Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

16:05
Hậu di dời trụ sở các Bộ, ngành:
“Đất vàng” chưa biết đi đâu, về đâu!

(Petrotimes) - Hầu hết các Bộ, ngành đều có trụ sở đặt tại các vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao. Vậy nên, khi chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành nhằm giảm tải áp lực dân số cũng như tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành đang được ráo riết thực hiện thì vấn đề sử dụng những khu đất này vào mục đích gì lại đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Đất tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, địa phương phần lớn nằm tại các vị trí đắc địa của các đô thị, trung tâm công nghiệp lớn. Và theo một số liệu thống kê gần đây của Bộ Tài chính, tổng diện tích trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và cơ sở hoạt động vào khoảng 1,5 tỉ m2 với tổng giá trị lên tới 594.000 tỉ đồng.
Việc di dời trụ sở các Bộ, ngành từ nội thành đến khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là một trong những nhiệm vụ chính nhằm thực hiện thắng lợi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu hướng đến của Hà Nội là hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người trong khu vực nội đô.
Quyết tâm trên của Hà Nội đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định trong buổi làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây, ông Thảo khẳng định sẽ không cấp phép xây dựng chung cư, khu đô thị trên diện tích đất cũ và TP cũng có thể mua lại các khu đất này để sử dụng vào các mục đích phù hợp với quy hoạch.
Lời khẳng định này của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ sâu sắc của đông đảo người dân Thủ đô.
Khi mà chính sách và quyết tâm của Hà Nội trong việc di dời trụ sở các Bộ, ngành đã được khẳng định thì việc sử dụng quỹ đất này như thế nào lại đang là câu hỏi chưa có lời giải.
Theo tìm hiểu của Petrotimes thì Thanh tra Chính phủ là một trong ba Bộ, ngành đã thực hiện việc di dời nhưng sau nhiều tháng, trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ ở Đội Cấn giờ vẫn chỉ dùng làm bãi trông xe, trồng rau và bán đồ ăn sáng.
Theo nhiều chuyên gia thì đất ở đây có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông là một sự lãng phí lớn tài sản Nhà nước.
Mới đây, mặc dù Ban quản lý dự án xây trụ sở Bộ Xây dựng đã ra thông báo mời nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng trụ sở làm việc mới của Bộ Xây dựng nhưng khi được hỏi sau khi Bộ Xây dựng chuyển đi, trụ sở cũ sẽ làm gì thì vẫn bỏ ngỏ, tất cả mới chỉ dừng ở đề xuất.
Ông Nguyễn Quang Nam – Trưởng ban quản lý dự án xây trụ sở Bộ Xây dựng chia sẻ: Vấn đề là khi xử lý cái đất ấy sao cho vừa đạt được hiệu quả kinh tế vừa đạt cả lợi ích xã hội mới quan trọng. Giả sử những khu đất vàng nằm trong nội đô mà cứ bán cho nhà đầu tư để xây nhà cao tầng thì sẽ thu được nhiều tiền ngay. Nhưng sẽ phản tác dụng vì mục đích di dời trụ sở các bộ là để giảm tải cho nội đô”.
Ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Khi di dời cần phải có phương án sử dụng quỹ đất đó.
“Nếu để các Bộ, ngành tự triển khai thực hiện việc di dời, bán trụ sở cũ theo giá thị trường thì chắc chắn sẽ thừa tiền để xây trụ sở mới nhưng như thế sẽ không đạt được mục đích quy hoạch”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chúng tôi thiết nghĩ, để thực hiện thành công chủ trương di dời, Hà Nội cần phải sớm hoàn thiện các quy định mang tính pháp lý, các hướng dẫn một cách thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Chỉ có như vậy, mục tiêu di dời trụ sở Bộ, ngành của Hà Nội mới đạt được mục tiêu mà các cấp chính quyền và đông đảo người dân Thủ đô mong mỏi.
Và đây cũng là một trong nhiều yếu tố xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô Văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thanh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét