Phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự: Phải độc lập, tuân
thủ 'suy đoán vô tội'
Cập nhật lúc
15:36
Nhiều ý kiến
cho rằng, muốn hạn chế oan, sai trong tố tụng hình sự cần tuân thủ tuyệt đối
nguyên tắc suy đoán vô tội. Ngoài ra, cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng
phải thật sự độc lập với nhau, độc lập với cấp trên, bỏ ngay tình trạng thủ
trưởng “duyệt án”.
Ông Phạm Quý Đoan - người bị kết án oan trong vụ trộm tượng Phật ở
Bắc Giang
Phải suy đoán
vô tội
“Các điều tra viên dùng gậy vụt vào đầu, chọc vào cổ họng; lấy còng số 8 khóa tay rồi treo lên trần nhà từ tối hôm trước tới sáng hôm sau” - đây là lời khai của các bị cáo trong phiên tòa xử vụ trộm tượng Phật ở Bắc Giang. Những người này sau đó được minh oan, họ khai tại tòa phải nhận tội ở giai đoạn điều tra vì bị đánh đập, nhục hình. Trong số họ, bị cáo Nguyễn Quý Đoan được điều tra viên vận động ký vào giấy từ chối luật sư nhưng ra tòa, ông vẫn cố nói với người thân: “Mời cho em luật sư”. Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên - Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc tham gia của luật sư ngay từ đầu vụ án chắc chắn sẽ làm giảm tình trạng oan sai nhưng có trường hợp “khó” thuê luật sư. Bà Liên nói: “Nhiều vụ, điều tra viên ép bị can từ chối luật sư, nói thẳng luật sư không giải quyết được gì cả. Trước kia, người bị tạm giam chỉ cần viết giấy từ chối luật sư là xong. Để đảm bảo tính khách quan, luật mới hiện nay quy định dù thân chủ từ chối, luật sư vẫn được gặp để "ba mặt một lời" và đã có nhiều trường hợp từng viết giấy từ chối luật sư nhưng khi gặp trực tiếp, họ nói không từ chối”. Tiến sĩ Liên khẳng định, muốn phòng chống oan, sai phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Bà nói: “Trước đây, hầu hết thực hiện theo suy đoán có tội nên tìm mọi cách lấy được chứng cứ kể cả nhục hình để có được bản cung theo ý muốn. Điều tra viên nhiều khi làm rất liều, pháp luật quy định rồi nhưng họ vẫn tìm cách hạn chế quyền của bị can. Hoặc có trường hợp, điều tra viên thiếu khách quan vì thành tích. Các bạn bên điều tra có nói tôi trong nhiều trường hợp phải phá án gượng ép để đáp ứng tiêu chí, thành tích thi đua”.
Giải thích
về nguyên tắc suy đoán vô tội, bà Liên phân tích: “Trước hết phải tìm chứng
cứ chứng minh người ta vô tội và khi không có mới tìm các chứng cứ chứng minh
tội phạm của họ. Nếu chúng ta thực hiện đúng các bước này, nó sẽ loại bỏ hành
vi sai trái của cơ quan tố tụng, đặc biệt là của cơ quan điều tra và cũng
loại được hành vi bức cung, nhục hình”.
Vẫn còn người chết khi tạm giam
Trong vụ án
trộm tượng Phật ở Bắc Giang nói trên, đã có 1 bị can chết trong trại tạm giam
ở giai đoạn điều tra, đây không phải hiện tượng hiếm. Theo thống kê của Viện
KSND Tối cao, năm 2018, cả nước có 116 người bị tạm giữ, tạm giam chết gồm 94
người chết do bệnh lý, 21 người tự sát và 1 người bị cán bộ đánh chết. Trong
các cơ sở giam giữ có nhiều vi phạm như không đảm bảo diện tích chỗ nằm, chưa
đúng định mức ăn, cùm chân 24/24h… và có trường hợp cơ quan điều tra không
cho người bị tạm giam gặp thân nhân theo quy định.
Đánh giá về
công tác tạm giam, luật sư Trần Thu Nam (Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng
sự) nêu quan điểm: “Thời hạn tạm giam của Việt Nam quá dài, lâu nhất có thể
hơn 2 năm. Thời hạn như vậy rất khủng khiếp, người ta không muốn nhận lỗi
nhưng tạm giam lâu trong điều kiện khắc nghiệt nên nhận cho xong. Nhiều
trường hợp, tạm giam lâu quá mức cần thiết, bị can chết hoặc mắc bệnh nguy
kịch dẫn tới đình chỉ điều tra hoặc xét xử. Như vậy không biết oan hay không”.
Luật
sư Trần Thu Nam nêu quan điểm, nên chuyển cơ sở tạm giam về Bộ Tư pháp quản lý
Luật sư Trần
Thu Nam cũng cho rằng, nên chuyển cơ sở tạm giam về Bộ Tư pháp quản lý nhằm
đảm bảo khách quan. Ông nói: “Câu chuyện ép cung, nhục hình trong nhà tạm
giam là có và thậm chí đã có điều tra viên bị khởi tố vì đánh chết người. Cơ
sở tạm giam hiện vẫn thuộc lực lượng công an, tôi không khẳng định là thiếu
khách quan nhưng có thể bị chi phối. Nếu giao về Bộ Tư pháp như nhiều nước
trên thế giới, cơ sở tạm giam sẽ độc lập với cơ quan điều tra, truy tố”.
Cũng theo
luật sư Nam, các quy định hiện nay đang giành quyền áp dụng biện pháp tạm
giam cho cơ quan tiến hành tố tụng, việc này có thể dẫn tới sự tùy tiện, làm
ảnh hưởng kết quả điều tra bởi: “Tạm giam nó mới khai”. Vì vậy, việc chuyển
nhà tạm giam về Bộ Tư pháp sẽ: “Hạn chế được tình trạng bức cung, nhục hình
như các vụ Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn...”.
Thế nào là độc lập? “Nguyên tắc độc lập trong điều tra, truy tố, xét xử giúp cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể kiểm tra, giám sát chéo hoạt động của nhau; tránh gây oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Nguyên tắc này được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác” - ý kiến của luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) khi được hỏi về biện pháp phòng chống oan, sai.
Luật
sư Giang Hồng Thanh cho rằng chưa có quy định thế nào là độc lập của cơ quan
tiến hành tố tụng
Tuy vậy, ông
Thanh cho biết: “Đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là độc lập? Độc
lập là cơ quan nào biết hoạt động của cơ quan đó, chỉ tham gia khi đến nhiệm
vụ của mình hay vẫn có thể tranh thủ ý kiến của nhau, họp bàn để trao đổi…?
Vì chưa có quy định nên đôi khi, 3 cơ quan tố tụng họp liên ngành để đánh giá
về vụ việc nào đó, và sẽ có những ý kiến nói như vậy đã vi phạm nguyên tắc
độc lập”.
Luật sư
Thanh cũng cho rằng, đã có trường hợp tòa án xác định điều tra “vi phạm
nghiêm trọng thủ tục tố tụng” nhưng lại đánh giá không xâm hại nghiêm trọng
đến quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng và không trả hồ sơ điều tra
bổ sung. Vì vậy, cần phải quy định rõ khái niệm này. Dẫn Bộ luật Tố tụng hình
sự, ông Thanh cho biết: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là không làm
đúng, đủ trình tự do luật tố tụng quy định và xâm hại nghiêm trọng đến quyền,
lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng…”.
Tuy nhiên,
Thông tư liên tịch số 02/2017 của liên ngành tư pháp trung ương lại quy định
không cần trả hồ sơ điều tra bổ sung khi: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố
tụng, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người
tham gia tố tụng”. Luật sư Thanh phân tích: “Thế nào là xâm hại nghiêm trọng
đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng phụ thuộc vào quan
điểm đánh giá của mỗi người. Vì vậy, rất mong liên ngành tư pháp sẽ quy định
rõ theo hướng cứ vi phạm nghiêm trọng tố tụng phải điều tra, truy tố, xét xử
lại”.
Bỏ tình trạng duyệt án
Thẩm phán
Trương Việt Toàn - Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội đánh giá trong hoạt
động xét xử, muốn hạn chế oan, sai cần: “Nâng cao năng lực thẩm phán chứ
không phải nâng lương hay nâng biên chế. Thứ 2, cần phân công thẩm phán xét
xử vụ án một cách ngẫu nhiên, như quay xổ số vậy chứ không như hiện nay, xét
xử vụ nào vẫn do chánh án phân công. Cuối cùng, cần bỏ tình trạng duyệt án
tức là ở một số nơi, dù không phải luật thành văn nhưng trước khi tuyên án,
thẩm phán vẫn hỏi xin ý kiến thủ trưởng”.
(Theo Tiền Phong) XUÂN ÂN - MINH ĐỨC
|
Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét