14:34 Một ngộ nhận (Petrotimes) - Trong những lần đi nói chuyện về âm nhạc phục vụ nhiều đối tượng công chúng, tôi thường xuyên được tiếp xúc với các bạn trẻ, trong đó có nhiều trí thức... Một lần đến một trường đại học nọ, các bạn sinh viên hỏi tôi: - Chúng em nghe nhiều bài hát của anh nhưng không thấy anh sáng tác nhạc trẻ? Lần khác tiếp xúc với các bạn tại một viện nghiên cứu, tôi cũng nghe một câu hỏi tương tự: - Anh sáng tác nhiều, sao không viết nhạc trẻ? Tôi bỗng phải chú ý dến hai tiếng nhạc trẻ họ dùng. Tôi hỏi: - Thế các bạn đã biết và có chút cảm tình với những bài nào của tôi? Họ trả lời ngay: - Chúng em thích một số bài: Trên dòng sông Lai hạ, Chiều nắng, Về bên sông Cầu, Về Hà Tiên. Tôi nói: - Đó là những bài tình ca dành cho tuổi trẻ, cho các bạn đang yêu đấy. Các bạn không nghĩ đó là nhạc trẻ sao? Họ trả lời: - Chúng em không nghĩ những bài đó là nhạc trẻ. - Thế theo ý các bạn, những bài hát nào là nhạc trẻ và nhạc sĩ nào các bạn coi là nhạc sĩ của nhạc trẻ? - Các bài nhạc trẻ phần lớn ra đời trong thành phố Hồ Chí Minh và các nhạc sĩ như Trần Tiến, Thanh Tùng và nhiều nhạc sĩ trẻ khác là những người chuyên sáng tác nhạc trẻ. - Còn ở ngoài Bắc? - Ít hơn, hầu như không có nhạc sĩ nào chuyên sáng tác nhạc trẻ. Một bạn bên cạnh nói chen vào: - Cũng có, ví như bài Lời của gió chẳng hạn. Tôi nói với họ: - Vậy là các bạn tỏ ra thích các nhạc sĩ Trần Tiến, Thanh Tùng. Đúng. Các tác giả đó đều rất đáng để các bạn trẻ hâm mộ. Nhưng các bạn có biết bài Những đôi mắt mang hình viên đạn của Trần Tiến không? Đó có là nhạc trẻ theo quan niệm của các bạn không? - Chúng em có biết, nhưng bài này không phải nhạc trẻ. - Vì sao? - Vì nó có vẻ gân guốc , nặng nề quá. Cảm thấy đối tượng công chúng của tôi nói nhiều điều rất đáng chú ý, tôi tiếp tục câu chuyện: - Các bạn có thích những bài hát của Văn Cao sáng tác ngày xưa không? Ví như Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ chẳng hạn. - Chúng em rất thích, đặc biệt là Thiên thai. - Vậy bài đó có phải nhạc trẻ không? - Không, chúng em nghĩ đó là nhạc tiền chiến. - Các bạn nghe Thiên thai qua diễn xuất của ai, ở đâu? - Chúng em nghe các ca sĩ Hà Nội trình diễn trên các sân khấu hoặc ti vi. Tôi lấy ra một cuốn băng cassette do chính tay tôi in được từ một chương trình ca nhạc hải ngoại phát trên một đài nước ngoài, trong đó có bài Thiên thai do một ca sĩ “di tản” hát với phần phối khí theo phong cách nhạc nhẹ (extrade). Ca sĩ hát rất nhẹ, du dương, thỉnh thoảng có những tiếng nấc, nhiều chỗ theo tiết tấu nhảy. Tôi bật băng cho các bạn trẻ nghe. Họ tỏ ra thích thú, nhiều bạn khen hay, xuýt xoa. Nghe xong tôi nói: - Đó. Các bạn chắc là thấy họ hát khác hẳn các ca sĩ bên mình. Vậy bây giờ các bạn có nghĩ bài hát này là nhạc trẻ? - Vâng. Như thế này thì là nhạc trẻ, chứ hát như các ca sĩ ở Hà Nội thì không phải. Vậy đó. Một tác phẩm ca khúc mà mỗi lúc các bạn trẻ lại xếp loại nó một khác. Và cái danh từ nhạc trẻ họ dùng có nghĩa là gì vậy? Sao lại có những khái niệm về âm nhạc như họ đang suy nghĩ? Điều đó phải chăng là tự họ hay từ một thực tế nào dẫn tới ? Để hiểu rõ vấn đề hơn, tôi hỏi thêm: - Theo các bạn, nhạc trẻ và nhạc nhẹ có là một không, hoặc có gì khác nhau? Nếu có khác thì ở điểm nào? Các bạn có vẻ suy nghĩ trước câu hỏi này của tôi. Họ không trả lời ngay mà tỏ ra đắn đo: - Chúng em nghĩ 2 loại nhạc đó gần nhau. Có bạn nói: - Giống nhau ạ. Có lẽ có 2 cách gọi Một bạn khác nói: - Có điểm khác nhau nhưng không đáng kể. Tôi hỏi: - Theo bạn, dù không đáng kể vẫn có điểm khác nhau, vậy ở chỗ nào? - Theo em, nhạc trẻ chỉ dành cho tuổi trẻ,còn nhạc nhẹ thì có đối tượng thưởng thức rộng hơn. Biết các bạn là trí thức, lại có nhiều người học ở nước ngoài về, giỏi ngoại ngữ, có dịp được tiếp xúc với văn hoá thế giới, tôi hỏi: - Các bạn chắc là biết bài hát Serenade (dịch là Dạ khúc) nổi tiếng của SuBe và bài Khúc hát nàng Son Vếch của GRích. Hai bài đó chắc các bạn không nghĩ đó là nhạc nhẹ hoặc nhạc trẻ, nhưng không thể phủ nhận nó không phải là dành cho tuổi trẻ đáng yêu. Vậy vấn đề như thế nào đây? Họ nói rất hồn nhiên: - Hai bài đó là nhạc cổ điển Sau đó tiếp tục buổi nói chuyện âm nhạc, tôi nói với các bạn rằng: Âm nhạc có lời (bài hát) chủ yếu nhắm phục vụ đối tượng tuổi trẻ là chính. Không nên có những quan niệm lầm lẫn mang tính ngộ nhận về cái gọi là nhạc trẻ. Thực ra danh từ này xuất hiện gắn liền với một loạt bàí hát mà chính quyền Nguỵ ở miền Nam trước 1975 vẫn dùng để ru ngủ thanh niên, hòng làm tuổi trẻ lãng quên nỗi nhục mất nước, đẩy họ vào cuộc sống hưởng thụ gấp gáp. Còn nhạc nhẹ? Nhiều khi đó chẳng qua là ở cách thể hiện của người hát, đặc biệt là cách phối khí với biên chế dàn nhạc cùng cách diễn tấu. Một ca khúc nào do một ca sĩ được đào tạo ở Nhạc viện biểu diễn theo cách hát ben-căng-tô với sự phụ hoạ của cây đàn piano hoặc một dàn nhạc mang tính bán cổ điển (chemise classique) đệm sẽ mang đến cho người nghe ấn tượng khác hẳn một ca sĩ hát “sến” với phần đệm là những nhạc cụ điện tử. Ở trường hợp trước, ta vẫn gọi là phong cách thính phòng (academique), còn ở trường hợp sau là hát theo phong cách nhạc nhẹ (extrade). Các bạn hãy chỉ nên quan tâm đến một điều: Âm nhạc có giá trị đích thực, khiến tâm hồn các bạn rung động với những mĩ cảm phong phú và loại âm nhạc ít hoặc không có khả năng tạo ra điều trên mà chỉ khiến các bạn thấy vui tai (nghe), vui mắt (xem). Hiện nay, không thiếu những tác phẩm ca khúc mang tính chất thời thượng như những cái mốt hấp dẫn các bạn lúc đầu, rồi nhanh chóng nhạt nhẽo, khiến các bạn quên lãng. Nhưng lúc đầu nó có sức cuốn hút ghê gớm như những thứ hàng hoá ngoài chợ, được đánh bóng, trang sức thật là đẹp. Khái niệm về nhạc trẻ của các bạn hiện nay rất gần với loại nhạc này. Không tin, các bạn hãy nhớ lại: Sau năm 1975, từ các tỉnh phía Nam lần lượt rộ lên nhiều ca khúc, số bài này sống được vài năm rồi các bạn quên bẵng, chìm đi, chẳng ai nhớ đến nữa, trong khi những Tình ca, Nhạc rừng (Hoàng Việt); Làng tôi, Sông Lô (Văn Cao); Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý); Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh); Bài ca hi vọng (Văn Ký), Quê em (Nguyễn Đức Toàn); Những cô gái quan họ (Phó Đức Phương) và rất nhiều ca khúc khác không thể kể hết cứ sống mãi, vượt lên tất cả mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian. Sở dĩ các bạn trẻ và nhiều người vẫn còn bị ngộ nhận trong quan niệm về một vài loại âm nhạc như đã nói là do công tác lý luận phê bình và phổ biến âm nhạc của chúng ta chưa tốt. Công chúng chẳng có lỗi gì. Sự thưởng thức của họ về một vài loại bài hát nào đó, họ quan niệm ra sao về các chủng loại là lẽ tự nhiên theo quyền riêng và sở thích thẩm mĩ riêng. Nhưng công tác lý luận và giáo dục âm nhạc cần phải được chú ý đấy mạnh để phát huy tác dụng, để tác động vào việc nâng cao dân trí nói chúng và khả năng cảm thụ, nhận biết chính xác, tinh tế chân giá trị nghệ thuật đích thực. Thiết nghĩ cần nhanh chóng giúp vô số công chúng đính chính sự ngộ nhận này. Nhạc sĩ Nguyễn Đình San |
Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét