19:58
Nước đã nghèo lại
cứ muốn tăng tiền xử phạt!
(NLĐO)- Trước việc Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng muốn tăng cả mức
tiền lẫn thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn
đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên nói: "Đất nước đã nghèo nhưng các
cơ quan quản lý lại đề nghị toàn biện pháp xử phạt nhiều tiền là không hợp
lý".
Sáng 24-4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đình La Thăng cùng lãnh
đạo một số bộ, địa phương đã tham gia phiên giải trình tại Ủy ban Pháp luật của
Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong
lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.
Đưa ra nhiều giải pháp để xử lý nghiêm các vi phạm, giảm tai nạn, ùn
tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh tới việc nâng trần mức phạt
tối đa đồng thời cho phép thanh tra viên, công an được tăng thẩm quyền xử
phạt, tránh đẩy việc xử phạt lên cấp cao.
Bộ trưởng
Đinh La Thăng muốn tăng cả mức tiền và thẩm quyền xử phạt cho thanh tra giao
thông
"Cần nâng mức xử phạt của thanh tra viên và công an lên 2 triệu
đồng, tịch thu và sung công với các hành vi nguy hiểm như đua xe trái phép mà
không phân biệt chủ sở hữu", Bộ trưởng Thăng đề nghị.
Theo người đứng đầu Bộ GTVT, nếu xe đua không bi tịch thu sẽ làm cho
người vi phạm coi thường kỷ cương, tiếp tục đua xe. Bộ trưởng Thăng cũng nhắc
lại kiến nghị mở tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện và yêu cầu một khoản
ký quỹ khi tham gia giao thông để tiến tới thu tiền phạt qua tài khoản.
Sau khi nghe Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình về thực trạng xử lý vi
phạm hành chính trong vận tải đường bộ và các biện pháp khắc phục trong thời gian
tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng
thắn: "Bộ GTVT chưa nhìn thẳng vào một số vấn đề mà dư luận đặc biệt
quan tâm".
Những vấn đề này, theo ông Hiển, đó là số vụ tai nạn, ùn tắc giao
thông vẫn không giảm nhiều và trách nhiệm của Bộ GTVT tới đâu khi chưa làm
tròn trách nhiệm dẫn tới tình trạng hiện nay?
“Các đồng chí muốn tăng quyền, nâng mức xử phạt lên, tăng mức tiền đầu
tư nhưng điều các đồng chí nói rất ít đến là tăng trách nhiệm của các cán bộ
làm công tác công vụ. Bộ làm thế nào để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ này,
khi mà thời gian qua dễ nhận thấy những hạn chế, tiêu cực, đặc biệt của thanh
tra giao thông. Tôi thấy lực lượng thanh tra giao thông chưa làm hết trách
nhiệm của mình, lấn sang cả việc của lực lượng CSGT. Luật quy định rõ lực
lượng thanh tra giao thông được làm những gì, quyền hạn tới đâu nhưng có vẻ họ vẫn lấn quyền sang công việc
của CSGT, vẫn vô tư dừng xe để xử phạt...” - Ông Hiển tỏ ra bức xúc.
Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong khi nhiều nước trên thế giới có
nhiều biện pháp ưu tiên cho các phương tiện vận tải công cộng thì ngành giao thông
lại cấm taxi hoạt động trên nhiều tuyến phố, trong khi ô tô cá nhân vẫn vô tư
hoạt động. Thậm chí xử lý hành chính cũng chưa được công bằng, đặc biệt với
taxi.
Trong khi ở TPHCM taxi được ưu ái hơn thì ở Hà Nội taxi bị ép. “Lực
lượng công vụ chỉ nhằm nhằm mấy ông này mà xử phạt, trong khi những chiếc xe xịn,
biển đẹp thì đừng có mơ dù cùng vi phạm lỗi đó. Tôi thấy có nhiều vụ việc xử
phạt không chuẩn, đồng tiền xử phạt không chảy vào nhà nước mà chảy vào túi
người khác” - ông Hiển bày tỏ.
Trước những vấn đề mà vị Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc
hội đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, thời gian qua Bộ GTVT đã cùng với
nhiều bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định pháp luật, xây dựng chiến
lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải… Bên cạnh đó là việc xây dựng
hệ thống giảm sát, xử lý tai nạn giao thông, xử phạt bằng hình ảnh, áp dụng
công nghệ tiên tiến vào xử phạt…
Trong buổi giải trình được tường thuật trực tiếp trên VTV1, ống kính
truyền hình liên tục lia về phía ông Phùng Quốc Hiển khi Bộ trưởng Đinh La Thăng
trả lời. Vị Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc tỏ thái độ không
hài lòng với những câu trả lời lòng vòng, không đúng trọng tâm của Bộ trưởng
Thăng.
Riêng ý kiến xử phạt taxi ở Hà Nội khắt khe, thiếu công bằng hơn so
với TPHCM, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đề nghị
ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời. Ông Khôi cho biết
tiếp thu ý kiến của ông Hiển và sẽ trao đổi thêm với TPHCM để học hỏi kinh
nghiệm về việc điều tiết, xử lý của lãnh đạo địa phương này.
Trước đề nghị tăng chế tài xử phạt, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ
nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng đất nước đã nghèo
nhưng các cơ quan quản lý lại đề nghị toàn biện pháp xử phạt nhiều tiền là không
hợp lý. "Chả lẽ không nghĩ ra biện pháp nào để xử phạt ít tiền mà vẫn
hiệu quả?", ông Tiên chất vấn.
Ông Tiên cũng rất quan tâm tới vấn đề uống rượu bia gây tai nạn giao
thông trong khi chưa có những động thái cho thấy sự quan tâm đúng mức của Bộ GTVT
trong vấn đề này.
“Hiện nay tai nạn giao thông gây chết người liên quan đến rượu bia rất
cao, tuy nhiên có thể thấy đánh giá của Bộ GTVT về vấn đề này chưa được chính
xác. Khi Quốc hội thảo luận về rượu bia thì Bộ GTVT im phăng phắc không nói
gì cả. Không hiểu các đồng chí có nắm được đánh giá của các tổ chức quốc tế
cho rằng 30% tai nạn giao thông chết người ở Việt Nam hiện nay có liên quan
đến rượu bia hay không?” Ông Tiên đặt
câu hỏi.
Vị Phó chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị ban hành ngay
những biện pháp mạnh cần thiết đối với các lỗi gây nguy cơ gây mất an toàn, tai
nạn giao thông. Trong đó, đối với lỗi say rượu bia điều khiển ô tô, xe máy có
thể tạm giữ ngay phương tiện, thậm chí tịch thu phương tiện và xem xét xử lý
hình sự như một số nước đang thực hiện.
Thế Kha
|
Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét