Thất thoát thuế ở 'cổng' hải quan: Khai giá thấp để trốn thuế
Cập nhật lúc 08:10
Nhiều mặt hàng chịu thuế nhập khẩu cao, doanh nghiệp khai
giá nhập thấp để đóng thuế thấp. Muốn vậy, doanh nghiệp phải “cậy nhờ” hải
quan.
Nhiều mặt hàng có thuế nhập khẩu cao thường được
khai báo trị giá hải quan thấp để trốn thuế. Ảnh L.Nghi
Khai giá thấp hơn giá nhập từ
30 - 50%
Một số nhà nhập
khẩu thịt đông lạnh phía bắc cho biết giá đùi gà góc tư nhập khẩu từ thị
trường Mỹ được doanh nghiệp (DN) khai báo giá 0,8 USD/kg. Nhưng giá tham
chiếu các cơ quan hải quan đưa ra là 1,22 USD/kg. Mức thuế phải đóng với gà
nhập từ Mỹ là 20%. Nếu không đồng ý đóng thuế với mức giá hải quan yêu cầu là
1,22 USD/kg, DN có thể xin tham vấn giá.
Tuy nhiên,
thường các DN thỏa thuận với nhân viên hải quan để tính theo mức giá nhập 0,8
USD/kg để tránh… phiền hà. “Việc chung chi này không phổ biến, thấp hơn nhiều
so với trước, nhưng nếu nhân viên làm thủ tục không hiểu ý, rất khó làm lâu
dài”, đại diện một DN nhập khẩu thịt đông lạnh cho biết.
Cũng liên quan
khai báo giá để tính thuế, thường các mặt hàng nhập khẩu phải chịu thuế nhập
khẩu quá cao, DN luôn khai giá thấp hơn để giảm tiền thuế lại. Tất nhiên,
muốn khai thấp, DN phải “biết điều”.
Ví dụ, giá nhập
khẩu rượu vang từ các nước châu Âu trung bình khoảng 3,3 USD/chai. Thế nhưng,
nhiều nhà nhập khẩu khai báo giá 2 USD/chai. Mặt hàng rượu vang hiện đang
chịu 50% thuế nhập khẩu, 35% thuế tiêu thụ đặc biệt và 10% thuế GTGT. Giả sử
với mức giá 2 USD/chai, giá sau thuế của chai rượu vang nhập khẩu sẽ là 4,46
USD/chai. Nếu tính đúng giá nhập 3,3 USD/chai, giá sau thuế của chai rượu
vang nhập là 7,35 USD/chai. Việc khai giảm giá vốn khiến ngân sách thất thu
1,59 USD tiền thuế (tương đương 37.000 đồng/chai).
Tương tự, mặt
hàng giày dép và áo quần có thương hiệu, nhiều DN chỉ khai báo giá bằng 50%
giá trị thực nhập. Chẳng hạn, giá đôi giày Nike mua thực tế là 50 USD nhưng
chỉ khai 25 USD. Thuế nhập khẩu ưu đãi với giày là 30% và với áo quần là 20%.
Nếu khai giá chỉ bằng một nửa, nhân theo mức thuế 20 - 30%, nhà nước thất thu
lượng tiền thuế không hề nhỏ. Tương tự với mặt hàng xe đạp, thuế nhập khẩu 60
- 70%, xe đạp đua 5%, xe đạp khác 40 - 50%... DN chỉ cần áp mã lệch một chút,
sẽ hưởng lợi số tiền thuế không nhỏ.
Đáng nói là,
nhiều vụ khai giá thấp này được “hỗ trợ” từ cán bộ hải quan. Một nhân viên làm
thủ tục giao nhận của công ty logistics ở miền Bắc cho
hay: “Cán bộ hải quan từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, chắc chắn họ nắm
được giá gốc từ nước ngoài. Hoặc tính toán từ giá bán trên thị trường, trừ
các khoản phí, thuế, lợi nhuận, cũng tính ra được giá thành. Tuy nhiên, nhiều
đơn vị vẫn đồng ý mức giá 2 USD/chai rượu vang mà DN khai. Đổi lại, DN phải
có thỏa thuận ngầm như “luật bất thành văn” với nhân viên hải quan”.
Bắt
tay thì khó phát hiện
Theo chuyên gia
xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty SeaAir Global, việc
xác định trị giá hải quan chỉ là một trong những cách xác định giá và trị giá
hải quan cũng chỉ là giá đầu vào.
Muốn tối ưu hóa
quản lý về thuế nói chung, phải quản lý giá bán ra ngoài thị trường của DN.
Tất nhiên, doanh thu, các báo cáo tài
chính cũng phải nắm vững bởi DN có thể xuất hóa đơn khống để
“làm bùa” giá đầu ra.
Ví dụ, trị giá
hải quan giá sản phẩm đó là 3 USD (nhưng hàng thực tế giá 5 USD), sau đó DN
bán ngoài thị trường đến 9 USD. Tuy nhiên nếu dựa vào giá 3 USD, sau khi cộng
các chi phí quản lý, phân phối, marketing... thì giá bán ngoài thị trường của
hàng hóa chỉ là 5 USD.
Như vậy, nếu DN
cố tình khai giá thấp là 3 USD để trốn thuế, thì cơ quan quản lý thị trường,
thuế và hải quan phải biết được giá bán của DN là 5 USD, điều này dẫn đến DN
không thể nâng giá bán thị trường lên cao để bù vào khoản chênh lệch do khai
giá thấp. Ông nói: “Quản lý thuế phải quản lý giá DN đang bán sẽ dễ nắm giá
đầu vào hơn. Thực tế, nhiều DN khi mua bán với Trung
Quốc có giá rất tốt, nhưng điều này dẫn đến việc DN đó bị đưa
vào tầm ngắm là khai giá thấp để trốn thuế. Thế nên,
nắm được giá bán tại thị trường, nắm báo cáo chi phí cấu thành giá bán mới dễ
dàng suy ra giá nhập của DN được. Tất nhiên quản lý giá không chỉ liên quan
đến bộ phận hải quan mà thêm cơ quan quản lý tài chính khác như thuế”.
PGS-TS Đinh
Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng vai trò “gác cổng” của ngành hải
quan trong thời gian gần đây đáng ghi nhận. Đặc biệt, các vụ buôn lậu lớn, ma
túy rất lớn được ngành này “phá án” thành công trong năm qua.
Tuy nhiên, công
tội phải rạch ròi. Đây cũng là ngành nhạy cảm và dễ có nhiều “con sâu” đã gây
thất thoát thuế cho ngân sách nhà nước.
“Ngành tài
chính nói chung và ngành thuế, hải quan nói riêng liên quan trực tiếp đồng
tiền, nên độ cám dỗ khá lớn. Thứ hai, liên quan đến tiền nên nhiều đối tượng
dùng mọi mánh lới để mua chuộc họ nhằm có lợi cho bản thân, cho DN. Đây là lẽ
thường bởi thực tế không ai coi thường đồng tiền cả. Nên với cán bộ trong
ngành tài chính nói chung, đạo đức hàng đầu là liêm khiết và trong sạch. Thứ
ba, kẽ hở của luật pháp trong ngành tài chính còn nhiều, chưa thực sự hoàn thiện,
đặc biệt nhiều quy định mang tính tổng quát, tùy theo cách hiểu của mỗi đơn
vị. Song đây cũng là kẽ hở để cán bộ thoái hóa lợi dụng làm lợi cho mình, cấu
kết với DN làm thay đổi mã hàng, giảm thuế xuất nhập khẩu, giảm thu thuế
VAT”, PGS-TS Thịnh nêu ý kiến và nói thẳng, nhân viên hải quan là người rất
am tường luật pháp, đặc biệt luật xuất nhập khẩu. Vì vậy, khi họ đã “bắt tay”
với giới buôn lậu, làm sai thì rất khó phát
hiện.
Công
khai, minh bạch
PGS-TS Đinh
Trọng Thịnh đề nghị: “Đầu tiên, các quy định càng công khai minh bạch, tỉ mỉ
càng tốt. Cán bộ vận dụng sai sẽ biết ngay. Thứ hai, tăng kiểm tra giám sát
chéo, kiểm tra trong ngành. Thứ ba là chế tài xử phạt nghiêm khắc khiến người
muốn làm sai cũng chùn tay. Chẳng hạn chỉ cần sai phạm là bị ra khỏi ngành…
”.
(Theo Thanh
Niên) Lam Nghi
|
Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét