14:43
"Cú ngã" của Bạc Hy Lai giúp thay
đổi Trung Quốc?
Trong khi Bạc gia đang "bạc
mặt" vì những "tai nạn" liên tiếp giáng xuống đầu, một chuyên
gia có uy tín ở đại lục lại đưa ra một tuyên bố gây sốc rằng "cú
ngã" của chính trị gia họ Bạc thực sự có tác động tích cực tới chính trị
và xã hội Trung Quốc.
Các nhân vật chính trong vụ bê bối của Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh
(từ trái qua phải): Bà Cốc Khai Lai, ông Bạc Hy Lai, doanh nhân người Anh
Neil Heywood và cựu Giám đốc công an Vương Lập Quân.
Theo đó, ông Cheng Li, chuyên gia cao
cấp Viện Brookings nhận định: "Nếu vụ việc Bạc Hy Lai không bị phanh
phui thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều".
Ông Bạc Hy Lai bị Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cách chức hôm 10.4 do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Cùng ngày, truyền thông cũng đưa tin vợ ông Bạc, bà Cốc Khai Lai và cận vệ Trương Hiểu Quân bị bắt giam để điều tra vì nghi ngờ có liên quan tới vụ đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood. Vụ án được hé lộ lần đầu tiên sau sự kiện cựu Giám đốc công an Trùng Khánh, ông Vương Lập Quân tìm đến Đại sứ Quán Mỹ ở Thành Đô để tố cáo vợ chồng cấp trên - lúc đó là Bí thư tỉnh ủy Bạc Hy Lai. Trong khi một số nhà chức trách Trung Quốc cho rằng việc ông Vương tìm tới "người ngoài" để nhờ giúp đỡ là hành động "phản quốc" thì ông Cheng Li lại có cách nhìn hơi khác. "Nếu ông Vương không tìm tới Đại sứ quán Mỹ tối hôm đó thì chắc gì người ta đã biết tới những bí mật của Bạc gia. Tôi tin rằng sẽ khó hơn nhiều để giải quyết vấn đề của Bạc Hy Lai nếu không có những hành động được cho là "phản quốc" ấy" - ông Cheng Li nhận định. Bên cạnh đó, chuyên gia cao cấp cũng chỉ rõ: "Bài học rút ra sau vụ Bạc Hy Lai là các quan chức Trung Quốc không nên đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng của bản thân đối với đất nước. Điều này rất dễ dẫn tới thái độ ảo tưởng và tự cho mình cái quyền được vượt lên trên tất cả mọi phép tắc, kỷ cương và pháp luật". Ngoài ra, ông Li còn cho biết, "việc nhiều nước phương Tây khẳng định tồn tại một mâu thuẫn nội bộ giữa các phe phái trong Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ vì căn cứ vào vụ bê bối của ông bạc Hy Lai là hành động "vơ đũa cả nắm". Họ đã đánh giá quá cao ảnh hưởng cá nhân của ông Bạc vượt ra khỏi phạm vi thành phố Trùng Khánh. Trong khi, trên thực tế, ông ấy không đủ sức làm thay đổi diện mạo của cả một nền chính trị Trung Quốc". Trước đó, vào hồi đầu tháng 4, các quan chức Trung Quốc đã ban hành lệnh đóng cửa hàng loạt các trang web nhằm ngăn chặn việc truyền bá tin đồn về vụ Bạc Hy Lai. Tuy nhiên, các thông tin vẫn được đăng tải trên nhiều trang internet khác nhau và nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng khiến việc "bưng bít" không thành công. Đánh giá về việc này, ông Minxixin Pei, một giáo sư làm việc cho chính phủ thuộc đại học Claremont McKenna cho biết: "Cách xử lý thiếu chuyên nghiệp trong vụ Bạc Hy Lai cho thấy khả năng còn hạn chế, thậm chí khó có thể giải quyết những cuộc khủng hoảng chính trị diễn biến ngày càng nhanh trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay. Điều đó khiến người ta băn khoăn mọi chuyện sẽ ra sao nếu những sự vụ tương tự xảy ra ở Trung Quốc?". Vụ án Bạc Hy Lai mở ra "góc khuất" trong đời tư chính trị gia nổi tiếng đồng thời cũng là bài học quý giá đối với nhiều quan chức Trung Quốc. Chính vì vậy mà nó được đánh giá là một sự kiện "có tác động tích cực". Trong khi đó, theo ông Li, vụ án Bạc Hy Lai tạo cơ hội cho các nhà cầm quyền Bắc Kinh biết được cần phải làm gì trong cuộc cải cách trên lĩnh vực luật pháp, bầu cử và cả tự do truyền thông trong thời gian tới. "Mọi người cần được thông tin tốt hơn, được pháp luật bảo vệ tốt hơn để có thể dũng cảm nói lên sự thật. Đó chính là cách tốt nhất giúp chính phủ có thể kịp thời ngăn chặn những "thảm kịch" sớm từ khi chúng còn chưa gây hậu quả đáng tiếc", ông Li nói. |
Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét