Nhóm khoa học Trung Quốc tuyên bố tạo
ra thuốc ngăn được COVID-19, không cần vắcxin
Cập nhật lúc 16:56
Các nhà khoa
học thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã sử dụng 14 loại kháng thể có trong
huyết tương những người khỏi bệnh để tạo ra một loại thuốc có thể sản xuất
hàng loạt và tạo khả năng miễn dịch trong ngắn hạn.
Một
bệnh nhân COVID-19 hồi phục đi hiến tặng huyết tương tại bệnh viện tỉnh Sơn
Đông (Trung Quốc) - Ảnh: AFP
Hãng thông tấn AFP dẫn
lời ông Sunney Xie - giám đốc phòng nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh, cho
biết loại thuốc nói trên đã được thử nghiệm thành công trên động vật và đang
chờ thử nghiệm trên người.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch thử nghiệm
lâm sàng cho loại thuốc mới này", ông Xie hé lộ và cho biết có thể thuốc
sẽ được thử nghiệm ở Úc hoặc các quốc gia khác vì số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc hiện còn rất ít.
Tính đến ngày 19-5, Trung Quốc chỉ còn 85 bệnh nhân COVID-19 đang điều
trị trong tổng số gần 83.000 ca nhiễm.
Theo AFP, nhóm nghiên
cứu của ông Xie sử dụng các kháng thể trung hòa lấy từ huyết tương của khoảng
60 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh.
Họ thử tiêm kháng thể trung hòa vào những
con chuột nhiễm bệnh, kết quả sau 5 ngày lượng virus trong người chúng đã
giảm xuống 2.500 lần. Nếu tiêm
kháng thể trung hòa cho những con chuột khỏe mạnh, chúng sẽ hoàn toàn miễn
dịch trước virus.
"Điều đó có nghĩa loại thuốc này có tiềm năng điều trị hiệu
quả", ông Xie tỏ ra hồ hởi.
"Chuyên môn của chúng tôi là gen học đơn bào chứ không phải miễn
dịch học hay virus học. Vậy nên khi chúng tôi nhận ra rằng phương pháp gen
học đơn bào có thể tìm thấy các kháng thể trung hòa hiệu quả, chúng tôi sướng
đến run người".
Việc sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh trong điều trị
COVID-19 không phải là điều mới mẻ. Ít nhất 700 bệnh nhân tại Trung Quốc đã
được điều trị theo cách này. Mỹ cũng có dự án nghiên cứu tương tự.
Tuy nhiên, theo nhóm của ông Xie, khuyết điểm của phương pháp này là
bị hạn chế nguồn cung huyết tương. Nhưng 14 loại kháng thể trung hòa được sử
dụng trong thuốc thử nghiệm của nhóm ông thì khác, bởi chúng có thể được sản
xuất hàng loạt một cách nhanh chóng.
Theo
Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu công việc từ
ngày 27-1 năm nay khi số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc trên 4.500 người.
Trong ảnh: Nhóm nghiên cứu của ông Xie (giữa) - Ảnh chụp màn hình
Theo AFP, hiện chỉ mới
có một loại thuốc được cấp phép trong điều trị COVID-19 là Remdesivir do Mỹ
sản xuất. Ngoài Mỹ, Nhật Bản là quốc gia thứ hai phê duyệt sử dụng loại thuốc
này sau các thử nghiệm lâm sàng diện rộng cho thấy nó giúp rút ngắn thời gian
hồi phục của các bệnh nhân xuống còn 1/3.
Loại thuốc đang nghiên cứu của Trung Quốc được cho là còn tiến bộ hơn
thế nữa. Không chỉ đẩy nhanh quá trình hồi phục, loại thuốc này còn giúp tạo
ra miễn dịch trong ngắn hạn, cho phép các nhóm dễ bị lây nhiễm như y bác sĩ tuyến
đầu có thể miễn nhiễm virus trong vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi sử
dụng.
Hiện có khoảng 100 dự án phát triển vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn thế
giới. Trong đó Trung Quốc có 5 loại vắcxin đã bước vào giai đoạn thử nghiệm
trên người.
Nhóm của ông Xie hi vọng loại thuốc ngừa COVID-19 của nhóm ông sẽ tới
đích trước tiên do phát triển vắcxin đòi hỏi nhiều biện pháp khắt khe.
"Chúng ta sẽ có thể ngăn chặn đại dịch bằng một loại thuốc hiệu quả,
ngay cả khi không có vắcxin", ông Xie tự tin khẳng định.
(Theo
Tuổi trẻ) Bảo Duy
|
Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét