Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012


11:20

Bé học mầm non quốc tế rối loạn tâm lý vì sợ trường


Được mẹ đưa đi học tại một trường mầm non quốc tế ở Bà Triệu, Hà Nội, cứ đến gần trường là bé Minh la khóc, nằm lăn ra đất và đòi về. Hơn một tháng qua, cậu bé 3 tuổi mất ngủ thường xuyên, có hôm thức cả đêm và liên mồm nói "mai con không đi học đâu".
 

Chị Lan Hương, mẹ của cháu Cao Phạm Hiếu Minh (tên thường gọi là Tý), sinh năm 2009 đang học lớp Koala Bear 2 trường Maple Bear (phố Bà Triệu, Hà Nội) cho biết, Minh bắt đầu vào học từ tháng 10/2010 và khá thích đến lớp. Trước tết âm lịch, mỗi khi nghỉ học là bé lại nhắc đến các bạn và cô giáo. Thế nhưng sau tết thì khác hẳn.
Từ giữa tháng 3, Minh bỗng chán ăn, hay kêu buồn và nói không thích đi học. Mỗi lần mẹ đưa đến lớp, Minh tỏ ra sợ hãi, đòi về. Cháu cũng mất ngủ triền miên và gần đây nhất, ngày 12/4, Minh thức tới 6h sáng và suốt đêm nói với bà và mẹ là "Con không thích đi học, ngày mai không đi học”.
“Có hôm, khi tôi cho cháu đi chơi với các cùng lớp ở một khu vui chơi trẻ em, vừa nhìn thấy các bạn, cháu đã kêu khóc, đòi về và nói: 'Tý không đi học đâu, đi về đi", chị Hương kể.
Thấy con có nhiều biểu hiện tâm lý bất thường, thân thể gầy gò, sụt cân, chỉ còn 11 kg, người mẹ rất lo lắng nên ngày 15/4, chị đã cho bé Minh đi khám. Bác sĩ xác định cháu bị chứng “Ám thị trường học” do có những xáo trộn về tâm lý bất thường ở trường.
Bé Cao Phạm Hiếu Minh (tên thường gọi là Tý) đã hoảng loạn, phải đi gặp bác sĩ tâm lý sau khi lớp mầm non quốc tế của bé bị đổi giáo viên liên tục. Ảnh: Đặng Tuyền.
Cùng lớp bé Minh, một số bạn khác cũng có biểu hiện tương tự. Bé Nhật Nam còn có những phản ứng mạnh hơn. "Khi cô giáo đón, cháu không cho cô động vào người và bám chặt mẹ, thậm chí nổi đóa lên. Cứ nhìn thấy tòa nhà nơi đặt cơ sở của trường là cháu nói không muốn đi học, dù đã đến trường hơn một năm và trước tháng 3/2012 thì chưa bao giờ có biểu hiện như vậy”, chị Nguyễn Thùy Vân, mẹ bé kể.
Còn bé Sơn, con chị Hà Phương Mỹ thì cứ buổi sáng ở nhà là tìm cớ vào phòng vệ sinh và ở đó 15-20 phút để không phải đi học. Khi đến trường, cháu cố níu cánh cửa vì không muốn vào lớp.
Một số phụ huynh khác có con học lớp Koala Bear 2 cũng phản ánh tình trạng tương tự. Khi tìm hiểu nguyên nhân, các phụ huynh phát hiện lý do khiến nhiều em cùng có biểu hiện sợ đi học là trường có những xáo trộn về giáo viên trong một thời gian ngắn.
"Chỉ trong 16 tháng mà trường đã nhiều lần thay đổi giáo viên, thậm chí trong tháng 3 thay đến 3 cô giáo. Các cháu cũng không được chăm sóc đầy đủ như trước Tết âm lịch", một phụ huynh nói.
Trước tình trạng này, bố mẹ của các cháu đang học lớp Koala Bear 2 trường Maple Bear đã liên tục có đơn kiến nghị lên nhà trường, song, theo họ, câu trả lời nhận được chưa thích đáng.
Trong email trao đổi với phụ huynh, ông Carl Chan, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm giáo dục quốc tế cho trẻ CitySmart, trường mầm non Canada Maple Bear viết: "Chúng tôi đã cố gắng cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất. Nếu vẫn không hài lòng với các quyết định và hành động của chúng tôi, phụ huynh có thể chấm dứt sử dụng dịch vụ".
Trong buổi họp trả lời kiến nghị của các phụ huynh chiều ngày 24/4, ông Carl Chan bày tỏ, nhà trường cũng không muốn phải liên tục thay đổi giáo viên vì điều này không tốt cho cả giáo viên, học sinh và nhà trường. Ông khẳng định, các giáo viên được đưa vào đứng lớp đều đảm bảo chất lượng và đã qua thời gian đào tạo phù hợp tại trường.
Riêng về trường hợp của bé Hiếu Minh, ông thừa nhận nhà trường không biết việc cháu có xác nhận của bác sĩ tâm lý là bị chứng “ám thị trường học” cho đến khi nhận được thư kiến nghị của phụ huynh.
"Trước đó cô giáo không thông báo có thể vì sợ, mặc dù nhà trường đã nói rất rõ là có việc gì giáo viên phải báo lại ngay vì có những việc tưởng chừng đơn giản nhưng không hề đơn giản như các cô nghĩ”, ông Carl Chan nói.
Một lớp học của trường quốc tế Maple Bear tại một tòa nhà trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Ảnh: Đặng Tuyền.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Nguyễn Thị Thu Hải, Hiệu trưởng trường mầm non Maple Bear cho biết, nhà trường có nhận được phản ánh của một số phụ huynh về việc trẻ không thích đi học, thậm chí có một trường hợp còn bất ổn tâm lý.
Theo bà, nguyên do chủ yếu do các cháu sau một đợt nghỉ dài ngày (Tết âm lịch) nên chưa quen khi đi học lại. Còn việc thay đổi giáo viên cũng có thể là một phần nguyên nhân, nhưng điều này nằm ngoài ý muốn của nhà trường.
"Thông thường, cô giáo cần thông báo nghỉ dạy trước ít nhất một tháng, hỗ trợ cô giáo mới trong thời gian làm quen dần với học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp này đột ngột xin nghỉ dạy vì có việc riêng, nên chúng tôi chưa kịp sắp xếp", bà Hải giải thích.
Cũng theo bà Hải, thời gian qua, nhà trường đã cố gắng giải thích và mong phụ huynh thông cảm, đồng thời hỗ trợ các cô giáo để giúp các con sớm thích nghi với giáo viên mới và yêu thích việc đến trường. Hiện, các học sinh trong lớp vẫn đi học đầy đủ và đã tâm lý đã cải thiện hơn.
Đại diện nhà trường cũng cam kết: “Mọi vấn đề liên quan chúng tôi sẽ có văn bản gửi tới phụ huynh học sinh. Chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng chăm sóc trẻ, dạy và học tại trường”.
Thạc sĩ tâm lý Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý và tâm bệnh lý trẻ em (Kim Mã, Hà Nội) - đơn vị từng khám và điều trị cho một số cháu bất ổn tâm lý đang học tại lớp Koala Bear 2 trường Maple Bear, cho biết, việc thay đổi giáo viên liên tục có ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ, nhất là các cháu nhỏ.
Theo ông Chuẩn, trẻ nhỏ thường có nhu cầu gắn bó với một số người nhất định, thường là mẹ, bố, bà hay cô giáo đã quen thuộc ở trường. Ở bên những người thân thiết này, trẻ có cảm giác an toàn và các em thường thấy dễ dàng thể hiện các nhu cầu cá nhân như đói thì đòi ăn, muốn đi vệ sinh thì gọi... và thoải mái khám phá mọi thứ xung quanh.
Nếu có sự xáo trộn liên tục về người chăm sóc, như cô giáo ở trường, hay người giúp việc ở nhà, trẻ chưa kịp thiết lập mối quan hệ gắn bó và thường có cảm giác lo lắng, sợ hãi. Các em có thể sẽ thấy không biết bấu víu vào đâu, thậm chí không dám đề xuất nhu cầu bản thân và xuất hiện các biểu hiện như lười ăn, đái dầm, ngủ không yên giấc. Những điều này tái đi tái lại có thể dẫn tới những bệnh lý trầm trọng hơn như sức khỏe giảm sút, dễ nảy sinh các bệnh về thể chất.
Dù vậy, nhà tâm lý cho rằng, nếu sớm phát hiện được các bất thường ở trẻ và hiểu được nguyên nhân, bố mẹ có thể giúp con vượt qua nhanh chóng những rối nhiễu tâm lý này, bằng cách tạo cho trẻ cảm giác yên tâm.
Theo ông, để tránh cho con các bất thường này, ngoài việc tìm cho trẻ một ngôi trường phù hợp, an toàn, ngay khi trẻ nhỏ, bố mẹ cũng cần giúp con tạo lập sự tự tin và khả năng thích nghi: Nên thường xuyên dẫn con đến nhà người quen, tìm cách "buông" dần trẻ, để trẻ giao lưu với nhiều người khác; Khi ở nhà không phải lúc nào cũng ở cạnh con, có thể để trẻ ở phòng khách, bố mẹ dưới bếp, giao trẻ cho những người thân khác cùng chăm sóc... Ở các trường học, nếu bắt buộc phải thay đổi giáo viên, thì cũng không nên làm quá đột ngột, cần luôn có một người đã gần gũi ở bên trẻ, cạnh những người mới.
Maple Bear Việt Nam là hệ thống trường mầm non Quốc tế được cấp bản quyền thương hiệu của trường Maple Bear Canada về giáo dục mầm non. Trường có mức thu học phí từ 450 đôla đến hơn 700 đôla mỗi tháng (từ 9 đến 14 triệu đồng). Ngoài ra, khi nhập học, phụ huynh phải nộp số tiền phí nhập học và phí xây dựng trường 700 đôla và đây là số tiền không được hoàn trả với bất kỳ lý do nào.
Đặng Tuyền - Vương Linh
Chất lượng giáo dục mầm non tại các trường tư liệu đã được quản lý chặt chẽ để xứng đáng với đồng tiền thu của người dân? Hiện rất nhiều trường không phải “quốc tế, mức học phí không quá cao song chất lượng tốt. Mong các phụ huynh đừng quá “sính ngoại”, không tìm hiểu kỹ vô tình đẩy con em mình vào địa ngục của tuổi thơ!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét