Sáng nay, giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ
Duy Hải
Cập nhật lúc 10:00
Sáng nay (6-5),
TAND tối cao sẽ mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án mạng tại Bưu điện Cầu
Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) liên quan đến số phận của tử tù Hồ Duy
Hải. Đây là phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm.
Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: T.L
Phiên tòa giám đốc thẩm sẽ do Chánh án TAND
tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Ngoài thành viên
hội đồng giám đốc thẩm còn có sự tham gia của đại diện Viện KSND tối cao, đại
diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An (các cơ quan công tố, xét xử sơ
thẩm) và đại diện TAND cấp cao tại TP.HCM, Viện KSND
cấp cao tại TP.HCM (cơ quan công tố, xét xử phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải).
Đặc biệt, phiên tòa này còn có sự tham gia của luật sư Trần Hồng
Phong (luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố
tụng, luật sư được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm.
Dự kiến phiên tòa này sẽ kéo dài từ hôm nay
(6-5) đến 8-5.
Hai lần bị kết án tử hình
Theo nội dung vụ án, năm 2007, Hồ Duy Hải
quen biết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa,
Long An). Sáng 14-1-2008, dư luậnchấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của
Bưu điện Cầu Voi bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc.
Hơn hai tháng
sau, ngày 21-3-2008, Hồ Duy Hải bị bắt giữ. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm thể
hiện, khoảng 19h30 ngày 13-1-2008, Hải đến Bưu điện Cầu Voi chơi.
Khoảng 20h30,
bưu điện nghỉ, Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu Vân đi mua trái cây. Trong
lúc chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Nguyễn Thị Ánh
Hồng nhưng bị chị Hồng phản ứng. Hải sát hại chị Hồng và sau đó tiếp tục sát
hại chị Vân.
Sau khi gây
án, Hải lấy 1 triệu đồng, khoảng 40 - 50 sim điện thoại, 1 điện thoại Nokia và
nữ trang của hai nạn nhân. Sau đó, Hải đem nữ trang đi TP.HCM bán được 3,7
triệu đồng.
Trong suốt
phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải kêu oan nhưng không được chấp nhận.
Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người và 5 năm tù về tội cướp tài sản.
Thoát chết một cách kỳ diệu!
Ngày 24-5-2011, chánh án TAND tối cao có quyết định không kháng
nghị và tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình
của Hồ Duy Hải.
Sau đó, ngày 24-10-2011, viện trưởng Viện KSND tối cao có quyết
định không kháng nghị và tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm
hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Tiếp đó, ngày 17-5-2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin
ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Ngày 24-11-2014, hội đồng thi hành án ra
quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5-12-2014.
Hồ Duy Hải và bà Nguyễn Thị Loan - mẹ của Hồ Duy Hải - có đơn kêu
oan. Bà Nguyễn Thị Rưởi - dì ruột và chị Hồ Thị Thu Thủy - em gái của Hải - có
đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với Hải. Khi mọi cánh cửa tưởng chừng đóng lại
với Hồ Duy Hải thì kỳ tích xảy ra.
Ngày
4-12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch
nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu chánh
án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường
hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước. Cùng
ngày, hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An ra quyết định hoãn thi hành án
tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 20-1-2015, bà Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái
Nguyên, có bản kiến nghị về việc xem xét kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải. Sau đó,
ngày 12-2-2018, Ủy ban Tư pháp Quốc hội có công văn kiến nghị với chánh án
TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm
vụ án.
Viện KSND tối cao kháng nghị hủy án
Ngày 22-11-2019, viện trưởng Viện KSND tối
cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hội đồng thẩm phán
TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và
phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình để điều tra lại.
Theo kháng nghị của Viện KSND tối cao, bản
án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình
tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy
đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm
rõ.
Kháng nghị phân tích nhiều điểm mâu thuẫn, chưa được làm rõ trong
hồ sơ như dấu vân tay ở hiện trường không trùng với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải
nhưng các dấu vân tay này là của ai thì cơ quan tố tụng chưa làm rõ.
Về vi phạm tố
tụng khi cơ quan điều tra không thu tang vật để truy nguyên mà đã tiêu hủy ngay
sau khi khám nghiệm hiện trường, không lấy lời khai nhân chứng, không điều tra
các đối tượng tình nghi khác, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một
số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
(Theo Tuổi trẻ)
TUYẾT MAI - HOÀNG ĐIỆP
|
Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét