Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012


09:02
Doanh nghiệp đình đốn, đời sống người dân khó khăn:
Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi gần 500 đồng/lít xăng


Hiện cách tính giá xăng dầu và lỗ lãi bao nhiêu cũng không được các doanh nghiệp công khai.
 Ảnh minh hoạ: Internet.

Hầu hết doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều cho biết đang có lãi khoảng vài trăm đồng mỗi lít xăng. Bản thân Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng thừa nhận thời điểm tăng giá xăng dầu (ngày 20/4), các doanh nghiệp đã không còn bị lỗ.
Khi Việt Nam tăng giá xăng dầu bán lẻ cũng là lúc giá xăng dầu thế giới bắt đầu đà giảm liên tục. Nhiều nước trên thế giới cũng nhanh chóng điều chỉnh giảm giá bán lẻ mặt hàng này. Đây không phải lần đầu tiên giá xăng dầu trong nước lạc điệu so với thị trường thế giới và các quốc gia trong khu vực.

Lãi gần 500 đồng/lít xăng
Ngày 20/4, giá bán lẻ xăng A92 tại Việt Nam tăng 900 đồng/lít, lên mức cao nhất 23.800 đồng một lít. Các loại nhiên liệu khác cũng leo thang lên mức kỷ lục từ trước tới nay, với mức tăng 400 - 600 đồng. Quyết định này được Liên bộ Tài chính - Công Thương đưa ra sau hàng loạt đơn đề nghị xem xét giá của các doanh nghiệp và thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá nhập thành phẩm tăng cao.
Tuy nhiên, cũng tại thời điểm đó, giá dầu thô giao theo các hợp đồng tương lai vừa trải qua một thời gian ổn định và giảm nhẹ, do căng thẳng giữa Iran và phương Tây phần nào dịu bớt. Tại thời điểm Việt Nam tăng giá xăng, dầu thô đã giảm giá xuống dưới 103 USD một thùng sau khi lên tới gần 130 USD một thùng vào đầu tháng 3.

Tại thị trường nhập khẩu chính của Việt NamSingapore, giá xăng dầu thành phẩm tháng 4 cũng giảm 2 – 3% so với tháng 3. Vậy tại sao trong lúc giá xăng tại các thị trường đều giảm thì tại Việt Nam lại tăng? Hiện các doanh nghiệp xăng dầu đã có lãi chưa, và giá xăng dầu thế giới cần giảm hoặc đứng giá bao nhiêu phiên nữa thì giá bán lẻ trong nước mới được giảm?
Theo một lãnh đạo của Công ty dầu khí TP HCM (Saigon Petro), nếu tính theo giá xăng dầu nhập khẩu mới thì so với giá bán lẻ hiện tại ở Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối đang lãi hơn 300 - 500 đồng mỗi lít xăng. Còn nếu tính trung bình nửa tháng qua, các doanh nghiệp mới chỉ hòa vốn.
Hầu hết các doanh nghiệp đầu mối vài ngày nhập xăng dầu thành phẩm về 1 lần. Tại Saigon Petro, cứ 2 đến 3 ngày, doanh nghiệp lại nhập khẩu hàng mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu mối buộc phải tuần thủ quy định luôn duy trì lượng hàng tồn kho nhất định. Lượng hàng tồn kho đối với sản phẩm xăng A92 và A95 của Saigon Petro thông thường là 40.000 m3 tấn. Vì thế, không thể lấy giá của lô hàng nhập khẩu mới nhất để tính giá bán lẻ cơ sở.
Đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Năm, cho hay, sau khi điều chỉnh giá vào ngày 20/4, so sánh giữa giá cơ sở và giá bán lẻ thì kinh doanh xăng dầu đã có lãi. Mức độ lãi tùy thuộc vào từng mặt hàng. Đối với xăng, mức lãi khoảng vài trăm đồng mỗi lít. Nhưng đây là cách tính nếu lấy chi phí định mức cũ là 600 đồng mỗi lít, còn tính thực tế thì mức lãi mặt hàng xăng không đáng kể, bởi chi phí kinh doanh thực tế lên tới gần 900 đồng/lít.
Một số đơn vị kinh doanh xăng dầu khác cũng thừa nhận bắt đầu có lãi, nhưng luôn biện hộ bằng lý do gánh nặng từ khoản lỗ trước đó vẫn còn rất lớn.
Đai diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa cũng thừa nhận tại thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu hôm 20/4, các doanh nghiệp đầu mối không còn bị lỗ. Trước thời điểm Bộ Tài chính cho phép tăng giá xăng dầu 1 tuần thì giá các hợp đồng dầu thô giao tương lai trên thế giới đều giảm. Do vậy, tại thời điểm điều chỉnh giá doanh nghiệp có thể hòa vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ký giao dịch theo hợp đồng giao ngay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng chủ yếu chốt với đối tác về lượng, còn về giá thì ít “dám” mà chờ đến lúc giao dịch mới tính toán với nhau. Hơn nữa, việc điều chỉnh giá hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định 84, tức là tính bình quân 30 ngày, do đó không căn cứ giá tính trong riêng 1 tuần hay 10 ngày. Vì vậy, giá xăng dầu vẫn phải điều chỉnh tăng.
Xăng dầu lạc nhịp 1 chiều

Theo vị lãnh đạo của Saigon Petro, Nhà nước không nên điều hành giá xăng theo kiểu lấy lãi bù lỗ, mà cần để cho giá xăng chạy theo cơ chế thị trường. Khi giá thế giới tăng thì để cho giá bán lẻ trong nước tăng luôn và ngược lại, khi giá quốc tế giảm nên điều chỉnh giá xăng dầu giảm tương ứng. Còn việc kiềm chế giá thì nên dùng các phương án khác như thuế, phí, quỹ bình ổn… Vị này đưa ví dụ, tại thị trường Singapore, chỉ cần giá thế giới lên xuống 4 cent, giá bán lẻ đã được điều chỉnh theo ngay.
Thực tế, văn bản đề nghị xem xét giá bán lẻ đã được Saigon Petro và một số đơn vị khác gửi tới Bộ Tài chính từ đầu tháng 4, khi giá thế giới tăng liên tục. Tuy nhiên, đến ngày 20/4, quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước mới chính thức được đưa ra. Khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã bắt đầu giảm. “Việc điều chỉnh giá do vậy chậm hơn thế giới nên khiến dư luận hiểu không chính xác, nhiều ý kiến không đồng tình”, vị này nói.
Nhiều người thắc mắc, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường thì sao không mạnh dạn để cho các doanh nghiệp tự làm, tự quyết định giá, tự cạnh tranh và tự chịu? Một số doanh nghiệp đầu mối cũng mong muốn được điều chỉnh giá bán lẻ trong nước theo biến động hiện tại của giá thế giới.
Hiện cách tính giá xăng dầu và lỗ lãi bao nhiêu cũng không được các doanh nghiệp công khai. Trước đây, trên website của Petrolimex có đưa ra bảng tính cụ thể, nhưng bây giờ họ cũng không công khai thông tin này. Thậm chí, trong những bản tin thị trường định kỳ của Petrolimex, khi nêu giá xăng các nước trong khu vực cho người tiêu dùng tiện so sánh, doanh nghiệp này cũng chỉ đưa ra bảng giá tại những nước có giá xăng bán lẻ cao hơn. Còn tại các nước giá thấp hơn, doanh nghiệp không nêu ra. Như xăng A95 ở Malaysia hiện chỉ ở mức 1,9 Ringgit, tương đương 12.890 đồng/lít.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã giảm giá xăng ngay khi giá dầu thô thế giới giảm. Có quốc gia trong vòng hơn 1 tuần qua đã điều chỉnh giảm giá xăng dầu tới 2 lần như Philippines. Đợt giảm giá thứ nhất là hôm 15/4, trước khi Việt Nam tăng giá xăng tới 5 ngày.
Người tiêu dùng trong nước khi biết những thông tin này thì không khỏi chạnh lòng và mất niềm tin. Vì sao giá thế giới giảm, các nước giảm giá bán lẻ ngay, còn Việt Nam thì không? Vì sao các nước làm được, Việt Nam lại không làm được? Có phải chỉ do thời gian theo dõi và đối soát giá kéo dài (theo Nghị định 84), do sự chậm chân của doanh nghiệp trên sân chơi hàng hóa quốc tế hay còn nguyên nhân nào khác? Giá xăng dầu tại Việt Nam luôn lạc nhịp so với giá thế giới, nhưng thật buồn thay sự lạc nhịp này chỉ là 1 chiều, khi giá thế giới và các nước giảm, Việt Nam lại bất ngờ tăng, trong khi đó hầu như chưa có lúc nào giá thế giới và các nước tăng mà Việt Nam lại điều chỉnh giảm.
Theo ĐV (Tựa đề của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét