Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

Viện trưởng VKSND tối cao giữ nguyên quan điểm kháng nghị vụ Hồ Duy Hải

Cập nhật lúc 16:17  

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) khẳng định kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của mình là có căn cứ và cần thiết...
 

Tối 19/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo văn phòng của VKSNDTC xác nhận, Viện trưởng VKSNDTC đã có báo cáo gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Trước đó, ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã bác toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao và cho rằng kháng nghị này không đúng luật và trái thẩm quyền.
Nhiều điểm "mờ" trong vụ án chưa được làm rõ
Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về vụ án là đúng luật, đúng thẩm quyền và cần thiết.
Báo cáo phân tích, đây là vụ án giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo và không có chứng cứ vật chất trực tiếp. 


 Bị cáo Hồ Duy Hải trong một phiên xét xử trước đó.


Trong khi đó, lời khai của bị cáo không nhất quán và mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu chứng cứ khác, nhiều tình tiết chưa được làm rõ và nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra.
Báo cáo nêu những vấn đề chưa được làm rõ như: Mâu thuẫn về việc sử dụng thời gian của Hồ Duy Hải thể hiện Hải không thể có mặt ở bưu điện trước thời điểm nhân chứng Thường đến gọi điện thoại. Nội dung này rất quan trọng nên phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại;
Chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải là hung thủ không, nên cần phải hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm (thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi);
Bên cạnh đó, chưa làm rõ cơ chế gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân, về con dao mà bị cáo mô tả có khả năng gây ra vết thương đó không. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay...
VKSND tối cao cho rằng vi phạm về tố tụng đã ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những vi phạm, thiếu sót, nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật. Việc kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này là cần thiết, bởi lẽ, vụ án này được Chủ tịch nước có nhiều chỉ đạo về việc kiểm tra Hồ Duy Hải có bị oan sai hay không, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban tư pháp của Quốc hội kiến nghị xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm.
Với kết luận của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tại phiên giám đốc thẩm, cho những vi phạm đã nêu chỉ là sai sót về tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án, Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh, kết luận này là trái với các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự như nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13), nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” (Điều 15) và nguyên tắc “Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra” (Điều 19), trái với nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”.
“Những vi phạm trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo của VKSND tối cao cho rằng những vi phạm trên là vi phạm về nội dung do điều tra không đầy đủ và vi phạm về tố tụng, vì vậy đã ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những thiếu sót, vi phạm nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật.
Trái nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
Ngoài việc khẳng định kháng nghị của VKSND tối cao là cần thiết, báo cáo cũng khẳng định kháng nghị này là đúng pháp luật và đúng thẩm quyền. Về quyết định bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước, VKSND tối cao cho rằng: "Quyết định ân giảm mang tính chất nhân đạo bởi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình, là hình phạt nặng nhất kết thúc cuộc đời họ".
Theo viện, quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị tử hình có thể xin hoặc không xin ân giảm. Việc Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính sai đúng của bản án.
Khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm không có nghĩa là bản án tử hình sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước ân giảm hình phạt, cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương. Không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này.
“Kể cả trường hợp quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thì kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC theo hướng có lợi cho Hồ Duy Hải vẫn có thể thực hiện bất cứ lúc nào”, báo cáo phân tích.
Quyết định kháng nghị cũng căn cứ khoản 1, Điều 373 Bộ luật tố tụng hình sự (về thẩm quyền kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC) và khoản 2, Điều 379 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ).
Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao cũng khẳng định quy định của pháp luật hiện hành không có bất kỳ một điều khoản nào hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao.
Tái khẳng định quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết không an tâm nên kháng nghị hủy án, yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành điều tra lại vụ án để khẳng định một lần nữa Hồ Duy Hải có tội hay không.
“Việc làm này là thể hiện sự thận trọng, khách quan, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đồng thời củng cố lòng tin của người dân và xã hội đối với nền tư pháp Việt Nam”, báo cáo nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành kiểm sát nêu rõ vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định giám đốc thẩm trên theo thủ tục đặc biệt quy định tại Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.
(Theo Dân Trí) Nguyễn Dương - Hồng Lĩnh

Có những câu hỏi mà Tòa GĐT TANDTC cần trả lời: Theo điều luật nào quy định Tòa án có quyền tuyên một kháng nghị của VKSNDTC là trái pháp luật; nếu được như vậy thì chế tài xử lí hành vi vi phạm pháp luật của VKSNDTC là thế nào, ai là người xử lí? Nếu đã tuyên một cơ quan làm trái pháp luật rồi bỏ đó như là một phán quyết vu vơ thì có phải là cách làm của thể chế pháp quyền?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét