Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần hủy án, điều tra lại vụ Hồ Duy Hải

Cập nhật lúc 16:14                               

Sau quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, đã có nhiều ý kiến trái chiều về quyết định của hội đồng. Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Hòa, thành viên Hội đồng thẩm phán (Tuổi Trẻ, ngày 12-5). 

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng

Sau cuộc trao đổi này, các chuyên gia tiếp tục có ý kiến khác nhau về các luận điểm do ông Bùi Ngọc Hòa đưa ra cũng như nội dung phán quyết của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) về vụ án này. Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ giới thiệu thêm các ý kiến phân tích về tính pháp lý của vụ việc.
* Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA:
Cần hủy án, điều tra lại
Tôi thấy những luận cứ mà HĐTP TAND tối cao đưa ra chưa đủ sức thuyết phục để giải quyết hết những vấn đề được nêu ra bởi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và kháng nghị của Viện KSND tối cao. Khi chưa giải quyết được hết những vấn đề đó thì quyết định giám đốc thẩm sẽ làm nhiều người lo ngại, băn khoăn nhiều điểm.
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện đang tiếp cận với sự tiến bộ của nền tư pháp của các quốc gia phát triển nhưng theo tôi, quyết định giám đốc thẩm không phát huy được hết những tiến bộ trong đạo luật đó, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội. Mỗi quyết định của tòa giám đốc thẩm vô hình trung sẽ trở thành án lệ hướng dẫn cho công tác tố tụng về sau.
Tuy nhiên, những sai sót về mặt tố tụng trong quá trình điều tra cũng như giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã rất rõ. Ủy ban Tư pháp đã trực tiếp giám sát toàn bộ hồ sơ vụ án, gặp Hồ Duy Hải trong trại giam, từ đó mới đưa ra nhận định đánh giá. Dựa trên đánh giá của Viện KSND tối cao và Ủy ban Tư pháp thì những sai sót của quá trình điều tra, bản án sơ thẩm, phúc thẩm là nghiêm trọng.
Cần minh định rõ là kháng nghị của Viện KSND tối cao không hề nói Hồ Duy Hải bị oan, mà chỉ nêu ra những vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên đề nghị điều tra lại. Khi xét xử vụ án nếu có sai sót nghiêm trọng về mặt tố tụng thì luôn luôn có nguy cơ oan sai, nên việc hủy án điều tra lại là để tránh oan sai. 
BLTTHS cũng có những quy định chặt chẽ trong điều tra, thu thập chứng cứ cũng như xét xử. Nếu việc tuân thủ các quy định này không đầy đủ thì phải điều tra lại, để có bản án khác dựa trên cơ sở tuân thủ đầy đủ quy định đó thì sẽ có sức thuyết phục đối với dư luận, với nhân dân, cử tri và cả chính bị cáo.
Trong một vụ án giết người có mấy loại chứng cứ cực kỳ quan trọng. 
Thứ nhất, chứng cứ đầu tiên là vật chứng để chứng minh trực tiếp hành vi phạm tội, nhưng quá trình thu thập đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Các vật chứng chủ yếu được kết luận là dùng để gây tội đã biến mất. 
Thứ hai, dấu vết như máu, vân tay nhưng việc thu thập, xét nghiệm có rất nhiều vấn đề. 
Thứ ba, các loại thời gian thời điểm của nghi can, những người khác có liên quan, thời gian thời điểm bị hại tử vong... là yếu tố cần thiết để buộc tội giết người nhưng các yếu tố này trong vụ án Hồ Duy Hải đều có sai sót nghiêm trọng, nên tôi cho rằng cần hủy án điều tra lại.
Về phán quyết của hội đồng giám đốc thẩm cho rằng kháng nghị của viện kiểm sát vi phạm pháp luật, theo tôi, những căn cứ tòa đưa ra cũng chưa thuyết phục. Theo điều 379 BLTTHS, kháng nghị theo hướng có lợi cho bị cáo thì không bị khống chế về thời gian. Kể cả khi bị cáo đã chết vẫn có thể kháng nghị.
Việc Chủ tịch nước quyết định bác hoặc chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính sai đúng của bản án. Nó khác với các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của chánh án TAND tối cao hay viện trưởng Viện KSND tối cao. Pháp luật cũng không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này (nếu có).
Do đó, dù quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thì kháng nghị của Viện KSND tối cao theo hướng có lợi cho bị án này vẫn có thể thực hiện bất cứ lúc nào.
* TS LÊ HUỲNH TẤN DUY (tổ trưởng bộ môn tố tụng hình sự, khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM):
Quyết định kháng nghị không trái luật


Đây là vụ án được dư luận quan tâm rất lớn, nên sáng nay (12-5) tôi đã đọc bài trao đổi của Tuổi Trẻ với ông Bùi Ngọc Hòa, thành viên HĐTP, từ rất sớm và nghiên cứu khá kỹ.
Tôi có một số ý kiến như sau: HĐTP TAND tối cao cho rằng quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng Viện KSND tối cao là không đúng pháp luật vì quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực. 
Theo điều 367 BLTTHS năm 2015 về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành không đặt ra điều kiện Chủ tịch nước phải hủy quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình trước khi viện trưởng Viện KSND tối cao thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm.
Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 điều 379 BLTTHS năm 2015, "việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ".
Ở đây có một điểm khá thú vị, đó là nếu HĐTP TAND tối cao cho rằng quyết định kháng nghị trên không hợp pháp thì không cần phải xem xét lại vụ án. Tuy nhiên, có thể do pháp luật tố tụng hình sự chưa điều chỉnh trường hợp đặc biệt này và đây cũng là cơ hội để xem xét lại cẩn trọng, toàn diện và xử lý dứt điểm vụ án đối với người bị kết án tử hình trên cơ sở kiến nghị, yêu cầu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước... nên HĐTP vẫn tiến hành thủ tục giám đốc thẩm.
* Ông ĐỖ ĐỨC VĨNH (nguyên kiểm sát viên cao cấp):
Cả hai cơ quan cùng vượt quá thẩm quyền
Rõ ràng BLTTHS chưa tiên liệu được trường hợp như vụ án của tử tù Hồ Duy Hải, vậy nên khi xảy ra việc cả hai cơ quan tố tụng là tòa án và viện kiểm sát đều có quyết định không kháng nghị bản án, nhưng rơi vào tình huống buộc phải xem xét lại bản án thì mỗi cơ quan có cách áp dụng pháp luật khác nhau.
Trong khi Viện KSND tối cao có đến hai quyết định vừa kháng nghị vừa không kháng nghị, tòa mở phiên họp xem xét kháng nghị thì tòa cho rằng kháng nghị không đúng luật. Không đúng luật nhưng vẫn xem xét cả nội dung và hình thức, rồi thừa nhận một số nội dung kháng nghị đúng. Do vậy, theo tôi, cả hai cơ quan tố tụng đều đã vượt quá thẩm quyền của mình.
Trong vụ án cụ thể này, sau khi thành lập đoàn liên ngành để xem xét, đánh giá vụ án và đoàn này đã thống nhất vụ án không oan, không sai và không cơ quan nào kháng nghị thì thẩm quyền của cả tòa án và viện kiểm sát đã hết. Lúc này, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu mở phiên tòa đặc biệt để xem xét lại vụ án thì TAND tối cao mở phiên tòa theo thủ tục đặc biệt để đánh giá lại.
Lần đầu tiên xử giám đốc thẩm công khai



Ngày 12-5, ông Nguyễn Trí Tuệ - phó chánh án TAND tối cao - đã thông tin thêm về phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ông Tuệ cho biết trong ba ngày làm việc, HĐTP TAND tối cao đã công bố các tài liệu, chứng cứ vụ án, kết quả thẩm định vụ án. Việc tòa án các cấp xét xử Hồ Duy Hải về tội "giết người" và "cướp tài sản" là có căn cứ.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Hải đều xin giảm nhẹ hình phạt, sau khi bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, Hải mới kêu oan.
Ông Tuệ cũng khẳng định vụ án Hồ Duy Hải là vụ án lần đầu tiên TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm công khai. Thành phần tham dự có các cơ quan tố tụng từ trung ương tới địa phương; các cơ quan tố tụng tham gia vụ án từ sơ thẩm đến phúc thẩm; một số cơ quan như Ban Nội chính trung ương, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước.
Sẽ kiến nghị Quốc hội giám sát lại vụ án
Sau khi phân tích những vấn đề cốt lõi cho thấy nhiều luận cứ mà Hội đồng giám đốc thẩm TAND tối cao đưa ra là chưa thuyết phục, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói: "Từ những băn khoăn trên, với tư cách là ĐBQH, tôi sẽ tiếp tục theo dõi và quan tâm kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát lại quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao về vụ án này".
Nhóm PV Báo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét