Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012


 10:02
Lo ngại trước thông tin sẽ đổ 40 triệu m3 bùn xuống biển

(Dân trí) - Năm 2011, Bộ GTVT và UBND TP Hải Phòng đã thống nhất phương án vét 40 triệu m3 bùn, đổ vào khu đê chắn sóng và khu công nghiệp Đình Vũ. Tuy nhiên, đến năm 2012, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lại chọn cách… đổ thẳng bùn ra biển.

Dự án đầu tư xây dựng cảng Lạch Huyện sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Một trong những hạng mục xây dựng cảng Lạch Huyện là nạo vét bùn, đất. Tổng cộng có khoảng 40 triệu m3 bùn đất sẽ được nạo vét. Trong đó, 36 triệu m3 đất bùn trong luồng cảng và 4 triệu m3 bùn ở vùng nước trước bến.
Phía JICA cho rằng nếu đổ bùn ra biển, cự ly từ điểm hút đến vị trí xả bùn chỉ 16 km (phía Nam Cát Bà), luồng đường thông thoáng, chi phí 35 tỷ Yên. Phương án này không phải xây dựng đê bao và hố trung chuyển, cứ xả thẳng bùn ra biển (?!), không phải nạo vét luồng công vụ nên thời gian mất 41 tháng, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án này.
Theo các nhà khoa học: Cát Bà có diện tích 15.200 ha, trong đó có 9.000 ha rừng, 5.400 ha biển tạo nên một môi trường sinh thái lý tưởng, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG).
Sinh vật biển đảo Cát Bà phong phú và đa dạng vào bậc nhất ở các vùng đảo phía Bắc nước ta với 2320 loài động, thực vật, trong đó, có gần 60 loài được coi là đặc hữu, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như chò đãi, kim giao, lá khôi, lát hoa, dẻ hương, thổ phục linh, trúc đũa, sến mật...
Đây không chỉ là nơi lưu giữ và phát triển nguồn gene quý của vịnh Bắc Bộ, mà còn có nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao. Trên 30 loài cá kinh tế và 70 loài động vật đáy tại vùng biển này đã hợp thành ngư trường cá đáy và cá nổi Cát Bà - Long Châu, mang lợi ích về du lịch, xuất khẩu và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Vị trí sẽ đổ 40 triệu m3 bùn thải cách nơi hút 16 km phía nam đảo Cát Bà - Hải Phòng.

Trong các văn bản về phát triển KT-XH của TP Hải Phòng nói chung và Cát Bà nói riêng đều xác định: Gìn giữ, bảo tồn KDTSQTG - quần đảo Cát bà thành điểm du lịch hấp dẫn, phát triển nuôi trồng thủy sản có quy hoạch,… bảo đảm Cát Bà phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế, thu nhập của người dân ở Cát Bà chỉ nhìn vào du lịch và nuôi trồng thủy sản là chính, riêng khoảng 500 lồng, bè cá đã đủ nuôi sống hàng nghìn hộ gia đình trong và ngoài huyện Cát Bà.
Trước thông tin sẽ thực hiện việc đổ 40 triệu m3 bùn ra biển, các chuyên gia khoa học đã nhận định, chỉ cần vứt rác ra biển hay đổ bùn ra biển, dù 1m3 cũng gây tác động xấu đến môi trường biển.
Theo đó, ít nhất hệ sinh thái động thực vật đáy biển khu vực đổ thải đất bùn bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí các lớp san hô, các loại dong, tảo biển nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới… bị san lấp và tiêu diệt. Mặt khác, 40 triệu m3 bùn sẽ làm thay đổi dòng chảy, thay đổi chế độ sóng và thủy triều của khu vực biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Theo Cảng vụ Hải Phòng công bố: Tháng 1/2006, tuyến luồng Lạch Huyện có độ sâu –7,2m, đến tháng 7/2011, đoạn cảng này chỉ còn sâu –5,8m. Vậy ai dám bảo đảm, sau 5 năm nữa, số đất bùn đổ ra biển không trôi ngược vào luồng Lạch Huyện?

Theo khảo sát của các nhà chuyên môn: Với 40 triệu m3 bùn sẽ san lấp được mặt bằng diện tích 700-1.000ha. Để phát triển các dịch vụ hậu cảng, nếu đổ ra biển sẽ rất lãng phí tài nguyên, trong khi Hải Phòng cần khoảng 600 triệu m3 vật liệu để san lấp mặt bằng KCN Đình Vũ. Về chất lượng, đất bùn nạo vét từ cảng Lạch Huyện nếu sử dụng làm mặt bằng và phơi nén khoảng 5- 7 năm, chi phí chỉ bằng 40- 50% so với san lấp bằng cát đen.
Do vậy, theo các văn bản của UBND thành phố Hải Phòng, của Bộ GTVT, cũng như ý kiến của những nhà chuyên môn: Phương án đổ bùn vào KCN Nam Đình Vũ là ưu tiên số 1. Bởi: KCN Nam Đình Vũ có diện tích rộng 2.000ha đã đền bù giải phóng mặt bằng, đã được đánh giá tác động môi trường và UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định đầu tư hơn 998 tỷ đồng để xây tuyến đê biển bao xung quanh (hiện nay đã bố trí ngân sách 25,8 tỷ đồng); không phải đào luồng công vụ và hố trung chuyển vì từ KCN Nam Đình Vũ đến vị trí hút bùn (luồng Lạch Huyện) có khoảng cách điểm đầu là 10 km, điểm cuối là 16 km.
Hiện nay luồng Nam Triệu không còn khai thác nữa, nếu dùng ống hút - đẩy - xả như các nhà thầu của Việt Nam hiện đang thi công các công trình san lấp trên toàn quốc thì chi phí rất thấp, kiểm soát được khối lượng cũng như vị trí xả bùn và vẫn bảo đảm được tiến độ dự án.
Trong khi đó, nếu thực hiện theo phương án đổ bùn ra biển bằng phương pháp tàu xả đáy (vừa di chuyển vừa xả đáy) như JICA tính toán thì khó kiểm soát về khối lượng nạo vét và vị trí đổ thải, bởi dễ tạo điều kiện để nhà thầu thi công cắt bớt khối lượng nạo vét, cắt bớt cự ly đổ thải (chưa ra đến vị trí đã xả thải).

Văn bản trình Thủ tướng Chính phủ của UBND TP Hải Phòng về đề xuất hướng xử lý 40 triệu m3 bùn

Thế nhưng, ngày 3/4/2012, Bộ GTVT có văn bản 2272/BGTVT-MT gửi UBND thành phố Hải Phòng và đề nghị: Thống nhất địa điểm đổ đất nạo vét ngoài vị trí KCN Nam Đình Vũ có thêm phương án đổ thải ra biển để Bộ Tài nguyên và Môi trường có đủ điều kiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (?!).
Ngày 5/4/2012, UBND thành phố Hải Phòng cũng “nghe theo” Bộ GTVT bằng văn bản số 1785/UBND-CT với nội dung: UBND thành phố Hải Phòng thống nhất về địa điểm đổ đất nạo vét ngoài vị trí KCN Nam Đình Vũ có thêm phương án đổ đất ra biển để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
PGS, TS Đỗ Công Thung- Chuyên nghiên cứu về sinh thái và tài nguyên động vật biển nhận định, nếu đổ bùn ra biển, chắc chắn không tránh khỏi việc gây ô nhiễm và hủy diệt toàn bộ động, thực vật khu vực quần đảo Cát Bà, đặc biệt là san hô. Phương án này tuyệt đối không an toàn cho môi sinh biển đảo Cát Bà, thậm chí cả vùng biển lân cận.
Như vậy, trước thông tin sẽ đổ 40 triệu m3 bùn ra biển đang gây bức xúc và lo ngại trong dư luận, đề nghị cơ quan chức năng nhà nước xem xét kỹ để có phương án xử lý phù hợp, không để lại những hậu quả không thể khắc phục.

Thế Cường - Vũ Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét