20:02
Những câu hỏi "làm khó” Bộ
trưởng Đinh La Thăng
(VnMedia) - "Có cử tri vừa nhắn tin cho tôi nói rằng phải chất
vấn tại sao các công trình giao thông bị rút ruột, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng
nhưng không bắt các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đền mà cứ nhằm vào thu
phí của dân. Dân khổ lắm rồi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhắc
nhở Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Hàng loạt những câu hỏi nóng trong lĩnh vực giao thông vận tải: số vụ tai nạn giao thông, thu phí lưu hành phương tiện, chất lượng của công trình hạ tầng giao thông… do các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Đinh La Thăng tại phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày hôm qua đã gây không ít khó dễ cho người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải. Ngay khi kết thúc phiên giải trình bằng văn bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển mở màn phiên giải trình báo hiệu đầy khó khăn của Bộ trưởng Đinh La Thăng bằng việc nêu hàng loạt vấn đề tồn tại của ngành: Bộ trưởng nói tai nạn giao thông tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng số người chết và bị thương quá lớn; số phương tiện vi phạm bị xử phạt tới 8,3 triệu, có nghĩa bằng 18-20% số phương tiện lưu thông trên đường. “Trước đây tôi hay nói với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng (người tiền nhiệm của Bộ trưởng Đinh La Thăng) rằng anh là đại tướng nướng quân nhiều nhất, mỗi năm tai nạn làm chết một sư đoàn và bị thương bốn sư đoàn khác”, ông Hiển ví von. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội thẳng thắn: “Bộ trưởng đề nghị tăng mức tiền phạt, tăng phí, tăng đầu tư cho ngành giao thông, nhưng chưa thấy Bộ trưởng nói đến giải pháp tăng trách nhiệm của các cán bộ ngành giao thông. Làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hạn chế tiêu cực trong lực lượng?”. Trước việc thời gian vừa qua, Bộ Giao thông liên tục đưa ra các giải pháp giải bài toán giao thông bằng cách đánh vào túi tiền của người dân, tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đã bày tỏ thái độ không đồng tình và chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng hết sức gay gắt. “Lĩnh vực giao thông đầu tư kém hiệu quả, thất thoát hàng ngàn tỉ. Trong khi vừa qua bộ đề xuất thu các loại phí nhưng không được sự đồng thuận của dư luận. Đề nghị Bộ trưởng giải thích”, đại biểu Trần Ngọc Vinh chất vấn. Sau chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh, không thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Thăng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bình luận: “Ngành giao thông nói tất cả các giải pháp là để phục vụ nhu cầu của nhân dân, còn người dân thì nói là tôi trả tiền cho tất cả. Tôi cho rằng làm chính sách thì phải nghĩ thế nào để đỡ thu tiền dân, chẳng hạn như tìm cách kêu gọi đầu tư thế nào, chứ không chỉ có mỗi cách là thu tiền của dân”. Cùng bình luận về đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân của Bộ Giao thông, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, việc Bộ Giao thông định thu phí 600.000 ô tô biển trắng trong 1,9 triệu ôtô là không công bằng. “Đừng nghĩ đến chuyện hạn chế xe cá nhân. Một đất nước gần trăm triệu dân mà mới có 1,9 triệu xe hơi thì không ăn thua gì” - ông Quốc nói. Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên tiếp lời: “Đất nước đã nghèo nhưng ngành nào cũng đòi tiền. Tôi thấy có những cách ít tiền hơn mà hiệu quả, ví dụ tạm giữ hành chính người say rượu. Hàn Quốc, Trung Quốc đã quy định say rượu là phạt tù dưới sáu tháng. Bộ trưởng cần có quan điểm rõ về vấn đề này. Ôtô quá tải phá đường của Nhà nước rất nhiều, Bộ trưởng có biện pháp nào để kiểm soát?”. Sốc hơn nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý thì nhắc nhở Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bằng cách đọc tin nhắn của một cử tri gửi đến cho ông. "Có cử tri vừa nhắn tin cho tôi nói rằng phải chất vấn tại sao các công trình giao thông bị rút ruột, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng nhưng không bắt các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đền mà cứ nhằm vào thu phí của dân. Dân khổ lắm rồi". Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng thấy các giải pháp Bộ trưởng Thăng đưa ra chủ yếu là tăng đầu tư. “Thế này thì làm khó cho đất nước quá, đã nghèo mà ngành nào cũng đòi tiền”, ông Tiên thốt lên. “Có cách nào ít tiền mà hiệu quả không?”. Còn đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra một loạt vướng mắc sẽ nảy sinh khi thu phí: phí cao khiến dân ngại mua xe, nhà sản xuất có hạ giá cũng không bán được, thuế nộp vào ngân sách giảm; người dân dùng nhiều loại ô tô, mới, xịn cũng có mà cũ, rẻ cũng có, đều phải nộp phí như nhau. Quan tâm đến vấn vấn đề chất lượng các công trình giao thông vận tải, Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh, chỉ ra nhận định của dư luận về đầu tư trong ngành giao thông vận tải là “chất lượng thấp, thiếu hiệu quả, thất thoát nhiều trong khi các công trình hạ tầng giao thông chưa được cải thiện rõ rệt”. “Trong khi đời sống nhân dân gặp khó khăn thì Bộ lại lại đề xuất thu phí lưu hành phương tiện, không nhận được sự đồng thuận”, ông Vinh nói. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh lấy tình trạng xuống cấp của mặt cầu Thăng Long để đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình giao thông của Bộ GTVT. “Cầu, đường do nước ngoài làm từ những năm 1960 đến nay vẫn tốt, sao cầu, đường ta làm mới vài năm đã xuống cấp trầm trọng?”, ông Quốc Anh nhận định chất lượng công trình giao thông đã trở thành “đại vấn đề”, không khắc phục được thì “thu bao nhiêu phí bảo trì cũng vô ích”. Kết thúc phần giải trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá: “Ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Giao thông và các đơn vị liên quan nhìn chung là rõ, tuy nhiên vẫn còn ý kiến chưa rõ giữa giải pháp trước mắt và lâu dài”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng và các thành phố khi tham mưu cho Chính phủ phải giải quyết được vấn đề trước mắt và lâu dài. Không thể cứ hạn chế mãi và cấm mãi được.
Tùng Nguyễn
|
Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét