Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Tiến tới bỏ cấp phép xây dựng

Cập nhật lúc 14:25   

Dù Sở Xây dựng TP.HCM đã triển khai cấp phép trực tuyến mức độ 3, nhưng hầu hết việc xin phép xây dựng người dân vẫn phải đến nộp vì những bất cập của hình thức này.


Cấp phép xây dựng trực tuyến vẫn đang bị người dân chê vì chưa thật sự thuận tiện
ĐÌNH SƠN

Vẫn phải qua dịch vụ

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, dịch vụ cấp giấy phép xây dựng nhà ởriêng lẻ qua mạng cho phép người dân điền và gửi qua mạng các mẫu văn bản đến UBND quận, huyện. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Mỗi quận, huyện sẽ bố trí bộ phận một cửa điện tử, có nhiệm vụ kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ người dân nộp qua mạng trong giờ làm việc từ thứ hai đến thứ sáu và sáng thứ bảy.
Nếu hồ sơ hợp lệ, bộ phận này sẽ cấp biên nhận hồ sơ trực tuyến (có mã số và ngày hẹn trả kết quả), gửi cho người dân qua mạng và nhắn tin qua điện thoại. Sau khi nhận hồ sơ hoàn chỉnh, không quá 15 ngày làm việc (kể từ ngày cấp biên nhận trực tuyến), UBND quận huyện phải cấp giấy phép xây dựng qua mạng cho người dân. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng qua mạng đối với nhà ở riêng lẻ là 50.000 đồng/giấy phép.
Quy trình là vậy nhưng ông Tuấn, nhà ở P.16 (Q.8), cho biết ông xin giấy phép xây dựng nhà qua mạng mất gần 2 tháng vẫn chưa xong và cuối cùng cũng phải nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ UBND Q.8. Ông Tuấn kể, đầu tiên ông scan hồ sơ để nộp trực tuyến. Khoảng 4 ngày sau, cán bộ Phòng Quản lý đô thị Q.8 hẹn ông kiểm tra hiện trạng khu đất. Sau khi kiểm tra, cán bộ quản lý đô thị cho biết bản vẽ nhà ông không phù hợp với chỉ tiêu xây dựng và yêu cầu ông đến Phòng Quản lý đô thị nhận hồ sơ về sửa lại. Sau 2 lần đi lên đi xuống bổ túc hồ sơ, ông phải thuê công ty đo vẽ lại bản vẽ nhà và sau đó ông đem nộp hồ sơ trực tiếp lên bộ phận tiếp nhận hồ sơ mới được cấp giấy phép xây dựng. Như vậy tính ra từ khi nộp hồ sơ trực tuyến đến lúc thuê đơn vị tư vấn đo vẽ lại, phải mất hết 2 tháng mới hoàn thành thủ tục trong khi theo quy định thời hạn cấp giấy phép là không quá 15 ngày (chưa tính thời gian bổ sung hồ sơ).
Theo ông Đinh Ngọc Tuân - Giám đốc Công ty xây dựng Tài Tuân, nộp hồ sơ xin phép xây dựng trực tuyến có ưu điểm là có thể ngồi ở nhà nộp hồ sơ và khi hồ sơ bị lỗi là được báo ngay hoặc nếu có vấn đề gì người dân có thể gọi lên tổng đài là biết. Tuy nhiên, người dân không phải nộp trực tuyến là xong mà vẫn phải “đi tới đi lui” ít nhất 2 lần cầm phôi, chứng minh nhân dân, bản vẽ trực tiếp trên UBND quận, huyện nộp khi hồ sơ nộp trực tuyến đã đúng. Một bất cập nữa là người dân gần như không thực hiện được việc nộp hồ sơ trực tuyến, bởi muốn nộp phải có bản vẽ xây dựng được một công ty đo vẽ ký tên, đóng dấu xác nhận. Ngoài ra, họ phải scan (chụp) các giấy tờ thành một file (tập tin) để gửi lên.
Trong khi đó việc thuê đo vẽ, xác định ranh mốc, tọa độ cũng mất 7 triệu đồng. Nếu qua dịch vụ nhờ xin phép xây dựng mất thêm khoảng 3 triệu nữa. Chính vì vậy, đa số người dân đều thuê các công ty đo vẽ nộp hồ sơ dưới tên của chủ nhà, với chi phí tổng cộng khoảng 10 triệu đồng.
Ông Hà Minh Tân, Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhà Bè (TP.HCM), cho biết mỗi năm bình quân trên địa bàn huyện này cấp phép xây dựng cho khoảng 1.500 hồ sơ, trong đó cấp phép trực tuyến chiếm khoảng 30%. “Đa số là không rành nên thường chọn cách đến UBND huyện nộp trực tiếp. Khi gặp trực tiếp cán bộ tiếp nhận hồ sơ, người dân hỏi thủ tục và chỉnh sửa hồ sơ tại chỗ vì nhiều người cả đời mới xây 1 căn nhà nên gần như khi đi làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng rất lúng túng. Không những vậy, người dân khi nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng trực tuyến cũng phải cầm bản gốc lên UBND huyện nộp lại một lần nữa và ký tên lên hồ sơ nên họ vẫn chọn cách tới trực tiếp”, ông Tân giải thích.

Sẽ nâng lên cấp độ 4

Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng TP.HCM, thừa nhận hiện nay thủ tục cấp phép xây dựng chỉ mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nghĩa là người dân vừa có một nửa làm trực tuyến, vừa có một nửa phần việc phải nộp trực tiếp.
“Cái khó hiện nay đối với dịch vụ cấp phép xây dựng trực tuyến là khi hồ sơ trực tuyến được duyệt xong thì người dân vẫn phải nộp bản vẽ chính trực tiếp tại trụ sở UBND quận, huyện thì cơ quan cấp phép mới ký ban hành và cấp phép lại cho người dân. Thao tác như vậy gây phiền phức cho người dân”, ông Tiến cho biết và nói thêm rằng hiện nay Sở Xây dựng đang lấy ý kiến của các địa phương, cơ quan để trình UBND TP ban hành thủ tục cấp phép xây dựng theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là người dân có thể nộp hồ sơ cấp phép xây dựng trực tuyến 100% và nhận kết quả qua đường bưu điện, không cần phải lên làm việc với cơ quan chức năng.
Theo ông Tiến, hiện nay Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc để cập nhật thông tin quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý để làm cơ sở xác định chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch đến từng thửa đất để người dân biết được thửa đất mình được xây dựng như thế nào về chiều cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng...
“Chúng tôi đang nghiên cứu theo hướng dạng sơ đồ kết hợp trên bản đồ địa chính của Sở Tài nguyên - Môi trường. Trên cơ sở này Sở Xây dựng sẽ cập nhật các thông tin, chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng để làm cơ sở cho các đơn vị tư vấn để triển khai hồ sơ thiết kế khi triển khai thi công xây dựng công trình. Trong tháng 5.2020, Sở Xây dựng sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng để làm cơ sở tham mưu UBND TP.HCM ban hành quyết định về thực hiện quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thay cho mức độ 3 với thủ tục cấp phép xây dựng”, ông Tiến cho hay.
Để hoàn thiện về quy trình cấp phép xây dựng trực tuyến cho người dân, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng chữ ký số là giải pháp hữu hiệu. Do đó, tính pháp lý của chữ ký số cần phải được bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực và không thể chối bỏ. Do đó, các cơ quan T.Ư cũng như TP.HCM hướng tới áp dụng chữ ký số đồng bộ với dịch vụ công trực tuyến.

Góp phần giảm thủ tục

Thời gian qua UBND TP.HCM giao cho UBND Q.7 thực hiện bỏ giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ. Theo đó khi làm nhà, thay vì phải xin cấp phép như trước đây, người dân chỉ cần đăng ký xây dựng dựa trên những chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch hoặc thiết kế đô thị đã công bố.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch đô thị, trong đó có đề xuất miễn cấp phép xây dựng đối với nhà riêng lẻ trên địa bàn TP.HCM. Theo ông Châu, việc xin phép xây dựng tại các đô thị lâu nay vẫn là thủ tục mất nhiều thời gian, công sức của người dân. Hiện nay quy định người dân muốn được cấp phép xây dựng phải có quy hoạch 1/500.
Trong khi đó, đến nay tại TP chỉ những dự án bất động sản mới có quy hoạch 1/500, quy hoạch 1/2.000 vẫn còn chưa được phủ kín. Một trong những khâu yếu và bất cập hiện nay là việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2.000, quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
“Trong quy hoạch chi tiết 1/500 gần như đã thể hiện đầy đủ khoảng lùi, tầng cao, thiết kế căn nhà. Chính vì vậy, những công trình xây dựng thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng; công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ của cá nhân, hộ gia đình tại các khu vực đô thị đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt kiến nghị nên miễn cấp giấy phép xây dựng. Điều này nhằm góp phần giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với một số công trình quy mô nhỏ, đơn giản hoặc đã được nhà nước kiểm soát về quy hoạch, thiết kế xây dựng”, ông Châu kiến nghị.

Quý 1/2020, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến với các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 tại quận đạt gần 58%. Tuy nhiên, những thủ tục quy định như bản vẽ thiết kế xây dựng đòi hỏi người dân phải scan dữ liệu. Do vậy, tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực cấp phép xây dựng vẫn còn hạn chế.
 Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân

(Theo Thanh niên) Đình Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét