Cách nào ngăn chặn người nước ngoài mua đất 'nhạy cảm'
Cập nhật lúc 08:19
“Người nước
ngoài “núp bóng” mua đất ở những lĩnh vực nhạy cảm đã được Quốc hội chất vấn,
Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời “chưa thấy gì”… Nhưng báo cáo của Bộ Quốc
phòng đã chỉ ra một loạt trường hợp vào mua đất ở sân bay, nhưng không có bộ
lọc nào ngăn chặn”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu.
Đại
biểu QH đề nghị xem xét lại các dự án bất động sản ven biển có yếu tố nước
ngoài
Ngày 22/5, tại phiên thảo luận về chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) kiến nghị Quốc hội
nghiên cứu ban hành Luật An ninh về kinh tế để ngăn chặn những nguy cơ.
Theo đại biểu, đó là nguy cơ về chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. “Chúng ta có thể thấy bản đồ đường lưỡi bò của các doanh nghiệp có người Trung Quốc nắm giữ từ du lịch cho đến hoạt động kinh doanh khác. Bản đồ có đường lưỡi bò thể hiện qua nhiều công cụ để tác động đến chủ quyền quốc gia. Hay dự án bất động sản ven biển vừa qua. Đấy là những vấn đề đe dọa đến chủ quyền quốc gia thông qua các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế”, ông Vân nói.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Cà Mau cũng đề cập những
nguy cơ bất ổn về cân đối vĩ mô thông qua các chỉ số tăng trưởng đầu tư công,
an toàn chính sách tài khóa. Bên cạnh đó là nguy cơ tham nhũng thông qua các
dự án hợp tác quốc tế qua việc hợp tác để âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm, để
thao túng kinh tế. Hay như nguy cơ về an ninh môi trường thông qua các dự án
đầu tư, hợp tác với nước ngoài, đặc biệt tại các khu công nghiệp, đe dọa đến
môi trường sống, tính mạng của nhân dân…
Cuối cùng, theo
đại biểu đó là tác động từ toàn cầu hóa. “Sau đại dịch COVID-19 toàn cầu,
chúng ta thấy thế giới đang vẽ lại bản đồ về chính trị, kinh tế và các lỗ
hổng toàn cầu hóa buộc các quốc gia phải thắt chặt lại an ninh kinh tế theo
cách riêng.
Đó là bảo đảm nội lực để ngăn chặn những tác động
xấu từ ngoại lực, là an toàn về thị trường trong nước dưới tác động của đại
dịch COVID, nó có thể phá vỡ độ liên kết giữa các quốc gia trong hoạt động
kinh tế. Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng”, ông Vân nói.
Cùng mối quan tâm, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa
(TPHCM), vấn đề kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài, liên quan đến an ninh
quốc phòng được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Theo đại biểu, vừa qua nổi
lên khoảng trống pháp luật thể hiện qua các vụ nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng
sơ hở này. Có thể mục đích chưa chắc là xâm phạm chủ quyền, nhưng không loại
trừ thế lực thù địch lợi dụng, tạo ra nguy cơ.
“Báo cáo của Bộ Quốc phòng vừa qua rất đáng quan
tâm, vì tình hình người nước ngoài “núp bóng” mua đất ở những lĩnh vực nhạy
cảm đã được Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trả lời “chưa thấy
gì”. Nhưng báo cáo của Bộ Quốc phòng đã chỉ ra một loạt trường hợp vào mua
đất ở sân bay, đất đắc địa, nhạy cảm mà không có bộ lọc nào ngăn chặn”, đại
biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý, đồng thời đề nghị có luật thu hút đầu tư nước
ngoài trên tinh thần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, an ninh
truyền thống và phi truyền thống.
Sửa
Luật Ðất đai không cấp bách?
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé
(Kiên Giang) băn khoăn khi dự án Luật Đất đai sửa đổi được rút ra nhưng chưa
biết bao giờ mới đưa vào chương trình. Theo đại biểu, vấn đề quản lý đất đai
thời gian vừa qua có quá nhiều vướng mắc, yếu kém. Luật Đất đai còn quy định
chung chung, chưa rõ ràng, một số vấn đề phát sinh mới về quản lý đất đai
chưa được điều chỉnh kịp thời, còn quy định chồng chéo, khó hiểu, khó áp dụng.
“Vấn đề đất đai, quản lý đất đai có tác động rất lớn đến tài sản đất đai của người dân. Thực tế, bức xúc của nhân dân dẫn đến khiếu kiện phần lớn xuất phát từ vấn đề liên quan đến đất đai. Theo thống kê của ngành thanh tra, khoảng gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai.
Ở đây, ngoài năng lực yếu kém của cơ quan quản lý
nhà nước thì vấn đề về pháp luật chưa rõ ràng đã tác động lớn đến việc thực
hiện quản lý lĩnh vực này. Như vậy, sửa Luật Đất đai có thiết thực, có cần
thiết, có cấp bách hay không?”, đại biểu Kim Bé đặt vấn đề và đề nghị sớm đưa
luật này vào xem xét sửa đổi trong năm 2021.
Ngược lại, xuất phát từ tình hình thực tế, đại biểu
Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM đồng ý rút Luật Đất đai ra
khỏi chương trình lần này, vì sự chuẩn bị, theo bà Tâm, chưa đảm bảo để trình
Quốc hội. Mặt khác, việc thực thi Luật Đất đai còn phải gắn và đồng bộ với
một số luật khác, như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
“Tôi rất kỳ vọng sẽ sửa Luật Đất đai đồng bộ với các luật này để khi thực thi trong thực tiễn sẽ bớt những chồng chéo, vướng mắc, những khó khăn và lỗ hổng về pháp luật. Đặc biệt giữa công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch phải đồng bộ, hài hòa với lợi ích của người dân và người sử dụng, cũng như tổ chức sử dụng”, bà Tâm bày tỏ. Báo cáo Quốc hội trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ đã rút khỏi chương trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Lý do, để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi.
Từ đó khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể
chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các
nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây
dựng dự án luật bảo đảm chất lượng. Nếu chuẩn bị kịp, dự án này sẽ được bổ
sung để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng
10/2021).
Bộ
trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Chậm
do nhiều cơ quan “chưa đầu tư hết công sức”
“Luật Đất đai là một luật rất khó. Trên thực tế,
Chính phủ đã nâng lên đặt xuống ít nhất hai lần. Hai lần xin đưa vào rồi xin
rút ra, sau đó đề xuất sẽ có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để
xử lý một số vấn đề vướng mắc, bức xúc. Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến bức
xúc và phê bình của đại biểu Quốc hội. Tôi thấy nguyên nhân chủ quan là chủ
yếu. Các cơ quan chủ trì, tham mưu cho Chính phủ cũng chưa đầu tư hết công
sức... Chúng tôi xin tiếp tục bàn với Bộ TN&MT để làm việc này”, Bộ
trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình.
Đề
xuất ban hành Luật Bảo vệ người làm việc tốt
“Nhiều việc chúng ta thấy người ngoài xã hội vô cảm
trước những khó khăn, những nguy hiểm có thể xảy ra đối với người khác. Theo
tôi, một phần ít trong số đó là những người không tốt. Còn lại những người
không giúp đỡ người khác là do họ có tâm lý sợ phiền hà, trách nhiệm về pháp
lý, sợ bị hiểu nhầm, lo ngại làm ơn mắc oán vì hành động của họ có rủi ro mà
chưa được pháp luật bảo vệ. Bởi ngoài tự bảo vệ cho bản thân họ còn phải chăm
lo cho gia đình… Vì vậy, để phát triển hành vi đạo đức trong xã hội, tôi đề
nghị Quốc hội cần nghiên cứu, ban hành một đạo luật mới, đó là Luật Bảo vệ
người làm việc tốt”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu ý kiến.
(Theo Tiền Phong) THÀNH NAM
|
Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét