Trung Quốc gia
tăng hành vi sai trái “chưa từng có” ở Biển Đông
Cập nhật lúc 09:36
Trung Quốc đang lợi
dụng dịch bệnh Covid-19 để đẩy mạnh một loạt các hành vi sai trái ở mức độ
“chưa từng có tiền lệ” trên Biển Đông.
Đây là nhận định được bà Sumathy Permal, Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Hàng hải eo biển Malacca, Malaysia đưa ra tại Hội thảo trực tuyến
về vấn đề Biển Đông có chủ đề “Đi qua những vùng biển tranh chấp” diễn ra
ngày 15/5 vừa qua.
Những hành vi gây hấn nguy hiểm
Theo nữ chuyên gia người Malaysia, từ đầu năm 2020, Biển Đông đã
trở thành “điểm nóng” chứng kiến những hành vi khiêu khích và gây hấn của
Trung Quốc nhằm vào các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc đã triển khai số
lượng lớn tàu tới các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước và có những
hành vi khiêu khích và quấy rối nguy hiểm.
Bà Sumathy Permal cũng cho biết, Trung Quốc cũng đã lợi dụng tình
hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các nước trong khu vực để tiếp
tục có những hành động leo thang căng thẳng khiến cộng đồng quốc tế hết sức
quan ngại mà điển hình là vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá QNg
90617 TS của Việt Nam với 8 ngư dân trên tàu ngày 2/4.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành vi
hết sức nguy hiểm và đáng lên án như trên. Gần một năm trước đó, hồi tháng
6/2019, tàu cá mang số hiệu F/B GIMVER1 của Philippines với 22 ngư dân trên
tàu cũng đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông.
“Những hành vi gây hấn nói trên cùng với việc Trung Quốc từ nhiều
năm qua liên tục cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông và xây dựng các công
trình trái phép trên đó, đồng thời ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là
"khu Nam Sa” và "khu Tây Sa” trên vùng biển thuộc chủ quyền của
Việt Nam được cho là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc nhằm hiện
thực hoá tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này thông qua chiến lược Biển
xanh 2020, bà Sumathy Permal nhấn mạnh.
Vị nữ chuyên gia này nêu rõ, một trong những chiến thuật chính mà
Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong suốt hơn 10 năm qua là triển khai các
nhóm tàu hỗn hợp gồm các tàu cá, tàu hải cảnh và hải giám tới vùng biển của
các quốc gia trong khu vực nhằm thực hiện hành vi khai thác trái phép, quấy
rối thậm chí gây hấn và tấn công tàu các nước khác.
Đáng lo ngại hơn, hành vi này của Trung Quốc không những duy trì
liên tục trong suốt nhiều năm qua mà còn tăng cường cả về tần suất, mức độ và
số lượng tàu tham gia và đã đạt ngưỡng “chưa từng có tiền lệ” trong khoảng
đầu năm 2020 và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi Trung Quốc đã
“rảnh tay” hơn trong việc đối phó với Covid-19.
Duy trì biện pháp pháp lý và ngoại giao
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường trên Biển Đông trong
thời gian qua, bà Sumathy Permal cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là
các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia –
vốn chịu nhiều tác động nhất từ các hành vi sai trái của Trung Quốc – cần
tiếp tục duy trì các biện pháp pháp lý và ngoại giao cứng rắn hơn nữa nhằm
đối phó với Trung Quốc.
Cụ thể, các nước trong khu vực đã nhất trí về một khuôn khổ pháp
lý trong việc bảo vệ các tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông nhằm ngăn chặn
những hành vi khai thác trái phép của Trung Quốc cũng như không để Trung Quốc
tiếp tục có những động thái gây rối, cản trở hoạt động khai thái, đánh bắt cá
và thăm dò dầu khí hợp pháp của các nước trong khu vực cùng các đối tác khác.
Ngoài ra, một số quốc gia trong khu vực, dù không có tranh chấp trực tiếp ở
Biển Đông như Indonesia cũng tham gia đề xuất các giải pháp và khuôn khổ pháp
lý và ngoại giao để giải quyết căng thẳng ở Biển Đông.
Hiện đã có ít nhất 3 cơ chế và khuôn khổ pháp lý và ngoại giao
khác nhau có sự tham gia của cả các nước có tranh chấp như Trung Quốc,
Malaysia, Philippines và Việt Nam và các nước không có tranh chấp ở Biển Đông
như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm giải quyết tình hình căng thẳng hiện
nay.
Tuy nhiên, bà Sumathy Permal cho rằng, các khuôn khổ pháp lý và
ngoại giao nói trên dù khá đầy đủ và đồng bộ nhưng vẫn chưa đủ sức buộc Trung
Quốc từ bỏ tham vọng sai trái của mình. Trên thực tế, dù nhiều lần tuyên bố
tôn trọng các thoả thuận hợp tác, đối thoại và tránh có các hoạt động làm leo
thang căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn liên tục khiến các nước trong
khu vực và cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại về những hành vi gây hấn khiến
tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Điều này cho thấy, các khuôn khổ pháp lý và ngoại giao này vẫn
chưa đủ tính ràng buộc pháp lý cần thiết để buộc Trung Quốc chấm dứt những
hành động sai trái của mình. Tương tự như vậy, Tuyên bố về Ứng xử của các Bên
ở Biển Đông (DOC) dù đã được Trung Quốc và ASEAN thông qua năm 2012 và được
coi là một văn kiện quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển
Đông vẫn chưa thể phát huy hết tác dụng bởi cũng không mang tính ràng buộc.
Trong khi đó, việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán thông qua Bộ Quy
tắc Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (COC) – với tính ràng buộc pháp lý cao –
được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa căng thẳng tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông
lại đang gặp rào cản lớn cũng do đại dịch Covid-19 khiến các cuộc đàm phán về
COC không thể diễn ra trực tiếp theo lộ trình đã được các bên nhất trí thông
qua.
“Tôi vẫn cho rằng, việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán COC
trong thời gian tới [khi dịch Covid-19 qua đi-PV] là rất quan trọng. Tuy
nhiên, kết quả đàm phán có thể sẽ rất khác biệt so với trước đây nếu xét đến
những gì đang diễn ra trên thực địa để đảm bảo rằng sự thành công trong việc
thông qua COC là một kết quả xứng đáng với những nỗ lực và quyết tâm chính
trị của các nước tham gia đàm phán”, bà Sumathy Permal nêu rõ./.
Trần Khánh-Hồ Điệp/VOV.VN
|
Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét