Hiểm họa từ xịt thuốc cho trái cây PL TPHCM-Nhiều năm nay các chủ vườn thường xuyên sử dụng những loại phân bón lá xử lý cho cây xoài ra trái nghịch vụ. Trong các loại phân bón lá này có chứa chất thiourea, một chất độc nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Không thể phủ nhận những lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc tăng trưởng (TT) mang lại nhưng chúng cũng gây ra nhiều tác hại với sức khỏe con người nếu bị lạm dụng, sử dụng không đúng cách. Chuyện trái cây ra đến chợ vẫn còn dư lượng thuốc BVTV, chuyện lạm dụng thuốc TT để cho ra những lô trái đẹp… đây đó vẫn râm ran. Tuy chưa phải là phổ biến đại trà nhưng cách làm đó vô hình trung làm mất giá, thậm chí có nguy cơ giết chết thương hiệu trái cây tại một số nơi ở miền Tây. Làm thế nào để siết chặt quản lý, kiểm tra, để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng trái cây sạch? Mùa này vườn mận An Phước của ông D. ở cù lao Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cây nào cũng sai oằn trái, trái nào trái nấy bóng mượt. Chúng tôi định hái vài trái để thưởng thức, ông D. nhanh tay ngăn lại, nói: “Muốn ăn thì ra hái mấy cây sau nhà, còn đám mận này để… bán”. Xài “thần dược” cho trái đẹp! Tưởng ông chủ vườn tiếc của nhưng ông D. ôn tồn giải thích: “Nói thiệt, những cây mận này tui phun thuốc BVTV, thuốc TT rất nhiều. Bản thân tui còn không dám ăn, mời mấy ông ăn sao đặng. Tui có dành riêng mấy cây mận phía sau nhà không xịt thuốc để ăn và đãi khách”. Theo ông D., mận An Phước cho năng suất cao nhưng sâu bệnh rất nhiều nên buộc lòng các chủ vườn phải phun thuốc cho cây. Hỏi ông D. các chủ vườn mận thường sử dụng thuốc BVTV loại gì để phun cho cây mận, ông chủ vườn trả lời kiểu thoái thác: “Thì mấy loại thuốc mà tivi đêm nào cũng quảng cáo rần rần, bán đầy ngoài các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Phun nhiều loại quá nên không nhớ cụ thể tên loại nào. Nhà vườn cứ sử dụng loại này không hiệu quả thì chuyển sang xài loại khác”. Các chủ vườn mận An Phước ở đây cho biết ngoài việc phun thuốc trừ sâu bệnh cho cây, trái mận còn phải qua nhiều khâu “phù phép” để biến mận vừa ửng thành trái mận chín no tròn, màu sắc bắt mắt. Họ bật mí các thương lái sau khi vào vườn xem mận, ngã giá mua xong thì lựa hái những trái mận đã lớn, không cần chín. Sau đó thương lái phun thuốc kích thích vào, chỉ sau một đêm là trái mận đang nhỏ xíu phát phì ra, to đùng, căng mọng, da bóng láng, màu sắc đẹp, nhìn thấy là… nhểu nước miếng! “Việc phun thuốc TT (nhiều người hay gọi là “thần dược”) có lợi cho thương lái vì có thể thu hoạch đồng loạt với số lượng lớn, màu sắc, kích cỡ đồng đều nhưng người tiêu dùng lãnh đủ. Theo tui biết hiện nay các loại thuốc TT kích thích trái chín sớm bày bán đầy ngoài thị trường, cứ ra cửa hàng vật tư nông nghiệp hỏi mua thuốc xử lý trái chín đồng loạt là được giới thiệu hàng chục loại thuốc. Nhưng rẻ nhất là thuốc bột trắng không nhãn hiệu, xuất xứ mà các chủ tiệm BVTV cho biết nhập từ Trung Quốc” - ông D. nói. Một chủ vườn mận ở cù lao Bình Hòa Phước còn cho biết: “Lâu nay người ta hay truyền tai nhau chọn mua mận có bao trái thì không sợ bị nhiễm hóa chất độc hại. Nhưng thật ra không phải vậy. Hiện nay dọc theo quốc lộ 1A có nhiều người bày bán mận An Phước và nhiều loại mận khác được bọc trong bao nylon cẩn thận. Người tiêu dùng cứ tin rằng những trái mận này được bao trái từ lúc còn xanh đến khi chín. Thật ra những trái mận này đều được xử lý bằng thuốc kích thích cho căng mọng, sau khi hái xuống người ta chịu khó bọc lại từng trái bằng bịch nylon để lừa người tiêu dùng”. Chuối chín… tốc hành Ông Đặng Văn Thành, chủ vựa chuyên thu mua trái cây ở thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè, Tiền Giang), cho biết trái cây nào cũng có thể xử lý thuốc kích thích cho chín sớm, căng mọng, bắt mắt để bán: mãng cầu, chuối, mít, xoài, ổi… Các thương lái vì lợi nhuận đều sẵn sàng ngâm hoặc phun thuốc kích thích cho chín sớm. “Tôi lấy ví dụ trái chuối, hiện nay thương lái vào vườn mua chuối xanh mang về để xử lý bằng thuốc kích thích cho chín. Muốn chuối chín từ từ, họ treo ngược buồng chuối, bôi hóa chất vào vết cắt ở cuống, sau hai ngày cả buồng sẽ chín vàng, rất đẹp. Nhưng muốn chín tốc hành, họ treo xuôi buồng chuối, sau 24 giờ là chín đều. Còn mít, xoài, ổi… mỗi trái có chiêu xử lý khác nhau” - ông Thành nói. Đối với các đô thị miền Tây và TP.HCM, trái sơ ri của vùng bán đảo Gò Công (Tiền Giang) là loại trái cây được nhiều người yêu thích. Bà H., một thương lái chuyên thu mua sơ ri Gò Công, kể quá trình “xử lý” trái như sau: Do đặc điểm của trái sơ ri là không chín đồng loạt, khi chín thì dễ dập nát nên lúc thu mua thương lái thường thuê người hái toàn bộ trái còn xanh (đã già ngày tuổi) mang về đổ đống trên tấm bạt nylon. Sau đó họ phun thuốc lên đống trái sơ ri xanh rồi trùm kín bạt lại. Chỉ sau một đêm, toàn bộ những trái sơ ri xanh đều chuyển màu đỏ ửng nhưng không bị dập trong khi vận chuyển. Sau một đêm, rau quả… phát phì Nhà vườn, thương lái đua nhau sử dụng “thần dược” trên cây ăn trái, nông dân trồng rau màu cũng không chịu thua. Ông Nguyễn Văn Đắc, nông dân chuyên trồng khổ qua, đậu đũa, cải bắp, đậu cô-ve… ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), kể: Hiện nay do nhu cầu của thị trường thích rau đậu phải xanh mướt, không sâu bệnh nên những người trồng rẫy đều phun xịt vô tội vạ các loại thuốc BVTV, thuốc TT. Để đáp ứng nhu cầu rau trái phải tươi non, nhà nông không còn chờ đủ ngày tháng mới thu hoạch như trước mà sử dụng nhiều loại thuốc TT để phun cho rau trái. “Thuốc TT cho rau đậu hiện nay có rất nhiều loại, cửa hàng vật tư nông nghiệp nào cũng có bán. Trái cà chua, đậu cô-ve, đậu đũa, ớt, rau muống, rau nhút, rau cần tây… đang nhỏ xíu, chiều hôm trước cắt vào phun thuốc kích thích, sau một đêm là phát phì, sáng mang ra chợ bán tươi roi rói” - ông Đắc nói.
HÙNG ANH |
Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012
14:32
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét