Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Nộp lại tiền mua máy xét nghiệm: Chưa xong

Cập nhật lúc 14:24   

Nộp tiền khắc phục hậu quả không có nghĩa sẽ được miễn tội, không bị xử lý nữa, không có chuyện đó

Liên quan tới sai phạm xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trong việc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, Cơ quan công an vừa công bố kết quả điều tra bước đầu cho thấy, 7 bị can trong vụ án đã câu kết với công ty thông đồng, nâng khống giá máy lên gấp 3 lần. Đến nay, các đối tượng bước đầu đã thừa nhận hành vi này và tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền.



Một hệ thống xét nghiệm Realtime PCR - Ảnh: TTO

Nhìn nhận chung, LS Trương Xuân Tám cho rằng vụ việc đã bị khởi tố, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng của các đối tượng đã được cơ quan công an xác định rõ.
Tuy nhiên, vị LS còn nhìn nhận vụ việc ở mức độ nặng hơn đó chính là hành vi tham ô tài sản.
"Dấu hiệu của hành vi này là câu kết, bàn bạc với nhau nhằm móc tài sản hay chính là móc tiền từ ngân sách cấp cho CDC Hà Nội quản lý để mua máy xét nghiệm nhưng những đối tượng này lại tính toán ăn chia, chia chác với nhau.
Những cán bộ sai phạm đều là những người có chức vụ quyền hạn trực tiếp quản lý tài sản (tiền bạc) của CDC mà lại dùng thủ đoạn xấu để chiếm đoạt nguồn tiền này thì đây chính là dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Loại tội phạm này đặc biệt nghiêm trọng phải xử lý thật nghiêm", vị LS nhận định.
LS Trương Xuân Tám nói tiếp, trong vụ việc này các hành vi phạm tội của các đối tượng đã được hoàn thành vì thế hành động nộp tiền xin khắc phục hậu quả đương nhiên được xem là tình tiết giảm nhẹ theo luật.
Nhưng cần lưu ý, vụ việc lại xảy ra đúng vào thời điểm xảy ra dịch bệnh với số người và nguy cơ lây nhiễm rất cao. Theo quy định tại điểm N, Khoản 1, Điều 52, Bộ Luật hình sự 2015, những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để phạm tội lại là những tình tiết được xem xét để tăng nặng.
Đây là hành vi dựa vào sự khó khăn của đất nước là đang có dịch bệnh để đề làm lợi cho mình.
Khi dịch bệnh càng nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng càng rộng, thiệt hại đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra càng lớn và tính chất, mức độ lợi dụng càng cao, thì mức độ tăng nặng hình phạt (chuyển loại hình phạt nặng hơn, tăng mức hình phạt tù hoặc phạt tiền hoặc thời gian cải tạo không giam giữ) đối với người phạm tội càng nhiều và ngược lại.
Như vậy, trong vụ việc này cơ quan xét xử cần xem xét đến tình tiết giảm nhẹ là các đối tượng đã chủ động nộp lại tiền xin khắc phục nhưng cũng đồng thời phải áp dụng đúng khung hình phạt tăng nặng với hành vi vi phạm.
Vị LS cũng lưu ý, vụ việc xảy ra đã gây những dư luận rất xấu, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, như thế, khi xét xử HĐXX phải xem xét toàn diện, nhiều mặt để đưa ra mức án vừa mang tính nhân văn nhưng cũng phải đủ sức trừng trị, răn đe. 
"Nên nhớ, nộp tiền khắc phục hậu quả không có nghĩa sẽ được miễn tội, không bị xử lý nữa. Không có chuyện đó", vị LS nhấn mạnh.
Một vấn đề rất quan trọng khác được vị LS đề cập tới chính là việc xác định giá máy chuẩn để làm cơ sở xử lý việc mua bán tại các địa phương khác.
"Không riêng gì Hà Nội, ngay tại các Trung tâm kiểm soát bệnh tật nhiều địa phương khác cũng đã mua máy xét nghiệm với giá rất cao, tương đương thậm chí còn cao hơn cả Hà Nội vậy việc này phải làm rõ thế nào?
Cơ quan công an đã xác định CDC Hà Nội nâng khống giá máy cao gấp 3 lần, như vậy cũng cần công khai mức giá chuẩn cho từng loại máy ra sao? Trên cơ sở đó sẽ so sánh với mức giá tương đối tại các địa phương khác đã mua.
Việc này phải làm rất nhanh vì đang có hiện tượng đàm phán, thỏa thuận, thương lượng giữa bên mua với bên bán với nhau thông qua việc sử dụng các thủ thuật nhân danh lòng tốt như cho thuê, mượn, giảm giá... để trốn tránh sai phạm.
Việc này rất nguy hiểm, và cần phải làm thật nhanh. Pháp luật phải áp dụng công bằng, không thể xử lý CDC Hà Nội mà lại không xử lý các địa phương có sai phạm khác được.
Vì thế, cần phải tiến hành khởi tố, điều tra tất cả những địa phương có dấu hiệu mua bán không minh bạch để tiến hành mở rộng điều tra", vị LS nêu quan điểm.
(Theo Đất Việt) Lam Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét