ tín nhiệm về chính trị – lòng
tin của người dân đối với chính khách ấy, tức là phải xuất phát từ uy tín
chính trị của chính khách ấy. Như trường hợp đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến vừa
qua, chính vì sự bức xúc của cử tri với uy tín chính trị của chính khách, thể
hiện qua công luận, mới dẫn đến việc Quốc hội phải xem xét lại tư cách đại
biểu.
Vừa rồi Quốc hội có thảo luận về việc bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu
một năm/lần với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tôi cho rằng bỏ
phiếu tín nhiệm là cần thiết nhưng định kỳ như thế thì hơi nặng và cũng hơi
khó cho đại biểu bỏ phiếu. Nói ví dụ như với chức danh Thủ tướng hay bộ
trưởng mà cứ định kỳ bỏ phiếu một năm/lần thì hơi khó vì Thủ tướng mới, bộ
trưởng mới, năm đầu còn chuẩn bị đề án, kế hoạch, “chạy đà” cho cả nhiệm kỳ,
thậm chí thời gian đó ngay trong Chính phủ còn “chưa biết hết nhau” thì làm
sao hiểu và bỏ phiếu chính xác được. Hơn nữa bỏ phiếu theo định kỳ một
năm/lần liệu có cần thiết không, vì có khi bỏ nhiều quá đâm nhàm chán, người
bỏ phiếu dễ rơi vào tâm trạng: “Ôi, thủ tục thì cứ làm cho xong thôi”.
Tất nhiên, khi có sự kiện, vấn đề thách thức uy tín chính trị của
người được bỏ phiếu tín nhiệm thì thậm chí bỏ phiếu tín nhiệm một năm hai, ba
lần cũng không phải là nhiều. Bỏ phiếu là sự kiện mang tính chính trị, làm
nhiều quá để biến thành tính chất hành chính, thủ tục, làm cho xong thì không
nên và không đúng bản chất.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo, viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp:
Không nên nặng tính định kỳ, thủ tục hành chính
Ngay khi Thường vụ Quốc hội thảo luận cũng đã có hai luồng ý
kiến, là định kỳ hàng năm hay hai năm. Phần đông ý kiến đại biểu đều muốn sau
hai năm (hai lần) liên tục lấy phiếu tín nhiệm mà không đạt thì mới bị bãi
nhiệm.
Theo tôi, đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề chính trị, phải
cân nhắc chứ không mang nặng tính hành chính, định kỳ. Tôi nói không nên quá
chú trọng tính định kỳ là bởi: ví dụ tại thời điểm bỏ phiếu, cử tri hoặc ĐBQH
bức xúc về một vấn đề cụ thể mới nhất nhưng trước đó, người bị đề nghị lấy
phiếu tín nhiệm lại làm tốt thì sao? Đôi khi sự bức xúc với cái chưa tốt hiện
tại sẽ lấn át và những điều tốt trước đó có khi không được đánh giá kịp thời,
đúng mức. Chính vì thế mà có nước khi lấy phiếu tín nhiệm họ thường cân nhắc,
có loại làm sao để thực hiện đơn giản nhưng có loại quy định khắt khe để thận
trọng, đảm bảo tính chính xác. Cũng có nước quy trình bỏ phiếu tín nhiệm
nhiều khi còn nhanh chóng, cấp tập hơn quy trình định kỳ bình thường, ví dụ
như Nhật Bản, một nhiệm kỳ có khi thay đổi bốn lần Thủ tướng. Đấy là vấn đề chính
trị nên không thể để kéo dài được.
Tất nhiên nước Nhật thì gắn với văn hoá từ chức, và nhiều khi
nghị viện chỉ như là cơ quan làm thủ tục chấp nhận, chuẩn y từ chức nên nó
đơn giản hơn bỏ thiếu tín nhiệm theo cách hiểu thông thường. Dẫu vậy, nếu
thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm thì phải kết hợp, lựa chọn vì điều này với chúng
ta là chưa có tiền lệ, ta không thể rập khuôn theo ai cả.
Hơn nữa, điều kiện các nước đa đảng, nhiều khi vai trò người đứng
đầu là đại diện cho một đảng, nên chịu áp lực của các đảng khác, còn ở ta,
lựa chọn cán bộ là công việc của Đảng trên các tiêu chí cần là đạo đức và
năng lực chuyên môn, cộng với điều kiện đủ là năng lực thực tiễn. Có thể anh
ở cương vị cũ làm tốt nhưng vào vị trí mới không đáp ứng được, một thời gian
ngắn đã bộc lộ ra, trong trường hợp này cần đánh giá để miễn nhiệm vì mục
tiêu chung, để không kìm hãm sự phát triển.
|
Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét