Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012


 10:00
Tính giá xăng có lợi cho ai?

TT - Bộ Tài chính vừa lý giải về việc tăng giá xăng dầu thêm 400-900 đồng/lít mới đây là dựa vào cách tính bình quân 30 ngày của giá thế giới. Thế nhưng các chuyên gia cho rằng đây là cách tính chỉ có lợi cho DN.
Nguồn: Petrolimex - Đồ họa: vĩ cường - Ảnh: N.Khánh
Điều đáng nói là việc tăng giá xăng dầu bán lẻ vừa qua diễn ra trong bối cảnh giá thế giới giảm đã cho thấy các quy định trong nghị định 84 về hoạt động kinh doanh xăng dầu đã quá lạc hậu.
Lỗ tăng, lời chưa giảm?
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá cơ sở được tính theo giá nhập khẩu trung bình 30 ngày, không tính theo giá một ngày nhất định. Cơ sở của việc tăng giá bán lẻ xăng dầu ngày 20-4 là do giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày (từ ngày 19-3 đến 17-4) so với mức bình quân 30 ngày trước (từ ngày 5-2 đến 5-3) tăng 0,54-3,08%, khiến giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước. Tại thời điểm đó, theo công thức tính giá cơ sở (để làm căn cứ điều chỉnh tăng/giảm giá bán lẻ) của Bộ Tài chính, doanh nghiệp lỗ 500-600 đồng/lít.
"Cần nhanh chóng thay đổi cách tính giá cơ sở để giá xăng dầu diễn biến theo giá thị trường và Nhà nước điều tiết giá qua các công cụ thuế, phí"
Ông Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội)
Tuy nhiên, ghi nhận diễn biến giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu cho thấy thời điểm tăng giá bán lẻ với xăng dầu trong nước là khi giá thế giới đang có xu hướng giảm. Nếu như các phiên giao dịch đầu tháng 4, giá xăng A92 tại Singapore đều ở mức cao 134-138 USD/thùng, nhưng từ giữa tháng 4 giá mặt hàng này đã giảm lại. Đặc biệt, liên tiếp từ ngày 18 đến 26-4, giá xăng A92 xoay quanh mức 127-129 USD/thùng, tương ứng giá nhập khẩu giảm 900-1.200 đồng/lít.
Theo tính toán của các chuyên gia, giá cơ sở trung bình 30 ngày (tính từ ngày 26-4 trở về trước) đang thấp hơn giá bán lẻ. Cụ thể, nếu tính theo giá nhập khẩu về đến cảng VN (tỉ giá quy đổi tại các ngân hàng), cộng với thuế môi trường 1.000 đồng/lít, chi phí kinh doanh định mức 600 đồng/lít, trích quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì giá cơ sở sẽ là 23.500 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng A92 hiện nay 23.800 đồng/lít.
Như vậy, giá cơ sở thấp hơn 300 đồng/lít. Tuy nhiên, do trong giá cơ sở có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít nên doanh nghiệp có thể có lời 600 đồng/lít. Các chuyên gia cho rằng khi doanh nghiệp lỗ 500-600 đồng/lít thì Bộ Tài chính tăng giá. Nay ngược lại, mức chênh lệch giữa giá đầu vào và giá đầu ra là 600 đồng/lít thì Bộ Tài chính phải xem xét giảm giá bán lẻ.
Chưa kể việc lỗ lãi của doanh nghiệp tính trên cơ sở giá trung bình 30 ngày là không hợp lý. Bởi thời điểm giá cao doanh nghiệp có thể giảm nhập nhưng khi xu hướng giá xuống thì mạnh tay mua vào. Nếu tính theo giá trung bình khoảng 10 ngày gần đây, khoản chi phí thực tế của doanh nghiệp cao hơn khoảng 300 đồng/lít thì doanh nghiệp vẫn lời được khoảng 1.200 đồng/lít.
Chỉ có lợi cho doanh nghiệp
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng các quy định tại nghị định 84 đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với thực tế. Bộ Tài chính duy trì cách tính giá cơ sở 30 ngày khiến giá xăng trong nước phải tăng khi giá thế giới đã giảm.
Theo các doanh nghiệp, sở dĩ phải để giá cơ sở trung bình 30 ngày vì hai lý do: một là tạo sự ổn định cho giá bán lẻ trong nước, hai là đảm bảo doanh nghiệp đầu mối thực hiện dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày. Việc đặt ra quy định giá cơ sở trung bình 30 ngày và sự chậm trễ sửa đổi những điểm bất hợp lý trong nghị định 84 khiến nhiều người đặt câu hỏi: Ai được lợi?
Theo Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), dù khẳng định điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng trên thực tế thời gian qua, một số thời điểm giá xăng dầu chịu sự điều hành của Nhà nước và doanh nghiệp phải duy trì dự trữ tối thiểu 30 ngày. Vì vậy, khi giá thế giới tăng, giá trong nước chưa điều chỉnh kịp, việc nhập hàng và dự trữ khối lượng lớn sẽ mang lại rủi ro kinh doanh cho nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, khi giá thế giới giảm, giá trong nước cũng chưa được điều chỉnh kịp (như trường hợp diễn biến giá hiện nay - PV), doanh nghiệp có khả năng cải thiện tỉ suất lợi nhuận. Còn trong trường hợp giá nhập không có nhiều biến động, nhà nhập khẩu cũng có tỉ lệ lợi nhuận ổn định trên tổng sản lượng tiêu thụ, dựa vào khoản lợi nhuận định mức mà Bộ Tài chính phân bổ.
Theo một chuyên gia trong ngành xăng dầu, việc duy trì cơ chế giá 30 ngày thực tế chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận doanh nghiệp. Bởi khi bị lỗ thì doanh nghiệp lập tức đề nghị tăng giá. Trong khi giá thế giới giảm, người tiêu dùng không có công cụ giám sát, doanh nghiệp vẫn giữ giá bán mà hầu như không thấy có đơn vị nào đề xuất giảm giá bán lẻ.
BẠCH HOÀN
Doanh nghiệp đề nghị đổi cách tính giá cơ sở
Một số doanh nghiệp đầu mối cũng cho rằng cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở. Giám đốc một đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết việc dự trữ lưu thông của doanh nghiệp không liên quan gì đến việc tính giá cơ sở 30 ngày. Dù tính một tuần hay 10 ngày doanh nghiệp vẫn đảm bảo được dự trữ lưu thông đúng quy định. Là một đầu mối nắm thị phần bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai sau Petrolimex, ông Nguyễn Xuân Sơn - tổng giám đốc Tổng công ty Dầu VN - cũng cho rằng cần thay đổi cách tính giá cơ sở, đặc biệt là khoảng thời gian trung bình 30 ngày.

Giá gas sẽ giảm thêm 30.000 đồng/bình
Giá gas thế giới trong thời gian gần đây liên tiếp giảm mạnh, khoảng 100 USD/tấn so với đầu tháng 4-2012 (hiện dao động ở mức 900 USD/tấn). Với mức giảm này tương ứng giá gas bán lẻ trong nước sẽ giảm khoảng 30.000 đồng/bình 12kg. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số công ty gas tại TP.HCM cho biết đang cân nhắc việc giảm giá và áp dụng giảm giá tương ứng mức giảm của thế giới từ đầu tháng 5. Theo đó, giá gas bán lẻ phổ biến ở mức 370.000-375.000 đồng/bình 12kg.
Theo các công ty, việc chưa áp dụng mức giá bán lẻ trong thời gian này do giá gas giao dịch thời điểm hiện nay chỉ để tham khảo. Đa số các giao dịch đều tính theo giá nhập khẩu gas CP chốt cuối tháng.
LÊ SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét