Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

 Bộ Quốc phòng cảnh báo cá nhân, DN Trung Quốc sở hữu đất trọng yếu

Cập nhật lúc 08:14                  

Theo Bộ Quốc phòng, hầu hết các lô đất do các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh  có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.


Dọc tường rào khu vực sân bay Nước Mặn (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có nhiều lô đất người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. ẢNH: HOÀNG SƠN

Do đó, Bộ Quốc phòng đã đề nghị phải rà soát lại các dự án ở biên giới, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp (DN) Trung Quốc, để tránh bị lợi dụng. Các nội dung này được nêu trong báo cáo tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 8 vừa được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố.

134 lô, 1 thửa đất tại Đà Nẵng liên quan yếu tố Trung Quốc

Gửi kiến nghị đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, cử tri TP.Hải Phòng cho rằng "tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào VN đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đaigần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay là rất đáng ngại"; đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục.

Rà soát các dự án tại khu vực biên giới

Bộ Quốc phòng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ 2 việc.
Thứ nhất, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, TP rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, DN Trung Quốc lợi dụng hoạt động.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm; chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá; kịp thời phát hiện báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn.

Trả lời kiến nghị cử tri về vấn đề trên, Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, DN người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng. Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (thuộc P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn); khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang (Q.Sơn Trà).
Về cá nhân, có 2 trường hợp là ông Liang Zhipei (Lương Chí Bồi, 45 tuổi), quốc tịch Trung Quốc, từng là kế toán trưởng, nay là Trưởng bộ phận giám sát công trình Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores (trụ sở P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn) và ông Chiu Cheng Tai (A Chiu, 61 tuổi), quốc tịch Đài Loan, Phó giám đốc Công ty TNHH Pu Fong (trụ sở tại P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà), đã đầu tư cho người VN "núp bóng" mua đất.
Từ năm 2011 - 2015, 2 trường hợp trên đã đầu tư tiền cho 8 người (trong đó 6người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỉ đồng.

Bổ sung quy định chấm dứt hoạt động của DN nếu phương hại đến an ninh, quốc phòng

Trả lời kiến nghị của cử tri Bến Tre về thu hút đầu tư có chọn lọc để giữ đất cho an ninh - quốc phòng, Bộ KH-ĐT cho biết sẽ đề xuất bổ sung quy định “nhà đầu tư không được đăng ký, chấp thuận hoặc bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường” vào dự thảo luật Đầu tư sửa đổi.
Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng được đề xuất sửa theo hướng “nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng”. Đề xuất bổ sung quy định về việc “dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển và khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh phải được chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan”.

Về DN, có 7 DN có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm. Cụ thể, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng, năm 2014 đã nhận quyền sử dụng đối với 10 lô đất trên mặt đường Hoàng Sa. Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ SilverPark, đứng tên mua 4 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn. Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp đứng tên sử dụng 2 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn. Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ Hoàng Gia Trung sử dụng 13 lô đất mặt đường Võ Nguyên Giáp.
Công ty TNHH MTV Golden Wynn Đà Nẵng sử dụng 1 lô đất ở mặt đường Hoàng Sa. Công ty TNHH thương mại - du lịch và dịch vụ V.N. Holiday (DN này đã chuyển nhượng, mua lại từ các cá nhân, DN Việt Nam) sở hữu 20 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty TNHH Silver Shores Hoàng Đạt, được UBND TP.Đà Nẵng cho thuê 200.000 m2 đất, thời gian thuê 50 năm (đến ngày 21.6.2056), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21.3.2017. 


Dọc tường rào khu vực sân bay Nước Mặn (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có nhiều lô đất người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. ẢNH: HOÀNG SƠN - ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN

Dư luận cảm thấy “đáng ngại” là có cơ sở

Theo Bộ Quốc phòng, để sở hữu các lô đất ở TP.Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức. Thứ nhất, là thành lập DN liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), DN sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, người Trung Quốc tăng vốn, giành quyền điều hành DN. Do tài sản góp vốn là đất, nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Sẵn sàng cho các tình huống phức tạp trên biển

Liên quan đến nhóm vấn đề về Biển Đông - vấn đề được đông đảo cử tri các địa phương gửi kiến nghị nhiều nhất, Bộ Quốc phòng cho biết tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Trung Quốc không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông” bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, ngày càng củng cố sự hiện diện, khả năng kiểm soát trên thực địa. Điều này đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng đã quán triệt và duy trì nghiêm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; bố trí các tàu trực, tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ, xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển. Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp.
Thứ hai, là người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp cá nhân có kinh tế khó khăn, nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất, như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô... Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Bộ Quốc phòng cho rằng cử tri và dư luận xã hội thấy “đáng ngại” về việc cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là có cơ sở.
Vụ việc trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP.Đà Nẵng xác minh làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, để sở hữu các lô đất, người Trung Quốc đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của luật Đầu tư năm 2014 “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập DN” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.

149 DN có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới 22 tỉnh

Liên quan đến tình hình các DN Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam, Bộ Quốc phòng cho biết tính đến ngày 30.11.2019, có 149 DN có yếu tố Trung Quốc (92 DN 100% vốn Trung Quốc, 57 DN vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành; trong đó, khu vực biên giới đất liền 24 DN, khu vực biên giới biển 125 DN.
Địa bàn tập trung nhiều DN Trung Quốc nhất là: Đà Nẵng 22, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 9, Hà Tĩnh 5, Bình Thuận 5... Các DN có yếu tố Trung Quốc ở khu vực biên giới đều hình thành từ tháng 12.2018 trở về trước (năm 2019 không có DN mới nào); trước khi cấp phép, đầu tư đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.
Dù các DN này đều cơ bản chấp hành pháp luật Việt Nam trong quá trình hoạt động, tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cũng cho biết “còn nổi lên một số vấn đề đáng chú ý”, như một số DN đưa lao động người Trung Quốc sang nhập cảnh dưới hình thức du lịch; sử dụng lao động Trung Quốc không khai báo, thậm chí có DN không có tư cách pháp nhân tuyển dụng lao động người nước ngoài nhưng vẫn tuyển dụng (tại địa bàn Bình Định, Đà Nẵng, Bình Thuận). Có tình trạng DN đầu tư “núp bóng” danh nghĩa DN Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nuôi trồng, chế biến, thu mua hải sản nhưng thực chất việc điều hành, quản lý do người Trung Quốc đảm nhiệm (tại Khánh Hòa, Quảng Ninh).
Một số DN dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma túy (tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum). Có DN trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường (tại Hà Tĩnh, Hải Phòng).
Cơ quan chức năng đã xử lý một số vụ việc có yếu tố liên quan đến người Trung Quốc: 3 vụ/63 người không khai báo tạm trú, 3 vụ/87 người không có giấy phép lao động, 1 vụ/285 công nhân Trung Quốc xô xát với công nhân Việt Nam, 1 vụ /3 trường hợp kết hôn trái phép, 4 vụ/310 lao động không chấp hành quy định trong quá trình làm việc tại các DN.
(Theo Thanh niên) Vũ Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét