Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012


10:02
Thẩm phán vay tiền của đương sự

Theo đương sự trình bày, thẩm phán áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai rồi hỏi mượn tiền mới hủy quyết định.

Vợ chồng ông LĐT ở phường 3, thị xã Tây Ninh vừa có đơn tố cáo Thẩm phán Trịnh Thị S. của TAND thị xã Tây Ninh mượn tiền trong khi đang thụ lý vụ án.
Chưa xử đã buộc giao xe
Cuối năm 2011, bà O. kiện ông T. ra Tòa án thị xã Tây Ninh đòi nợ. Thẩm phán S. được phân công giải quyết.
Trong khi vụ kiện đang ở giai đoạn hòa giải thì ngày 10-1-2012, Thẩm phán S. ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT), buộc ông T. phải giao chiếc xe ô tô cho bà O.
Từ quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án thị xã Tây Ninh, một ngày sau Chi cục Thi hành án (THA) dân sự thị xã Tây Ninh ra quyết định THA, buộc ông T. phải giao tài sản. Trong quyết định áp dụng BPKCTT, Thẩm phán S. đã căn cứ vào Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự để buộc bị đơn giao tài sản cho nguyên đơn nhằm đảm bảo việc THA.
Trước việc Chi cục THA dân sự thị xã ra quyết định THA căn cứ theo quyết định của Thẩm phán S., vợ ông T. đã đến tòa án gặp Thẩm phán S. để hỏi vụ việc vì bà cho rằng tòa áp dụng luật sai. Theo bà T., việc Thẩm phán S. buộc bà giao tài sản cho nguyên đơn để đảm bảo việc THA là không phù hợp. Tuy nhiên, Thẩm phán S. vẫn cho rằng quyết định áp dụng BPKCTT là đúng quy định.
Bà T. cho biết trong quá trình thụ lý vụ án, Thẩm phán S. nhiều lần gọi điện thoại lúc thì nói sẽ chuyển vụ án sang công an, lúc thì nói là công an không thụ lý làm bà hoang mang, lo lắng. “Tôi thấy bất an vì giá trị chiếc ô tô của tôi lớn gấp đôi số tiền tôi mượn bà O. nên tôi đến tòa gặp thẩm phán” - bà T. nói.
 
Mượn tiền để hủy quyết định?
Theo bà T., khi gặp nhau, Thẩm phán S. gợi ý hỏi mượn 25 triệu đồng. Đổi lại, Thẩm phán S. sẽ giúp bà không phải giao chiếc xe cho bà O. Không muốn giao chiếc xe của mình cho người khác quản lý nên ngày 7-2-2012, bà T. bấm bụng đến nhà cho Thẩm phán S. mượn 25 triệu đồng như gợi ý của Thẩm phán S.
Vẫn theo bà T., ba ngày sau khi nhận được tiền, Thẩm phán S. thực hiện lời hứa, ra quyết định hủy bỏ BPKCTT, không buộc giao xe cho bà O. nữa.
Đến lúc này thì phía bà O. phản ứng, khiếu nại quyết định hủy bỏ BPKCTT của Thẩm phán S. và gửi đơn lên Tòa án tỉnh Tây Ninh. Bà O. cũng đề nghị tòa đổi thẩm phán, giao vụ án cho người khác giải quyết.
Do chờ đợi lâu mà chưa thấy vụ án đưa ra xét xử, ngày 5-4, bà T. gọi điện thoại hỏi Thẩm phán S., thẩm phán này cho biết không thụ lý vụ án nữa do nguyên đơn đề nghị đổi. Bà còn gợi ý sẽ giới thiệu người ủy quyền cho bà T. “Bữa tôi nói rồi không chịu nghe, giờ đổi người ủy quyền đi, ít bữa rảnh tôi giới thiệu cho luật sư này, người này từng làm ở tòa nên sẽ làm việc với thẩm phán tốt hơn” - Thẩm phán S. nói với bà T.
Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã đến TAND thị xã Tây Ninh. Qua điện thoại, Thẩm phán S. cho biết là đang đi tập huấn không thể trả lời chuyện áp dụng, hủy bỏ BPKCTT. “Hiện vụ án do người khác thụ lý, sau khi tập huấn về, tôi sẽ trao đổi sau” - bà S. nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tài, Chánh án TAND thị xã Tây Ninh, cho biết: Việc đương sự cho là thẩm phán vòi vĩnh mượn tiền để hủy quyết định áp dụng BPKCTT tòa chưa biết. Nếu có đơn phản ánh và lãnh đạo tòa án tỉnh có chỉ đạo, tôi sẽ xử lý theo quy định. Riêng việc thẩm phán đang thụ lý vụ án lại đi mượn tiền của đương sự là không phù hợp, tòa sẽ nắm lại vụ việc.
Trần Thị Trinh, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh:
Không chấp nhận việc mượn tiền
Thông tin Thẩm phán S. vay tiền của đương sự, tòa án tỉnh chưa nắm được. Nếu đúng sự thật có chuyện đó là không chấp nhận được. Thẩm phán đang thụ lý vụ án mà mượn tiền của đương sự là không đúng. Tòa cũng đang xem xét đơn khiếu nại của bà O. về quyết định áp dụng BPKCTT và quyết định hủy bỏ nó vì bà O. cho rằng hai quyết định này “có vấn đề”…
NGUYỄN ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét